Bất chấp những biến động không thực sự tích cực của thị trường chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn ngược dòng bứt phá, nhiều mã vượt đỉnh lịch sử trong thời gian gần đây.
Riêng phiên giao dịch 23/8, dù VN-Index giảm sâu gần 31 điểm (-2,3%) nhưng khá nhiều cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh, thậm chí tăng trần như SHS, CTS, VIG, AGR, TVS, VFS, EVS, DSC…
Nhiều cổ phiếu chứng khoán ngược dòng tăng trần trong phiên 23/8
Việc nhóm chứng khoán tăng mạnh thời gian gần đây có thể đến từ yếu tố quy mô thị trường đã tăng trưởng vượt bậc so với quá khứ và khi đó công ty chứng khoán sẽ là đối tượng hưởng lợi đầu tiên. Trong những tháng gần đây, thanh khoản thị trường đã tăng rất mạnh và những phiên giao dịch "tỷ đô" diễn ra khá thường xuyên.
Trước đó trong giai đoạn nửa đầu năm 2021, sự sôi động của thị trường đã giúp các công ty chứng khoán thu lãi lớn. Thống kê 32 Công ty chứng khoán, chiếm khoảng 95% thị phần thị trường cho biết tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 10.061 tỷ đồng, tăng 159% so với cùng kỳ năm trước. Con số lợi nhuận trong 6 tháng vừa qua thậm chí tương đương tổng lợi nhuận cả năm 2020 của các Công ty chứng khoán.
Lợi nhuận tăng đột biến đã giúp không ít cổ phiếu chứng khoán "tăng bằng lần" trong nửa đầu năm 2021. Với sự sôi động của thị trường thời gian qua, giới đầu tư lại một lần nữa đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Bên cạnh yếu tố thị trường thuận lợi, việc hàng loạt Công ty chứng khoán như VNDIRECT, HSC, VCSC, Pinetree, DNSE…đẩy mạnh tăng vốn đã giúp gia tăng năng lực, tài chính, đáp ứng dịch vụ cho giới đầu tư, từ đó có thể cải thiện đáng kể lợi nhuận.
Vào thời điểm cuối quý 2/2021 cho biết dư nợ margin trên toàn thị trường hiện chỉ khoảng 125.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,12 lần trên vốn chủ sở hữu, là mức an toàn so với quy định cho vay tối đa 2 lần tại các Công ty chứng khoán. Như vậy, dư địa cho vay của các Công ty chứng khoán trong thời gian tới còn rất nhiều.
Một yếu tố tích cực khác hỗ trợ cổ phiếu chứng khoán là tiềm năng tăng trưởng quy mô của thị trường Việt Nam còn rất lớn. Thống kê cuối tháng 7 cho biết số lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam vào khoảng 3,5 triệu, tương đương 3,6% dân số. Đây là mức thấp so với các quốc gia trong khu vực và điều này là cơ hội tốt cho các Công ty chứng khoán phát triển các dịch vụ phục vụ khách hàng. Do đó, nhóm chứng khoán được các chuyên gia đánh giá vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực trong dài hạn.
Trong báo cáo mới được công bố, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng với các kế hoạch tăng vốn đang chờ thực hiện sẽ giúp năng lực cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2021. Các công ty chứng khoán lớn sẽ có lợi thế về chi phí huy động và nguồn vốn để cạnh tranh, cung cấp lãi suất thấp ra thị trường.
Các công ty chứng khoán có tỷ trọng lớn từ các mảng dịch vụ này trong cơ cấu doanh thu được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn các công ty khác và công bố kết quả kinh doanh tích cực.
Sau khi hoàn thành kế hoạch tăng vốn, ngành chứng khoán, đặc biệt là mảng cho vay ký quỹ, được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đang gia tăng của thị trường nhằm hỗ trợ xu hướng tăng hiện tại cũng như giảm bớt áp lực về tỷ lệ cho vay ký quỹ trên vốn chủ sở hữu.
Dù tự tin với các mảng dịch vụ chứng khoán bao gồm cho vay ký quỹ, môi giới và đánh giá đây sẽ là động lực tăng trưởng chính, tuy nhiên VDSC cho rằng mảng tự doanh sẽ đạt lợi nhuận thấp hơn trong nửa cuối năm 2021. Bên cạnh đó, thu nhập từ mảng ngân hàng đầu tư và các dịch vụ liên quan sẽ phân hóa đối với các công ty chứng khoán có số lượng thương vụ đang chờ khác nhau.