Những tuần gần đây, diễn biến giao dịch cổ phiếu Hòa Phát (HPG) không thực sự tích cực với nhiều phiên điều chỉnh liên tiếp. Trong phiên giao dịch 18/12, thị giá HPG về 31.100 đồng/cp, mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Có nhiều yếu tố không thực sự ủng hộ cổ phiếu HPG trong giai đoạn này. Đầu tiên là diễn biến TTCK không thực sự thuận lợi, tiếp đến là việc quỹ PENM liên tục bán ra cổ phiếu. Bên cạnh đó là những lo ngại về triển vọng HPG trong năm tới khi mà giá thép đang trên đà giảm mạnh.
Biến động HPG trong 1 năm qua
Dù đón nhận những thông tin tiêu cực, nhưng không thể phủ nhận HPG là một trong những cổ phiếu được yêu thích nhất thị trường với thanh khoản hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên. Không những vậy, HPG còn thường xuyên nằm trong top những khoản đầu tư lớn nhất của các quỹ ngoại tại Việt Nam.
Theo báo cáo của VOF VinaCapital, tính tới cuối tháng 11, tỷ trọng cổ phiếu HPG trong danh mục quỹ lên tới 12,7% (khoảng 120 triệu USD) và là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tương tự, cổ phiếu HPG cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Vietnam Holding với tỷ trọng 9,7% vào cuối tháng 10.
Quỹ đầu tư lớn nhất của Dragon Capital là VEIL cũng dành sự quan tâm lớn tới HPG và cổ phiếu này nằm trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 3,84% (khoảng 56 triệu USD).
HPG cũng chiếm tỷ trọng 8,42% trong danh mục JP Morgan VOF vào cuối tháng 11, tương ứng giá trị khoảng 27 triệu USD.
Các quỹ ETF ngoại như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF cũng dành tỷ trọng khá lớn cho HPG, lần lượt là 4,12% và 8,65%.
Trong nước, các quỹ do VFM quản lý cũng có tỷ trọng cổ phiếu HPG khá lớn. VFMVF1 có tỷ trọng 4,2% HPG; VFMVF4 có tỷ trọng 5,5% HPG và VFMVN30 ETF có tỷ trọng 7,44% HPG.
HPG chiếm tỷ trọng khá cao trong danh mục nhiều quỹ đầu tư
Việc HPG thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư đến từ triển vọng dài hạn Hòa Phát, nhất là khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động sẽ giúp gia tăng công suất và thị phần của Hòa Phát.
Với công suất tổng khoảng 4 triệu tấn và vị trí thuận lợi gần thị trường miền Nam, đến năm 2020 khi toàn bộ dự án Dung Quất được đưa vào hoạt động sẽ giúp Hòa Phát khẳng định vị thế dẫn đầu ngành thép nội địa, khai thác mạnh hơn thị trường miền Nam và xuất khẩu.
Hiện tại, dự án Dung Quất đang triển khai đúng tiến độ nhà máy cán số 1 đã đưa vào hoạt động, gần đạt công suất định mức. Còn lò cao số 1 dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào giai đoạn cuối quý 1-2/2019. Theo kế hoạch bước sang năm 2020, Hòa Phát sẽ cho ra thị trường sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên.
Riêng năm 2018, Tập đoàn chủ trương hoàn tất đầu tư 28.000/40.000 tỷ đồng đầu tư dự án Dung Quất. Trong đó, toàn bộ 20.000 tỷ từ vốn chủ sở hữu đã được đầu tư, 20.000 tỷ còn lại từ nguồn vốn vay.