Với việc thị trường chứng khoán Việt Nam và quốc tế giảm mạnh trong quý 4, dư nợ cho vay (cấp margin, ứng trước tiền bán...) của đa số các công ty chứng khoán lớn đều ít nhiều giảm đi so với quý 3.
Dư nợ cho vay của HSC và Bản Việt giảm hơn 1.000 tỷ, VNDirect giảm 800 tỷ, MBS, SHS và FPTS giảm từ 250-350 tỷ đồng.
Tuy vậy, vẫn có một số công ty có dư nợ tăng như SSI tăng hơn 500 tỷ, BVS tăng 200 tỷ... Nhưng đáng chú ý nhất trong quý vừa qua phải kể đến Mirae Asset Việt Nam (MAS) khi dư nợ tăng đột biến từ 2.000 tỷ cuối quý 3 lên 3.600 tỷ vào cuối năm - đứng thứ 2 toàn thị trường chỉ sau mức 6.000 tỷ của SSI. Tại thời điểm đầu năm 2018, dư nợ cho vay của MAS chỉ ở mức 1.000 tỷ đồng.
Hiện MAS đang được tập đoàn mẹ Mirae Asset (Hàn Quốc) đầu tư rất mạnh để gia tăng thị phần tại Việt Nam. Cũng trong năm 2018, MAS đã được tăng vốn hơn gấp đôi từ 2.000 tỷ lên 4.300 tỷ đồng - mức vốn điều lệ lớn thứ 2 cũng chỉ sau SSI.
Tại thời điểm cuối năm 2018, lượng tiền mặt của MAS vẫn còn khá dồi dào với 2.200 tỷ đồng và nhiều khả năng dư nợ cho vay của công ty sẽ tiếp tục tăng trong các quý tới.
Không chỉ MAS, một số công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc khác cũng đang đẩy mạnh cho vay như KIS (tăng 327 tỷ) hay KB Securities (tăng 365 tỷ).
Việc các công ty chứng khoán của Hàn Quốc đẩy mạnh phát triển dịch vụ ở Việt Nam cũng diễn ra đồng thời với làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nhà đầu tư Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam. Từ cuối năm 2017 đến nay, một loạt quỹ đầu tư lớn của Hàn Quốc như nhóm quỹ KIM, Fides, Yurie... đã giải ngân hàng tỷ USD để mua cổ phiếu Việt Nam.