Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam – liên doanh giữa tập đoàn Pepsi của Mỹ và Suntory của Nhật Bản – khởi công xây dựng nhà máy thứ 6 ở Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vào ngày 8/4/2024.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 300 triệu USD, đây sẽ là nhà máy có quy mô lớn và hiện đại nhất của Pepsi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự án được cấp phép vào tháng 7/2023 với vốn đăng ký 185 triệu USD. Tuy nhiên, "đại gia" đồ uống và thức ăn nhẹ này nay công bố sẽ rót vào đây hơn 300 triệu USD.
Dự án có công suất lên tới 800 triệu lít/năm. Trên diện tích 20ha, nhà máy Long An sẽ được vận hành bằng năng lượng tái tạo như nhiên liệu sinh khối và năng lượng mặt trời. Nhà máy hiện đại này cũng sẽ cho ra đời các sản phẩm có bao bì được làm từ 100% nhựa tái sinh thân thiện với môi trường. Theo dự kiến của Pepsi, hoạt động sản xuất sẽ bắt đầu trong quý 1/2026.
Suntory PepsiCo Việt Nam đang vận hành 5 nhà máy tại Cần Thơ, Đồng Nai, TP.HCM, Quảng Nam và Bắc Ninh. Tại Long An, đối thủ lâu đời của Pepsi là Coca-Cola đang xây một nhà máy hiện đại với tổng vốn đầu tư 136 triệu USD và công suất hơn 1 tỷ lít nước giải khát/năm. Với diện tích 19ha (thua nhà máy của Pepsi đúng 1ha), nhà máy của Coca-Cola nằm trong KCN Phú An Thạnh ở huyện Bến Lức giáp TP.HCM.
Trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà TP.HCM là hạt nhân, Bình Dương đang tăng tốc xây dựng thêm KCN.
Trong Hội nghị tổng kết hoạt động các Khu công nghiệp năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngày 15/3 của Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN Bình Dương, cho biết để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp FDI đến và gắn bó với tỉnh, Bình Dương sẽ xây thêm 10 KCN mới trong giai đoạn 2023-2030.
Đến cuối 2025, tỉnh dự kiến thành lập 2 KCN mới với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000ha tại huyện Bắc Tân Uyên và thành phố Tân Uyên. Trong đó, KCN chuyên ngành cơ khí với diện tích khoảng 800ha với mục tiêu thu hút các ngành cơ khí theo hướng công nghệ cao, tự động hóa ít thâm dụng lao động, và KCN Tân Lập I với diện tích 200ha, chuyên ngành gỗ.
Đến cuối 2030, tỉnh dự kiến triển khai thêm 8 KCN trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo nhằm phát triển đồng bộ công nghiệp tại các vùng huyện của tỉnh với diện tích quy hoạch mới trên 6.000 ha dọc theo vành đai 4.
Tại Bình Dương, Becamex IDC ("ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và là phía Việt Nam trong liên doanh đình đám VSIP Group với tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore) báo cáo doanh thu cả năm 2023 đạt 8.204 tỉ đồng, tăng 25% so với năm trước còn lợi nhuận sau thuế đạt 2.314 tỉ đồng, tăng 34%.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (đang quản lý 3 khu công nghiệp tại Bình Dương với diện tích gần 970ha) cũng đạt được lợi nhuận cao nhất trong 5 năm gần nhất - gần 300 tỷ đồng vào năm ngoái.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đã được phê duyệt, huyện Châu Đức có khu vực được quy hoạch phát triển KCN với diện tích 4.200ha, là diện tích lớn nhất tỉnh dành cho các KCN. Vì vậy, WHA – tập đoàn lớn nhất Thái Lan về phát triển dịch vụ logistics và hạ tầng khu công nghiệp – đã chọn Châu Đức để nghiên cứu xây dựng 1 KCN với quy mô 1.200ha.
Bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của WHA, đã đến Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tháng 3 vừa qua để gặp lãnh đạo tỉnh trong các bước chuẩn bị ban đầu cho dự án lớn này của WHA.
Đến nay, WHA đã đầu tư 200 triệu USD tại Việt Nam. Trong kế hoạch cho 5 năm nữa, tập đoàn đã lên ngân sách 1 tỷ USD cho mở rộng đầu tư.
Cũng trong tháng 3 vừa qua, tập đoàn CS Wind của Hàn Quốc, một trong những nhà sản xuất tháp điện gió hàng đầu thế giới, đã khai trương nhà máy thứ 2 ở BR-VT, đặt bên cạnh nhà máy đầu tiên của CS Wind tại KCN Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ.
Khách hàng của CS Wind gồm Siemens Gamesa, nhà sản xuất tua-bin gió ngoài khơi số 1 thế giới, và các tên tuổi hàng đầu khác như Vestas, GE và Goldwind.
Theo hợp đồng cung cấp tháp gió ngoài khơi trị giá gần 3,4 tỷ USD ký với Siemens Gamesa cuối năm 2022, CS Wind sẽ cung cấp tháp gió cho Siemens Gamesa từ tháng 5/2024 đến tháng 12/2030 để thực hiện nhiều dự án điện gió ngoài khơi ở nhiều nước châu Âu, Mỹ và châu Á. Theo hợp đồng, nguồn cung của CS Wind đến từ các nhà máy của CS Wind tại Việt Nam và Bồ Đào Nha.
