Tại Diễn đàn Toàn cảnh thị trường Bất động sản 2019 sáng 4/5, các chuyên gia BĐS cho rằng, một loạt thay đổi về giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và điện sẽ tác động đến giá đầu vào của bất động sản, vật liệu xây dựng, nhân công lao động sẽ tăng theo. Điều này chắc chắn tác động tới giá bất động sản.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: "Có ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản năm 2018 và 2019 sẽ đi xuống theo chu kỳ 10 năm. Tuy nhiên, thị trường bất động sản năm 2018 vẫn cho thấy sự phát triển ổn định".
Theo ông Hà, thị trường bất động sản quý I/2019 có chiều hướng chững lại, nhất là nguồn cung của thị trường bất động sản nhà ở tại 2 thị trường lớn là TP Hà Nội và TPHCM. Tổng nguồn cung nhà ở Quý I/2019 tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018, lượng giao dịch giảm 28% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn cung nhà ở quý I/2019 tại thị trường bất động sản TPHCM còn giảm mạnh hơn, chỉ có hơn 3000 sản phẩm, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018.
Lý giải về nguyên nhân nguồn cung bất động sản tại 2 thị trường này giảm, ông Hà cho biết, một số dự án lớn trên địa bàn 2 thành phố này đã ra khối lượng hàng lớn tại thời điểm quý IV/2018 cũng như giảm tín dụng bất động sản dẫn đến giảm nguồn cung bất động sản.
"Tuy vậy, thị trường bất động sản cả nước vẫn cho thấy một số dấu hiệu tích cực: tỷ lệ hấp thụ vẫn cao, chứng tỏ nhu cầu bất động sản nhà ở vẫn còn lớn, đặc biệt là tại thị trường TPHCM; thị trường bất động sản các địa phương khác có sự phát triển tốt, thậm chí nhiều địa phương có dấu hiệu sốt nóng ở một số thời điểm, bất động sản nghỉ dưỡng phát triển trên diện rộng và có tỷ lệ hấp thụ đáng khích lệ", ông Hà nói.
Dự báo tình hình thị trường bất động sản 8 tháng cuối năm 2019, ông Hà cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố: sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước và tăng trưởng của kinh tế thế giới, đặc biệt là các thay đổi của chính sách tín dụng cho bất động sản.
"Quý I vừa qua đã chứng kiến một loạt thay đổi về giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và điện sẽ tác động đến giá đầu vào của bất động sản, vật liệu xây dựng, nhân công lao động sẽ tăng theo. Điều này chắc chắn tác động tới giá bất động sản", ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Hà cho biết, tín dụng cho bất động sản đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, quy mô tín dụng bất động sản đã giảm dần từ năm 2016 đến nay. Những thay đổi này sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản.
Tuy vậy vẫn còn nhiều yếu tố tích cực giúp cho thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định. Theo đó, nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở vẫn còn cao, đặc biệt là tại các đô thị lớn và các khu hành chính - kinh tế mới.
"Thị trường bất động sản năm 2019 có những khó khăn, thuận lợi đan xen, đây cũng là chu kỳ 10 năm kể từ khi thị trường bất động sản trầm lắng năm 2009. Tuy nhiên với những kinh nghiệm từ nỗ lực vượt khó trong giai đoạn 2008 - 2013 cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và từ phía doanh nghiệp, chắc chắn thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ổn định", ông Hà nói.