Theo báo cáo thị trường bất động sản Lâm Đồng công bố mới đây của VARs, bà Lê Thắm, Phòng Nghiên cứu thị trường bất động sản VARS khu vực Tây Nguyên nhận định, thị trường bất động sản Lâm Đồng trong quý IV/2021 suy giảm lượng giao dịch.
Theo bà Thắm, ở thời điểm đợt dịch bệnh đợt 4 bùng phát, nền kinh tế gặp khó khăn nên thu nhập của người dân cũng giảm. Trong khi đó, nguyên vật liệu như thép, xi măng tăng giá nên hoạt động xây dựng phải giảm khối lượng thi công, giảm tiến độ đầu tư xây dựng theo kế hoạch.
Mặt khác, nguồn vốn đầu tư vào bất động sản cũng giảm sút so với các năm trước. Thị trường tại Lâm Đồng ghi nhận lượng giao dịch bất động sản diễn ra nhưng sụt giảm so với các năm trước.
Bà Thắm cũng cho hay, các nhà đầu tư cuối năm muốn thu hồi vốn về nên giá cũng giảm nhẹ. Các văn phòng công chứng vẫn luôn hoạt động kể từ khi có chính sách mở cửa của tỉnh.
Về phân khúc nhà ở, theo bà Thắm, sức mua cũng như sự quan tâm của khách hàng ngày càng tăng ở cuối năm do cơ chế mở cửa cho khách ngoài tỉnh đến. Giao dịch ở phân khúc từ 4-20 tỷ rất sôi động, các khách sạn, villa, biệt thự giá trị cao được giao dịch nhiều trong quý IV.
Về bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung nằm nhiều ở các dự án nhưng đang còn trong quá trình xây dựng. Sức mua ở phân khúc này có nhưng chưa quá mạnh. Vì các dự án nghỉ dưỡng chưa hoàn thiện, nhiều dự án còn vướng rắc rối về pháp lý nên khách hàng còn đang dè chừng và thận trọng.
Về bất động sản cho thuê, bà Thắm nhận định, tình hình dịch bệnh khiến nguồn cung phân khúc này khá nhiều, gồm có căn hộ cho thuê, khách sạn và homestay cho thuê, nhà mặt tiền cho thuê làm văn phòng hoặc kinh doanh buôn bán. Và để thu hút khách thuê thời điểm này thì giá thuê giảm từ 20% đến 30%.
Về giá đất nền, đất thổ cư, báo cáo VARs ghi nhận, các thị trường đất nền tại một số huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, nơi có thông tin quy hoạch sáp nhập vào TP Đà Lạt mở rộng, đang thật sự thu hút các nhà đầu tư. Giá đất tại các khu vực vùng ven thành phố Đà Lạt động từ 300.000– 6 triệu đồng/m2 dành cho đất không thổ cư, có sổ hồng, đường bê tông, xe hơi đi vào. Còn đất thổ cư có giá dao động từ 5 – 15 triệu/m2 là cơ hội cho khách hàng đầu tư với số vốn ít chỉ tầm khoảng 400 triệu đến dưới 2 tỷ đồng/lô/100m2.
Tại xã Đạ Ròn gần khu vực có thông tin của dự án Tập đoàn Novaland, giá khu vực đã tăng lên rõ rệt do có rất nhiều nhà đầu tư từ tỉnh khác đổ về. Giá trung bình cho một mét ngang của lô đất có chiều dài từ 30-100m dao động từ 200-450 triệu/mét ngang tùy vào chiều dài và vị trí của khu đất.
Tại thành phố Đà Lạt, các nhà đất các trục đường quanh trung tâm có xu hướng giảm nhẹ về giá. Cụ thể, giá tại thời điểm này được rao bán từ 90-280 triệu/m2 như tại đường Trần Phú, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng.
Một số sản phẩm đẹp, vị trí đắc địa ngay khu trung tâm thành phố Đà Lạt có giá từ 300-450 triệu/m2 như trên đường Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bùi Thị Xuân….
Đối với các tuyến đường trong vòng bán kính 5km thì giá dao động từ 50-150 triệu/m2. Đối với bán kính từ 5-10 km thì giá dao động từ 30-100 triệu/m2. Vị trí hẻm ô tô giá sẽ có mức giá bằng 50%-60% giá mặt tiền đường. Đối với đất nông nghiệp vùng ven, không chuyển đổi xây dựng được, bán kính cách thành phố từ 10-20km giá giao động từ 300.000 đồng /m2 đến 5 triệu/m2 tùy vị trí, diện tích, view và pháp lý.
Theo bà Thắm, đại dịch covid-19 đã ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến thị trường bất động sản tại Lâm Đồng. Đại dịch đã làm thay đổi khẩu vị của người mua nhà, khiến hành vi của con người có nhiều thay đổi để thích nghi, từ thói quen di chuyển đến cách đi du lịch.
Bà Thắm nhấn mạnh, Lâm Đồng là tỉnh đi đầu cho loại hình xu hướng bỏ phố về vườn. Nhiều ông lớn bất động sản đã đổ về Lâm Đồng để đón đầu xu hướng phát triển bất động sản sinh thái như Novaland, Hưng Thịnh, T&T Group, Him Lam, Ecopark, Văn Phú – Invest, Happy House Việt Nhật… Kéo theo đó là vô số nhà đầu tư vừa và nhỏ khác, kích cầu cho một thị trường, hứa hẹn sẽ phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên cũng theo bà Thắm, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường đã khiến cho rất nhiều "dự án ma" mọc lên, các chủ đầu tư đua nhau phá rừng phá rẫy, san lấp đồi chè phân lô tách thửa. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
"Bên cạnh đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý đất đai, hàng loạt cán bộ bị kiểm điểm và đình chỉ công tác, hàng loạt công ty bị điều tra. Và sự bùng nổ thị trường đã khiến tâm lý người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, việc mua bán diễn ra ào ạt mà các rủi ro bị phớt lờ", bà Thắm nhấn mạnh.