Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong khi các phân khúc bất động sản khác đều có dấu hiệu phục hồi thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ảm đạm.
Cụ thể, quý I/2024, thị trường bất động sản Việt Nam đón nhận 9.970 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mở bán, trong đó hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án mở bán trước đó. Cả thị trường chỉ có 5 dự án mở bán mới, cung cấp 326 sản phẩm, giảm 64% so với quý trước và giảm 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Về giao dịch toàn thị trường ghi nhận khoảng 160 giao dịch, tương đương với tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung sơ cấp chỉ đạt 2%. Các dự án mới mở bán có tỷ lệ hấp thụ đạt 26%, tương đương với 87 giao dịch, chủ yếu đến từ phân khúc condotel, chiếm 40%. Do đó, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn cần thêm thời gian để có thể tái nhập cuộc.
Theo VARS, các sản phẩm được quan tâm là những dự án biệt thự nghỉ dưỡng có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ thi công đảm bảo và các căn hộ du lịch có giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn. Tín hiệu mới được kỳ vọng là sản phẩm biệt thự/shophouse nghỉ dưỡng, nhà ven biển ghi nhận lượng quan tâm nhiều hơn từ nhóm có nhu cầu sở hữu second-home (loại hình bất động sản kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng và đầu tư sinh lời) và nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu của tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3/2024 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024 của năm 2024, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19).
Trong đó, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế quan trọng của các quốc gia Đông Nam Á khi khu vực này đón tiếp khoảng 32 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm 2019. Hiện nay, mặc dù lượt khách Trung Quốc chưa quay về mức trước dịch nhưng thị trường đang ghi nhận nhiều tín hiệu cải thiện tích cực từ nguồn khách này.
Còn theo báo cáo của DKRA, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm, mặc dù du lịch đã sôi động hơn so với trước đây. Sức cầu chung thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua.
DKRA cho rằng, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi “vùng tối”, dù ngành du lịch đã có nhiều khởi sắc. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động và tiếp tục xu hướng đi ngang. Thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thanh khoản lẫn khả năng tăng giá khi niềm tin của nhà đầu tư, cũng như động thái phục hồi của phân khúc này vẫn còn rất thấp.
Nhận định về những khó khăn đối với phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels cho rằng, mặc dù một số nút thắt pháp lý đã được hướng dẫn tháo gỡ, nhưng các vấn đề liên quan đều chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt về việc cấp giấy Chứng nhận quyền sở hữu cho các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng thường có quy mô lớn và phải được phê duyệt bởi nhiều cơ quan chức năng trước khi được triển khai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác triển khai, mở bán nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bị chậm so với kế hoạch công bố. Điều này cũng tác động đến tâm lý của nhà đầu tư khi lựa chọn tham gia vào thị trường này.
"Khả năng tiếp cận nguồn vốn cho phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ, bảo đảm cam kết với các nhà đầu tư. Theo tôi, rất khó để xác định thời điểm cụ thể mà thị trường này khôi phục trở lại. Khi nào các nút thắt về pháp lý, tín dụng… được tháo gỡ, chúng ta sẽ thấy được các dấu hiệu khôi phục rõ nét hơn và tâm lý nhà đầu tư tích cực trở lại. Dẫu vậy, đây là những điều chỉnh cần thiết để đem đến các tác động tích cực và bền vững hơn cho ngành bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng về dài hạn", ông Mauro Gasparotti nhận định.
Ông Mauro Gasparotti cũng cho rằng các chính sách kiểm soát và chi phí lãi vay sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động phát triển, đầu tư bất động sản nói chung và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nói riêng. Điều này cũng tác động đến khả năng tài chính của nhà đầu tư khi sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, đặc biệt khi chủ đầu tư kéo dài thời gian bàn giao hoặc thậm chí không thể hoàn thành tiến độ như cam kết.
Còn theo bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS nhận định, chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng cùng với chính sách giảm thuế 2% với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, “bơm” nguồn cung vào thị trường. Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện với khoảng 20% so với năm 2023.
"Loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của phân khúc do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Đặc biệt, liên quan đất đai Nghị định số 10 về tháo gỡ cho việc cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng… thời gian tới sẽ có độ ngấm nhất định, tạo hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư. Hỗ trợ sự bứt phá trở lại của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng", bà Miền chia sẻ.