Cũng tại thị xã Phú Mỹ, Tập đoàn BOE Bắc Kinh chuẩn bị xây dựng nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Với tổng đầu tư 277,5 triệu USD, BOE sẽ lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính, tivi, bảng giá điện tử, bọ mạch… Dự kiến khi hoạt động năm 2026, BOE sẽ tuyển dụng hàng ngàn lao động.
BOE nhận giấy phép đầu tư này vào ngày 30/3/2014. Đây là dự án đầu tư thứ 2 tại Việt Nam của BOE sau dự án sản xuất tương tự tại tỉnh Đồng Nai được đưa vào khai thác năm 2019.
Cũng tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, Tosoh Corporation – tập đoàn chuyên về hóa chất và các sản phẩm, vật liệu đặc biệt tại Nhật Bản – đang bỏ ra 176 triệu USD cho dự án nhà máy hóa chất và vật liệu đầu tiên của Tosoh trong khu vực Đông Nam Á.
Nhà máy hiện đại của Tosoh sẽ được xây trên diện tích 120.000 m2. Tosoh xác định Việt Nam là bàn đạp để tập đoàn mở rộng kinh doanh trong Đông Nam Á.
Một trong những lợi thế của KCN Phú Mỹ 3 là gần cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, một trong những trung tâm thông thương hàng hải lớn nhất Việt Nam. Hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải đã có tên trên bản đồ hải hành của các hãng sở hữu siêu tàu container.
Cùng ngày 30/3, "đại gia" công nghiệp đa ngành Hyosung của Hàn Quốc nhận giấy phép để tăng vốn 49 triệu USD vào dự án nhà máy sản xuất nhựa Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) ở thị xã Phú Mỹ. Như vậy, tổng mức đầu tư của Hyosung cho dự án này đã lên đến 1,6 tỷ USD.
Cũng ngày đó, Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (công ty con của nhà sản xuất đồ điện tử, thiết bị máy móc, thiết bị y tế Tripod từ Đài Loan - Trung Quốc) nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án "Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam" tại KCN Châu Đức, huyện Châu Đức, tỉnh BR-VT với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD.
Trước sự kiện ngày 30/3, Hyosung đã nhận chứng nhận đầu tư cho dự án gần 730 triệu USD để sản xuất sợi sinh học tại KCN Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất sợi sinh học (nguyên liệu làm sợi vải spandex) từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại.
Phó Chủ tịch Lee Sang Woon của Hyosung cho biết tập đoàn ông đến nay đã đầu tư vào Việt Nam hơn 4 tỷ USD và đang đổ thêm vốn vào thị trường này; trong đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa bàn sản xuất chiến lược. Hyosung hiện nay đang triển khai kế hoạch đầu tư tổng cộng hơn 1 tỷ USD vào dự án sản xuất sợi carbon tại tỉnh qua một số giai đoạn.
Bất động sản công nghiệp phía Bắc tiếp tục tăng tốc
Bất động sản công nghiệp tại khu vực phía Bắc cũng phát triển rất sôi động. Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nan, cho biết phân khúc này tại Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc sẵn sàng tăng tốc đón dòng vốn đầu tư trong giai đoạn sắp tới.
Bà chia sẻ: "Trong nghiên cứu ra tháng 4 này của Cushman & Wakefield, thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc đã trở nên vô cùng hấp dẫn và sẵn sàng tăng tốc đón dòng vốn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo của chu kỳ phát triển. Tăng tốc ở miền Bắc là do khả năng tiếp cận tuyệt vời thông qua mạng lưới hạ tầng của 7 tuyến đường cao tốc, và tiếp tục triển khai hệ thống gồm 7 tuyến đường vành đai; vị trí địa lý của khu vực thuận lợi để đón nhận làn sóng mở rộng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn, là một phần trong chiến lược Trung Quốc + 1 của họ".
Năm 2023 chứng kiến nhiều dự án công nghiệp đầu tư lớn ở khu vực phía Bắc. Tiêu biểu là dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình có vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Thái Bình; dự án sản xuất tấm pin mặt trời 1,5 tỷ USD của tập đoàn Jinko Solar Trung Quốc (mã trên sàn chứng khoán New York: JSK) tại Quảng Ninh; dự án của LG Innotek Việt Nam của tập đoàn LG Hàn Quốc tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD tại Hải Phòng; nhà máy chip bán dẫn 600 triệu USD của Micron Hana Hàn Quốc tại Bắc Giang; nhà máy chip bán dẫn của Amkor Technology (Mỹ) với tổng số vốn cam kết lên đến 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh.
Việt Nam tiếp tục hút vốn FDI
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trong xu hướng tăng dần qua từng tháng. Theo số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong quý 1/2024 có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số này, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bổ sung đạt 934,6 triệu USD, giảm 22,6%; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 466 triệu USD, giảm 61,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần giảm, thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ và tăng khá cao. Tương tự, vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Đến cuối năm 2023, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 416 khu công nghiệp đã thành lập. Tổng diện tích đất công nghiệp khoảng 89.200 ha, tăng gần 2% so với cùng kì. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động đạt hơn 72%.