Đà Nẵng từng được ví như điểm nóng của thị trường địa ốc. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, thị trường địa ốc Đà Nẵng từng lao dốc về giá. Tại toạ đàm hội thảo trực tuyến mới đây, các chuyên gia đều đồng thuận cho rằng, thị trường địa ốc Đà Nẵng đang có nhiều cơ hội mới.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) ban đầu đặt ra câu hỏi: "Chúng ta sẽ bàn về cơ sở nào để xác định sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng-Quảng Nam. Liệu có trỗi dậy được không, ở góc độ nào? Góc độ về chủ trương chính sách của Nhà nước, hay góc độ nhìn nhận của nhà đầu tư?".
Theo ông Khởi, ở góc độ quản lý nhà nước, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều quyết định của nhà nước liên quan tới thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, Đà Nẵng có một nghị quyết riêng (Nghị quyết 43) của Bộ Chính trị về phát triển TP. Đà Nẵng năm 2019. Nghị quyết này đặt ra một số yêu cầu cho Đà Nẵng trong lĩnh vực bất động sản như: Phát triển thành 3 trụ cột – du lịch, chế xuất và logistic, kinh tế tri thức. Theo đó, Đà Nẵng cần xây dựng để trở thành một thành phố thông minh, sáng tạo, và năng động.
(Ảnh minh hoạ)
Theo thống kê, TP. Đà Nẵng hiện đang có 11 khu du lịch nghỉ dưỡng đang đầu tư xây dựng, với khoảng 18.000 căn hộ condotel. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển thêm 21 triệu m2 nhà ở. Trong đó tập trung phân khúc nhà ở thu nhập trung bình. Ông đánh giá điều này Đà Nẵng đang thiếu, và cần thúc đẩy sớm.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho biết, Chính phủ đang có kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới. Đặc biệt, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương trình thí điểm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Ông Thanh cũng đánh giá Đà Nẵng là một trong thị trường được ưu thích nhờ có các khu du lịch hướng biển, có khí hậu nắng ấm quanh năm, nhiều di sản văn hóa và có cảnh quan đẹp, cũng như có hệ thống hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thuận lợi.
"Trong trạng thái bình thường mới, khi du lịch phục hồi, các địa phương nói trên sẽ có cơ hội đón khách truyền thống quay trở lại sớm hơn và chắc chắn khách du lịch sẽ trở lại các điểm du lịch đã có thương hiệu uy tín trước đây. Bên cạnh đó, việc kinh doanh, kinh tế du lịch nói chung, các doanh nghiệp cơ sở kinh doanh du lịch nói riêng sẽ phục hồi trở lại và là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, đồng thời, thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sôi động trở lại", ông Thanh nói.
Trên cơ sở đó, ông Thanh nhận định: "Thị trường du lịch có trỗi dậy hay không?, theo tôi du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi và"sôi sục" lại cùng với sự phục hồi của ngành du lịch. Còn về phía ngành du lịch, tôi tin tưởng vào sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam trong thời gian tới và bắt đầu từ việc phục hồi từ những tháng cuối năm 2021".
Trên cương vị là Phó Giám đốc sở Du lịch TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng, việc Chính phủ vừa có chủ trương cho phép Đà Nẵng cùng với Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Nam, Khánh Hoà được đón khách du lịch quốc tế minh chứng rằng việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong nước đang được tiến hành rất tốt.
"Chúng ta đang cùng với khu vực, thế giới bước vào giai đoạn bình thường mới. Trong lĩnh vực du lịch, chúng ta đồng hành cùng với các nước khác chuẩn bị chào đón khách du lịch quốc tế", ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho rằng, Đà Nẵng có 2 tiêu chí để cho sự phát triển bất động sản du lịch mạnh mẽ hơn trong thời gian gồm: Nghị quyết 43 của Trung ương cho Đà Nẵng, trong đó định hướng phát triển du lịch chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng, trong đó quỹ đất dành cho phát triển du lịch cũng như bất động sản du lịch là hơn 1.000 ha.