Thị trường chứng khoán những tuần vừa qua đang "cà giật" như bước nhảy của kangaroo khi không đi xuống hoàn toàn nhưng thực tế cũng chẳng đi lên, chủ yếu chỉ dao động trong biên độ nhất định. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu RDP của Công ty cổ phần Rạng Đông Holding đang thu hút nhiều sự chú ý khi tăng kịch trần 6,98% trong phiên 17/3 để đóng cửa tại mức 19.150 đồng/cp. Đây cũng là phiên tăng trần thứ 8 trong vòng 9 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu này. Như vậy chỉ vỏn vẹn gần 2 tuần giao dịch, thị giá RDP đã tăng gần gấp đôi kể từ mức 10.800 đồng/cp (phiên 4/3).
Đi kèm với việc tăng giá mạnh, thanh khoản của cổ phiếu RDP cũng được cải thiện từ mức vài chục nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên, hiện có phiên đã xấp xỉ 1 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Đáng chú ý, đợt sóng bất ngờ này của cổ phiếu RDP diễn ra trong bối cảnh trống thông tin hỗ trợ. Gần đây nhất, RDP vừa báo cáo niêm yết bổ sung hơn 1,4 triệu cổ phiếu, ngày có hiệu lực thay đổi từ 18/3/2022. Đây là số cổ phiếu doanh nghiệp chào bán thành công trong đợt phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP). Như vậy, tổng số cổ phiếu sau khi thay đổi niêm yết là hơn 49 triệu đơn vị, tương ứng vốn điều lệ gần 491 tỷ đồng.
Diễn biến giao dịch nội bộ của RDP không quá sôi động, chỉ ghi nhận giao dịch gần nhất là ông Đỗ Minh Luân, Kế toán trưởng RDP đăng ký mua 500.000 cổ phiếu với mục đích đầu tư, dự kiến từ 16/3 đến 14/4/2022.
Lãi ròng năm 2021 gấp 27 lần cùng kỳ, cổ phiếu vẫn thuộc diện cảnh báo HOSE do LNST luỹ kế âm
Theo tìm hiểu, Rạng Đông Holding là doanh nghiệp nhựa lâu đời thành lập từ năm 1960, chuyên sản xuất các loại giả da PVC, PU xốp, khăn trải bàn, mảng mongrn PVC… Từ cuối năm 2018 doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi thành tập đoàn đa lĩnh vực với ngành nhựa là trọng tâm, đổi tên từ Nhựa Rạng Đông thành Rạng Đông Holding.
Về tình hình kinh doanh, BCTC hợp nhất quý 4/2021 của RDP ghi nhận doanh thu thuần quý 4 của doanh nghiệp đạt gần 581 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng lớn khiến lãi gộp thu về chỉ còn hơn 49 tỷ đồng. Khấu trừ thêm các chi phí khác, trong đó chi phí tài chính hơn 29 tỷ và chi phí QLDN hơn 14 tỷ, RDP lỗ ròng gần 2 tỷ đồng, cải thiện đôi chút so với khoản lỗ hơn 7 tỷ cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu của RDP đi ngang so với năm trước, đạt 2.712 tỷ đồng, trừ đi chi phí giá vốn và các chi phí khác liên quan, công ty ghi nhận lãi sau thuế hơn 42 tỷ, trong đó lãi của công ty mẹ là hơn 37 tỷ đồng, gấp gần 27 lần lãi ròng vỏn vẹn 1 tỷ đồng của năm 2020.
Tính đến 31/12/2021, RDP vẫn ghi nhận khoản lỗ luỹ kế hơn 69 tỷ đồng. Vì lý do này, cổ phiếu RDP vẫn vào diện cảnh báo của HOSE do LNST chưa phân phối là số âm.
Thông tin liên quan, ngày 6/4 tới đây, RDP sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, dự kiến diễn ra vào 7/5/2022. Hiện tài liệu đại hội chưa được công bố.
"Cửa sáng" trong năm 2022 đối với các doanh nghiệp ngành nhựa
Theo đánh giá của chuyên gia, triển vọng cho ngành nhựa trong năm nay rất thuận lợi nhờ việc Việt Nam ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới trong thời gian gần đây như CPTPP, EVFTA, RCEP, kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư không chỉ ở các nước đối tác FTA mà cả các nước khác.
Các doanh nghiệp nhựa có thể được hưởng lợi từ việc ngành sản xuất tại Mỹ đang bị ảnh hưởng do số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại. Trong khi đó Trung Quốc là nhà cung cấp sản phẩm nhựa lớn cho thị trường Mỹ cũng giảm sản lượng nên đơn hàng đổ về Việt Nam.
Ngoài ra, ngành nhựa cũng có sự thu hút đối với nguồn vốn ngoại khi dư địa tại các doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn rất lớn.