Cô Kelly Chai, một người làm công ăn lương tại công ty công nghệ ở Bắc Kinh, gần đây đã không còn tiêu tiền sắm đồ xa xỉ.
Trước đây, cô Kelly Chai đã từng mua sản phẩm túi cao cấp của Louis Vuitton, thế nhưng giờ đây cô thậm chí còn không muốn bỏ ra 400USD để mua túi xách của Coach: “Tôi không thể quyết định được rõ ràng, thế nhưng tôi cảm thấy việc đó thực sự không còn cần thiết”, bà mẹ của cô con gái 7 tuổi cho biết tốt nhất tiền nên được dành để tiêu vào việc khác.
Nhiều năm nay, các công ty bán hàng xa xỉ trên thế giới đã luôn dựa vào thị trường Trung Quốc để tăng trưởng doanh số. Khoảng 30% doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu đến từ Trung Quốc. Thế nhưng động lực tăng trưởng doanh số thời gian gần đây đang giảm bớt khi mà ngày một nhiều người trong tầng lớp trung lưu giảm chi tiêu khi tiềm lực tài chính sa sút.
Đối với cô Chai, khoản thu nhập hàng tháng 2.300USD của gia đình được chi tiêu để trả tiền vay nợ mua căn hộ ở gần trường tiểu học tốt nơi con trai cô đang theo học. Khoản tiền học phí, gia sư và hoạt động ngoại khóa cho cậu bé này khiến gia đình tốn thêm một khoản kha khá nữa.
Việc các hộ gia đình như gia đình Chai ngày một nghèo đi đang khiến các chuyên gia kinh tế cảnh báo về một sự suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc. Mức tăng trưởng doanh số bán nữ trang, đồng hồ và hàng hóa tặng phẩm có giá trị trong tháng 9/2018 giảm xuống mức 2,2% từ mức 20,8% của tháng trước đó, theo số liệu của cục thống kê.
Chuyên gia phân tích về thị trường hàng xa xỉ tại Exane BNP Paribas, ông Luca Solca, nhận xét: “Chúng tôi có thể thấy người tiêu dùng Trung Quốc không còn lạc quan như xưa, thời kỳ họ lạc quan nhất đã qua mất rồi. Nếu xu thế suy giảm này tiếp diễn, và người tiêu dùng có thể hạn chế chi tiêu hơn trông bối cảnh chiến tranh thương mại tăng cao, tăng trưởng doanh số bán hàng tiêu dùng xa xỉ có thể giảm sút đáng kể”.
Trong thập kỷ qua, người tiêu dùng Trung Quốc thuộc nhóm người tiêu dùng tiêu thụ nhiều nhất các mặt hàng xa xỉ. Ngành kinh doanh hàng hóa xa xỉ chịu nhiều tác động từ chiến dịch chống tham nhũng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2012, thế nhưng bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2016. Doanh số bán hàng xa xỉ năm 2017 tăng 20% lên 142 tỷ nhân dân tệ tương đương 20,4 tỷ USD.
Trong 2 năm qua, thị trường chứng khoán và bất động sản Trung Quốc tăng điểm mạnh đã khiến cho tài sản của các hộ gia đình tại đô thị Trung Quốc tăng trưởng. Khoảng 95% các hộ gia đình trung lưu Trung Quốc có bất động sản, và họ chi tiêu trung bình 26,6% thu nhập vào các kênh đầu tư tài chính và bảo hiểm, cao hơn mức tiền mà họ dành để tiết kiệm.
Thế nhưng trong năm nay, đầu tư vào chứng khoán và bất động sản đã không mang lại nguồn thu nhập tốt như trước. Chỉ số Shanghai Composite giảm 30% giá trị tính từ khi chạm mức đỉnh cao vào tháng 1/2018, các công ty bất động sản đang giảm giá bán bất động sản để kích cầu doanh số, mức giảm giá nhiều khi lên đến 30%.