Trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, Susan Wang – 27 tuổi, đang làm việc cho một công ty của Anh tại Hồng Kông, đã có kế hoạch lớn cho năm 2020. Không chỉ mua Macbook, iPad và một chiếc máy chiếu mới, để xem phim cùng bạn bè ở nhà, mà chị còn dự định sẽ "nhảy việc".
Wang chia sẻ: "Tôi đã lên kế hoạch thay đổi công việc, nhưng nhà tư vấn tìm việc của tôi cho biết hoạt động tuyển dụng đã tạm hoãn cho đến quý II." Chị cho nói: "Trụ sở chính ở London của công ty tôi cũng có kế hoạch cắt giảm nhân sự. Tôi nghĩ mình nên tiết kiệm tiền trong trường hợp bị sa thải."
Covid-19 hoành hành khiến thị trường chứng khoán lao dốc và các công ty lớn buộc phải cắt giảm việc làm. Cũng như nhiều người tiêu dùng khác trên toàn thế giới, Wang ngày càng tiết kiệm hơn. Chị không còn đi ăn tại các nhà hàng, mà giờ đây luôn cố gắng chi tiêu hợp lý, giữ hoá đơn mua thực phẩm hàng tuần ở dưới mức 500 HKD (64 USD). Trong khi đó, trước đây, Wang sẽ không ngại chi 100 HKD cho mỗi bữa ăn.
Khi dịch bệnh lan rộng trên khắp thế giới, hành vi của người tiêu dùng ở khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đều thay đổi. Các chuyên gia cho biết khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Đại Khủng hoảng năm 1930 và sự kiện 11/9 đã cho thấy một số dấu hiệu về cách thức và thời điểm hoạt động tiêu dùng có thể hồi phục. Tuy nhiên, sự phức tạp của cuộc khủng hoảng lần này, cùng với những con số liên tục thay đổi, quy mô lây lan đã khiến tốc độ hồi phục của chi tiêu tiêu dùng sẽ rất khó dự đoán.
Jesse Garcia, nhà tâm lý học về hành vi tiêu dùng, CEO của My Marketing Auditors, nhận định: "Đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn mô hình vốn có của hành vi tiêu dùng trên toàn thế giới. Mọi người đang sợ hãi. Khi họ sợ hãi, họ sẽ ‘bật’ chế độ sinh tồn."
Tại Hồng Kông, doanh số bán lẻ đã rớt xuống mức kỷ lục 44% trong tháng 2 và con số này thậm chí sẽ còn lớn hơn nữa. Hiệp hội Quản lý Bán lẻ Hồng Kông dự đoán doanh số sẽ giảm từ 30-40% trong nửa đầu năm nay. Ở Mỹ, con số trên giảm 0,5% trong tháng 2, từ trước khi nhiều bang yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài.
Các chuyên gia cho biết những mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi hàng hoá và dịch vụ có thể sử dụng tại nhà sẽ chứng kiến doanh số tăng vọt. Cho đến nay, một trong những mặt hàng bị thiếu hụt nhiều nhất là giấy vệ sinh. Rất nhiều phương tiện truyền thông đã công bố những hình ảnh về các kệ hàng siêu thị trống trơn, người dân xếp hàng dài để mua giấy vệ sinh, khẩu trang, nước rửa tay.
Theo Vicki Yeung, giáo sư dự khuyết tại Khoa Tâm Lý học tại Đại học Lĩnh Nam – Hồng Kông, tâm lý "điên cuồng tích trữ" có thể được giải thích bằng khái niệm "thích ứng thông tin" (informational conformity). Bà nói: "Khi mọi người thiếu kiến thức về tình hình hiện tại và ở trong tình huống bất ổn, họ sẽ nảy sinh tâm lý đám đông và thực hiện nó một cách mù quáng. Nhưng khi tiếp nhận nhiều thông tin hơn, sự hoảng loạn sẽ dần biến mất. Trong suốt đại dịch Covid-19, người tiêu dùng cảm thấy lo lắng vì không thể kiểm soát tình hình."
Các chuyên gia nhận định, không như những cuộc khủng hoảng trước đây, ví dụ sự kiện 11/9, Covid-19 không phải là cú sốc hệ thống chỉ xảy ra 1 lần, tâm lý lo ngại có thể sẽ kết thúc và sau đó quay trở lại nhiều lần trong hành vi tiêu dùng. Đây cũng là mô hình tương tự diễn ra trong sự kiện Cái chết Đen ở châu Âu năm 1347.
Hơn nữa, so với khủng hoảng tài chính 2008 và Đại Khủng hoảng – khi phần lớn thiệt hại ban đầu chỉ xảy ra đối với lĩnh vực tài chính, thì cuộc khủng hoảng này đã khiến gần như toàn bộ nền kinh tế rơi vào sự trì trệ, gây xáo trộn cho thị trường việc làm và tiêu dùng.
Ngày 2/4, Bộ Lao động Mỹ đã công bố số liệu mới, cho thấy nước này ghi nhận tới hơn 6,6 triệu đơn trợ cấp thất nghiệp vào tuần 27/3, tăng gấp đôi so với mức kỷ lục 3,3 triệu đơn vào tuần trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc cũng tăng kỷ lục 6,2% trong 2 tháng đầu năm, từ mức 5,2% vào tháng 12 và 5,3% ở năm trước.
Chi tiêu tiêu dùng chiếm tới hơn 60% nền kinh tế Trung Quốc và 70% nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, khi đại dịch khiến người tiêu dùng bước vào trạng thái "ngủ đông" và có khả năng khiến nhiều người bị sa thải, thì các nhà kinh tế học dự đoán rằng cuộc suy thoái toàn cầu do yếu tố tiêu dùng sẽ diễn ra vào quý II năm nay.
Anirban Mukhopadhyay – giáo sư, chủ nhiệm khoa marketing tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, nhận định, khi nào mối đe doạ Covid-19 vẫn còn hiện hữu thì người tiêu dùng vẫn lo ngại ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ học cách làm quen với nó. Ông chỉ ra: "Con người sẽ quen dần với các sự kiện và sự khuyến khích. Nghiên cứu cho thấy thậm chí những người trúng xổ số có xu hướng quay trở lại mức độ hài lòng với cuộc sống trước đó chỉ sau vài tháng, và người tiêu dùng sẽ quen dần với việc cắt giảm chi tiêu."
Charley Ballard, nhà kinh tế học tại Đại học bang Michigan, ước tính người Mỹ có thể mất đến 2 năm để lấy lại cảm giác an toàn trong công việc và tự tin để chi tiêu trở lại. Ông nói thêm, dịch bệnh diễn ra càng lâu thì khoảng thời gian này càng bị kéo dài. Ballard nhận định bối cảnh hiện tại càng phức tạp hơn khi chuỗi cung ứng có nguy cơ bị phá vỡ. Người tiêu dùng sẽ cẩn trọng chi tiêu trong một thời gian đối với các lĩnh vực phổ biến như các sự kiện thể thao, hoà nhạc, nhà hàng và du lịch, di chuyển bằng đường hàng không.
Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi vĩnh viễn do hậu của quả đại dịch. Andreas Kappes – giảng viên tâm lý học tại Đại học Thành phố London, cho biết:" Có thể sẽ rất khó để mọi người quay trở lại lối sống trước đây. Hiện tại, cuộc khủng hoảng buộc chúng ta phải thay đổi hành vi và có thể sẽ khám phá ra cách thức chi tiêu mới phù hợp hơn."
Tham khảo SCMP