Litva mở rộng phạm vi cấm vận Kaliningrad
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, Litva hôm 11/7 vừa tuyên bố mở rộng phạm vi lệnh cấm trung chuyển hàng hóa qua lãnh thổ nước này vào vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga .
Theo đó, quy định cấm vận mới của Litva bổ sung thêm các mặt hàng bao gồm bê tông, gỗ, rượu và hóa chất công nghiệp có cồn, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của hải quan Litva cho biết.
Công ty Đường sắt Litva ước tính các lệnh cấm vận và hạn chế sẽ được áp dụng đối với khoảng 15% trong tổng số 3,7 triệu tấn hàng hóa mà hãng này vận chuyển từ Nga đến Kaliningrad trong nửa đầu năm 2022.
Vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc về Nga nhưng lại "lọt thỏm" giữa các quốc gia EU. Do đó, các hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Nga đến vùng lãnh thổ này phải phụ thuộc nhiều vào đường sắt và đường bộ qua Litva.
Trong khi Moskva lên án lệnh cấm vận của Litva là "bất hợp pháp", thì phía Litva khẳng định họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt.
Trước đó, Nga đã cảnh báo Litva và Liên minh châu Âu rằng nước này có thể dùng đến "các biện pháp khắc nghiệt" để đáp trả các lệnh hạn chế, cấm vận của Litva, nếu như quá trình vận chuyển một số hàng hóa đến và đi từ Kaliningrad không tiếp tục "trong những ngày tới".
Ảnh: Reuters
Kaliningrad lên tiếng
Theo Reuters, cũng trong ngày 11/7, Thống đốc vùng Kaliningrad Anton Alikhanov đã đề xuất cấm hoàn toàn hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa Nga với ba nước Baltic là thành viên EU bao gồm Litva, Latvia và Estonia, nhằm đáp trả lệnh cấm vận của Litva.
Ông Alikhanov bình luận trên Telegram: "Chúng tôi đề xuất cấm hoàn toàn hoạt động vận chuyển hàng hóa, bao gồm hàng hóa quá cảnh từ nước thứ ba, giữa 3 nước Baltic và Nga, như một biện pháp 'có đi có lại'."
Điều này có thể chuyển hướng vận chuyển hàng hóa của Nga khỏi các cảng biển của 3 quốc gia nêu trên.
"Điều này sẽ tạo ra việc làm cho các hãng hàng hải và cảng biển của Kaliningrad, nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế của EU".
Tháng trước, Vilnius đã cấm vận chuyển một số hàng hóa giữa lục địa Nga và Kaliningrad, trong đó bao gồm vật liệu xây dựng, với lý do tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU.
Hai ông Putin - Lukashenko điện đàm
Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko cũng vừa có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về cách phản ứng trước những động thái của Litva.
Cụ thể, trong tuyên bố ngắn trên kênh Telegram, Điện Kremlin cho hay hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về "một số phương án chung" nhằm đáp trả các "hạn chế bất hợp pháp của Litva đối với việc vận chuyển hàng hóa đến vùng Kaliningrad".
Tranh cãi về việc cô lập Kaliningrad đang thử thách quyết tâm thực thi các biện pháp trừng phạt của châu Âu, theo Reuters.
Hồi cuối tháng 6, các quan chức EU đã tìm tìm kiếm một thỏa hiệp với Litva để giải quyết tình thế bế tắc. Tuy nhiên, các nguồn tin nói với Reuters rằng Litva không muốn thực hiện những điều có thể được coi là nhượng bộ Nga.
Ảnh: RIA
Trả đũa Litva: Nga có những lựa chọn nào?
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Đại biện Nga tại Litva Sergei Ryabokon cho biết Nga có cơ hội đáp trả tương xứng lệnh cấm vận của Litva.
Cụ thể, phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 24, ông Ryabokon gợi ý rằng Nga có thể làm điều tương tự đối với những chuyến tàu hàng của EU trung chuyển qua nước này. "Có lẽ chúng ta nên suy nghĩ về việc cắt giảm số chuyến tàu trung chuyển giống như cách họ đang làm với chúng ta", nhà ngoại giao Nga cho biết.
Ông Ryabokon cũng đề cập tới hệ thống điện BRELL - hệ thống đồng bộ hóa các hệ thống điện của Belarus, Nga, Estonia, Latvia và Litva.
"Chúng ta cần xem xét hệ thống điện BRELL. Đúng là họ không mua điện từ chúng ta, nhưng họ muốn chúng ta bảo đảm cho họ trong trường hợp có sự cố như mất điện hay quá tải. Nếu họ cần sự giúp đỡ từ chúng ta thì họ không nên nói chuyện với chúng ta như thế", ông Ryabokon nói thêm.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cảnh báo Litva "đi quá giới hạn", và khẳng định Moskva có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia nếu Litva không dỡ bỏ hạn chế./.
Nguồn tổng hợp: Reuters, RT, RIA Novosti, Al Jazeera