Điểm sáng cho năm 2021
Năm 2020 được đánh giá là một năm đầy khó khăn thách thức cho tất cả các lĩnh vực kinh tế và thị trường bất động sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, trong đó, bị tác động nặng nề nhất chính là phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, khi các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển được áp dụng để đối phó với sự phát sinh của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nhờ việc kiểm soát tốt các đợt dịch bệnh, nhiều điểm đến ở phía Nam, đặc biệt là khu vực ven biển thời gian gần đây đã ghi nhận dấu hiệu phục hồi với lượng khách nội địa tăng dần, thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ấm lên trong thời gian tới.
Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng TP.HCM và vùng phụ cận trong quý I/2021, ghi nhận nguồn cung tăng mạnh so với quý 4/2020. Cụ thể, ở phân khúc biệt thực biển, trong quý I/2021, toàn thị trường đón nhận 778 căn biệt thự biển mở bán đến từ 6 dự án (bao gồm 4 dự án mới và 2 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), gấp 3,2 lần so với quý trước và gấp 26 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 25% (tương đương 196 căn), gấp 1,9 lần so với quý IV/2020.
Theo DKRA, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới tăng so với quý trước, tuy nhiên sức cầu chung toàn thị trường vẫn ở mức khá thấp, chủ yếu tập trung ở 1 - 2 dự án lớn tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Giao dịch trong quý chủ yếu tập trung ở những dự án mới, được phát triển bởi những CĐT uy tín, đã xây dựng đầy đủ hệ sinh thái và những dự án được vận hành bởi những thương hiệu quốc tế lớn.
Trong khi đó, ở phân khúc nhà phố/Shophouse biển trong khu phức hợp ghi nhận 3 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 222 căn, bằng 40% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 74% (khoảng 164 căn), bằng 66% so với quý VI/2020. Tuy nhiên, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới của phân khúc này giảm so với quý trước. Các dự án tập trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc và Bình Thuận (1 - 2 dự án lớn).
Đối với condotel, theo thống kê của DKRA, trong quý I/2021 thị trường đón nhận 752 căn condotel mở bán đến từ 3 dự án, tăng 7.4 lần so với quý trước và tăng 8.6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 32% (khoảng 244 căn), tăng 16.3 lần so với quý VI/2020 và tăng 9.7 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn cung và sức tiêu thụ thị trường tăng so với quý trước, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp so với giai đoạn trước năm 2019. Nguồn cung mới trong tháng tập trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Những địa phương thường xuyên dẫn đầu và phát triển mạnh về nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Khánh Hòa, Bình Thuận,... từ năm 2020 đến nay không ghi nhận nguồn cung mới, lượng tiêu thụ khá thấp.
Bên cạnh đó, DKRA cũng dự án báo, trong quý II/2021, nguồn cung phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu tăng, các dự án tập trung ở thị trường quen thuộc như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Phú Quốc,… Trong đó, nguồn cung mới Condotel có thể sẽ tăng so với quý I/2021, dao động khoảng 800 – 1,000 căn, biệt thự biển cũng dao động ở mức 1,000 – 1,200 căn.
"Ngoài ra, mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort) tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Loại hình Nhà phố/Shophouse trong những khu nghỉ dưỡng tích hợp được thị trường đón nhận khá tốt và sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường ở phân khúc này trong năm 2021", DKRA dự báo.
Cần lực đẩy để phục hồi
Theo đánh giá từ các chuyên gia, mặc dù, ngành du lịch Việt Nam có sự phục hồi nhanh hơn so với các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng như khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.
Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát, thị trường du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới vẫn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lượng khách nội địa. Mặt khác để thị trường này có thể vực dậy hoàn toàn cần có thời gian và lực đẩy.
Theo đó, để phục hồi phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2021, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, có 3 lực đẩy chính, một là, các bộ ngành và chính quyền địa phương đang thay đổi, điều tiết để cung cầu hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn, hạ tầng tiếp tục được chú trọng phát triển thông qua hoạt động đầu tư công, đây là một trong những động lực chính nhằm phục hồi nền kinh tế.
Hai là, ngành du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đóng góp khoảng 9,2% GDP và có thể lên đến 12 - 14% GDP vào 2025 như chiến lược phát triển du lịch mà Thủ tướng đã ban hành hồi đầu năm 2020. Những khó khăn trong năm 2020 chỉ mang tính tạm thời.
Ba là, trong và sau dịch bệnh, hoạt động du lịch sẽ phục hồi đặc biệt mạnh mẽ theo hình chữ V, trong khi xu hướng sở hữu ngôi nhà thứ 2 second-home ngày càng trở nên phổ biến.
Trong khi đó, theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, rào cản lớn của phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng hiện nay chính là tình hình dịch bệnh tại một số nước trên thế giới còn diễn biến phức tạp khiến lượng khách du lịch nước ngoài giảm sút, do đó, cần tập trung vào dòng khách nội địa.
"Ngoài việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, chi phí du lịch phù hợp, cùng vẻ đẹp thiên nhiên phong phú…, Việt Nam tiếp tục được ghi nhận là điểm đến an toàn. Tuy nhiên, để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa, tạo nền tảng để vực dậy ngành du lịch và bất động sản du lịch sau đại dịch thì ngoài chất lượng phục vụ, thì các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng nên cân nhắc việc điều chỉnh lại chính sách giá cũng như các ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này", ông Mauro Gasparotti nhận định.