Theo Cục thống kê TP. Đà Nẵng, tính đến ngày 15/5, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có tổng cộng 711 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 148,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 343 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (CNC) với tổng vốn đầu tư là 121,5 nghìn tỷ đồng và 368 dự án đầu tư trong nước trong các KCN, khu CNC, tổng vốn đầu tư 26,7 nghìn tỷ đồng. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 15/5, thành phố có 902 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 3.862 triệu USD.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp (1.066,52 ha, tỷ lệ lấp đầy 86%) đã đi vào hoạt động gồm: KCN Hòa Khánh, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN dịch vụ thủy sản và KCN Đà Nẵng. Bên cạnh đó, 3 Khu công nghiệp mới đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng: KCN Hòa Ninh (400 ha), KCN Hòa Nhơn (360 ha) và KCN Hòa Cầm mở rộng (120 ha).
Ngoài ra, Đà Nẵng còn có Khu Công viên phần mềm số 1 (2 ha), Khu Công viên phần mềm số 2 (5,3 ha) và Khu Công nghệ thông tin tập trung (341 ha), FPT Complex (5,9 ha), Khu công nghệ cao (1.128,4 ha) cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư thứ cấp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Khu CNC Đà Nẵng với quy mô diện tích 58,531ha vào quy hoạch phát triển các KCN. Theo đó, TP. Đà Nẵng đã chính thức có khu CNHT, tạo ra không gian cho CNHT phát triển tập trung. Là cơ sở, tiền đề quan trọng cho việc hình thành doanh nghiệp vệ tinh cung cấp linh kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp khu CNC Đà Nẵng.
Liên quan đến việc phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 là phát triển thêm 4-5 cụm công nghiệp mới nhằm đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu đất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước và bố trí, sắp xếp các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ vào Khu quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn giai đoạn II. Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề đá chẻ Hòa Sơn để bố trí tập trung các cơ sở làm nghề đá chẻ tại Hòa Vang nhằm quản lý tốt các vấn đề về ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ điều chỉnh đưa cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng ra khỏi quy hoạch các cụm công nghiệp của thành phố để bố trí quỹ đất cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật khác nhằm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, hiện nay trong 6 khu công nghiệp hiện hữu tại thành phố, đã có 4 khu công nghiệp lấp đầy, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn đạt trên 80%. Do đó, quỹ đất "sạch" hiện tại có thể bố trí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư không còn nhiều. Các khu công nghiệp mới phải vài năm nữa mới hoàn thiện để có đất bố trí. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút trực tiếp các dự án có quy mô sản xuất lớn, sử dụng nhiều đất.
Theo ông Sơn, hiện nay, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ và sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Điều đó khiến cho Việt Nam có cơ hội rất lớn. Do đó, để thu hút được các nhà sản xuất và các đơn vị phụ trợ cũng phải có quy mô KCN lớn, để họ có thể có đủ không gian chuyển đến.
"Với việc đầu tư nhiều khu công nghiệp trên địa bàn, tôi thừa nhận sẽ thừa ở quy mô hiện tại trong ngắn hạn, tuy nhiên sẽ thiếu trong tương lai nếu chúng ta thực sự có tiềm năng đón tiếp được các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Quan trọng là chúng ta liệu có đón bắt được nguồn đầu tư dịch chuyển hay không và đủ năng lực "đón tiếp" họ không?", ông Sơn nhận định.
Theo các chuyên gia, dù năm 2020, trong bức tranh toàn cảnh bất động sản bị bao phủ bởi một màu đen xám xịt do dịch COVID-19 thì riêng phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt. Dự báo, khi dịch bệnh được khống chế tốt, 2021 sẽ là năm bứt phá mạnh mẽ cả về nguồn cung và cầu của bất động sản công nghiệp, trong đó có Đà Nẵng.
Ông Matthew Powel, Giám đốc Savills Hanoi đánh giá, bất động sản công nghiệp ở Đà Nẵng có những diễn biến khá tích cực. Với vị trí thuận lợi cùng các ưu đãi khuyến khích đầu tư hợp lý là đòn bảy để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư công nghiệp tại thành phố này.
"Bất động sản công nghiệp tại Đà Nẵng được dự báo là sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới, nhờ lợi thế về chi phí cũng như các ưu đãi của chính phủ về phát triển công nghiệp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã và đang có những hoạt động đầu tư rất tích cực cho lĩnh vực này", ông Matthew Powel thông tin.