Cổ phiếu đồng loạt trỗi dậy
Thị trường chứng khoán mở màn phiên sáng bằng sắc đỏ bao trùm hầu hết các nhóm ngành. Tuy áp lực bán đang dần hạ nhiệt ở nhóm vốn hoá lớn, song bên bán vẫn thắng thế khiến chỉ số VN-Index mất mốc 1.500 điểm.
Trong khi các nhóm ngành chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu than – một nhóm cổ phiếu bất lâu nay lặng sóng lại bất ngờ trỗi dậy và đua nhau bứt phá sau thời gian dài không được nhà đầu tư chú ý.
Cụ thể, mã TVD của CTCP Than Vàng Danh dẫn đầu đà tăng với 6,7% lên mức 15.900 đồng trong phiên sáng 14/2. So với mức giá 12.500 đồng/cp vào phiên 28/1, mã này đã tăng 27% giá trị.
Tương tự, CTCP Than Núi Béo (mã NBC) cũng bứt tốc 6,3% lên mức 17.000 đồng/cp. Chỉ sau hơn một tuần giao dịch, cổ phiếu này đã tăng 34% giá trị. Thanh khoản duy trì hơn 418 nghìn đơn vị khớp lệnh trong phiên sáng ngày 14/2.
TC6 cũng là một cái tên sáng giá trong nhóm cổ phiếu "vàng đen" khi đạt mốc 12.300 đồng/cp. Cũng tương tự như những mã trên, cổ phiếu này xác lập đà tăng sau kỳ nghỉ Tết khi tăng giá đến 26% giá trị chỉ sau vài phiên giao dịch.
Bên cạnh đó hàng loạt cổ phiếu than cũng đua nhau bứt phá trong phiên sáng này, điển hình là MDC (+3,9%), TDN (+3,6%), CST (+2,4%),...
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nguyên nhân kích hoạt đà tăng của cổ phiếu than đến từ việc giá than quốc tế biến động mạnh trong thời gian gần đây. Tính đến ngày 14/2, giá than tương lai ở mức 245 USD/tấn, tăng 2,5% so với ngày trước đó và tăng 180,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2021 khi giá mặt hàng này gần chạm 270 USD/tấn.
Giá than tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh tuần qua, bên cạnh nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, trong khi nguồn cung gặp khó khăn để theo kịp.
Bên cạnh đó, chính phủ Pháp cũng vừa cho phép các nhà máy điện sử dụng nhiều than hơn trong tháng 1 và tháng 2 để đảm bảo an ninh năng lượng. Về thị trường Trung Quốc, giá than của nước này tăng mạnh kể từ khi Indonesia cấm xuất khẩu. Tuy ngày 21/1, quốc gia Đông Nam Á đã dỡ bỏ lệnh trên nhưng các doanh nghiệp Indonesia phải tập trung vào nguồn cung nội địa.
Theo đó, các yếu tố trên đã đẩy giá lên cao.giá than tăng cao trong bối cảnh giá dầu lên đỉnh điểm và nguồn cung than thiếu hụt.
Kinh doanh kém sáng, "cửa" nào cho năm 2022?
Trái ngược với đà tăng của giá than, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp than khá kém sáng và thường không ổn định. Điều này được thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh quý 4 năm 2021 khi không có sự bứt phá trong tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, thậm chí có công ty ghi nhận mức sụt giảm hai chữ số.
Đơn cử như CTCP Than Núi Béo (mã NBC) khi ghi nhận doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm sâu so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu năm 2021 của NBC đạt 2.670 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ chi phí doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ xuống còn 46 tỷ đồng.
Do chi phí tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và chi phí phòng chống Covid-19 tăng mạnh, Than Cọc Sáu - Vinacomin (TC6) ghi nhận LNST năm 2021 đạt 2,4 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng quý 4/2021, doanh nghiệp ngành than còn ghi nhận lỗ sau thuế 1,2 tỷ đồng.
Tuy lợi nhuận không đi lùi như nhiều doanh nghiệp cùng ngành, song kết quả kinh doanh của Than Đèo Nai (mã TDN) cũng không có gì khởi sắc. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế duy trì đi ngang so với cùng kỳ 2020, đạt hơn 45 tỷ đồng. Tính riêng quý 4/2021, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 73% xuống mức xấp xỉ 7 tỷ đồng.
Có thể thấy, dù kết quả kinh doanh chưa có nhiều điểm sáng, song cổ phiếu than vẫn đi lên nhờ những kỳ vọng về sự leo thang của giá than thế giới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng với "độ trễ" nhất định so với giá thế giới và cơ chế kiểm soát giá khác biệt, ngay trong năm 2021 nhóm cổ phiếu ngành than nhiều khả năng sẽ chưa thể hưởng lợi từ cơn sốt giá than vừa qua.
Đặc biệt, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là cơ chế hoạt động và kinh doanh của các doanh nghiệp ngành than có sự khác biệt rất lớn khiến kỳ vọng về sự hưởng lợi từ giá thế giới có thể không trùng khớp với thực tế. Cụ thể, than là khoáng sản đặc biệt, lâu nay các doanh nghiệp khai thác than trực thuộc tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) không được xuất khẩu và áp giá trực tiếp với khách hàng mua, mà họ chỉ có chức năng khai thác theo định mức sản lượng được giao hàng năm.
Toàn bộ than khai thác được, các doanh nghiệp phải bán cho doanh nghiệp thương mại của ngành than, các doanh nghiệp thương mại này mới có chức năng xuất khẩu trực tiếp. Đồng thời, định mức tỷ suất lợi nhuận cũng thường được ấn định theo con số dự toán trước và được điều chỉnh không quá nhiều dù giá trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Ngoài ra, than khai thác trong nước chủ yếu là than cám, có giá và chất lượng thấp hơn, chứ không phải than đá – được dùng phổ biến trong sản xuất công nghiệp và là mặt hàng có giá tăng mạnh thời gian qua.
Trong một báo cáo mới đây, SSI Research cũng cho rằng giá than ở Việt Nam không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ hai đơn vị được phép khai thác và bán than trong nước là TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Đáng chú ý, giá than trong nước thường chỉ được điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và thường chỉ diễn ra 3-4 năm/lần.
Tầm nhìn sang năm 2022, SSI Research cho rằng ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá than trong nước dự kiến điều chỉnh từ 10 – 15% do chi phí sản xuất than đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu từ nhiệt điện bắt đầu phục hồi trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Nhờ đó, các doanh nghiệp khai thác than đang niêm yết cũng sẽ bắt đầu được hưởng lợi khi đàm phán lại giá bán mới cho TKV trong năm 2022.
Tuy nhiên, báo cáo của SSI Research cũng lưu ý việc giá than khai thác ở Việt Nam đang đắt hơn nhiều so với thế giới ở trong giai đoạn bình thường, do đó dư địa tăng giá trong nước không còn nhiều, nhất là khi giá than thế giới có khả năng hạ nhiệt nhanh trong năm 2022.