Theo đánh giá của giới chuyên gia, sự chuyển hướng của thị trường sang khu vực phía Tây được hậu thuẫn mạnh mẽ từ sự đột phá về phát triển hạ tầng trong vòng 2 năm trở lại đây với hàng loạt tuyến giao thông quan trọng được xây dựng, cùng với đó là hai huyện Hoài Đức, Đan Phượng chuẩn bị lên quận 2020-2025.
Nếu xét về tốc độ phát triển hạ tầng, khu vực phía Tây hiện đang đứng bậc nhất Hà Nội. Các dự án hạ tầng giao thông lớn đã hình thành, góp phần nâng tầm và kết nối khu vực Tây Hà Nội với trung tâm Thành phố có thể kể đến như: Đại Lộ Thăng Long, đường 32, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu – Lê Văn Lương cùng xe bus nhanh BRT...
Mới đây nhất, một trong những thông tin hạ tầng quan trọng khiến thị trường BĐS phía Tây thời gian gần đây tiếp tục sôi động là việc Hà Nội đã thông qua chủ trương triển khai tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc). Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến là 38,43km, hoàn thành vào năm 2025.
Cùng với đó, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh tiến độ hàng loạt trục giao thông quan trọng huyết mạch kết nối toàn bộ khu vực phía Tây với trung tâm thành phố và các tỉnh thành xung quanh như đường tuyến vành đai 2,5 và 3,5 đang được thúc đẩy xây dựng. Đặc biệt, trục Hồ Tây - Ba Vì có chiều dài khoảng 25km có điểm đầu từ ngã ba đường Hoàng Quốc Việt với đường Phạm Văn Đồng, điểm cuối là ngã ba Quốc lộ 32 với đường Văn Tiến Dũng đang được đẩy nhanh xây dựng.
Sự bứt phá về hạ tầng cùng với quỹ đất dồi dào khu vực phía Tây đã khiến khu vực này đang trở thành cực tăng trưởng của thị trường bất động sản ngay trong dịch bệnh. Phân khúc nhà liền đất được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm bởi quỹ đất khu vực phía Tây còn nhiều, giá cả phải chăng và đặc biệt giao thông thuận lợi đến trung tâm hành chính mới Mỹ Đình. Nắm bắt nhu cầu thị trường hiện nay, một số doanh nghiệp BĐS lên kế hoạch bung hàng, khởi động dự án để đón dòng tiền của giới đầu tư.
Hạ tầng khu Tây liên tục bứt phá.
Đầu quý 4, tại Hà Đông có duy nhất Him Lam Land sẽ tung ra thị trường dự án Him Lam Vạn Phúc với quy mô 222 căn shophouse nằm trên mặt phố Tố Hữu, Vạn Phúc, Hà Đông. Được biết, các căn shophouse tại đây có diện tích đất từ 84,45 – 126,68 m2 xây dựng 6 tầng, 2 mặt tiền vừa thuận tiện kinh doanh vừa để an cư được xây dựng gần như hoàn thiện mới mở bán, pháp lý hoàn chỉnh, sổ đỏ lâu dài.
Xa hơn về phía Tây, một số dự án tại Nam An Khánh, Bắc An Khánh cũng đang rậm rịch ra hàng giai đoạn 2 sau nhiều năm "nằm im bất động". Có thể kể đến như khu biệt thự Nam An Khánh của Sudico chuẩn bị ra mắt giai đoạn 2, khu Bắc An Khánh sau khi về tay Phú Long cũng đang lên kế hoạch bung hàng. Tập đoàn Hà Đô cũng ra mắt giai đoạn 2 dự án Hà Đô Charm Villa, Khu đô thị vườn Cam của Vinapol cũng chuẩn bị bung hàng.
Ở phân khúc chung cư, giai đoạn 1 khu đô thị Vinhomes Smart City chuẩn bị bàn giao cũng tạo lực đẩy cho toàn bộ khu vực Tây Mỗ, Đại Mỗ trở nên sôi động hơn. Cũng nằm trong khu đô thị Vinhomes Smart City, MIK cũng đang ra mắt dự án Imperia Smart City Đại Mỗ...
Đánh giá về thị trường phía Tây Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills cho biết, so với các khu vực BĐS khu vực phía Tây vẫn luôn có sức hút đặc biệt. Trong bối cảnh quỹ đất nội thành ngày càng hạn hẹp xu hướng dịch chuyển thị trường về phía Tây là điều dễ hiểu.
"Đặc biệt, quỹ đất ở phía Tây còn dồi dào, giá cả phải chăng đã tạo nên những quần thể đô thị lớn với mặt bằng giá nhà thấp tầng còn thấp cũng là lý do khiến phân khúc nhà liền kề, biệt thự, shophouse tại khu vực này được quan tâm mạnh mẽ, trong bối cảnh giá chung cư ngày càng cao, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, xu hướng chuyển ra khu vực nhà thấp tầng phía Tây ở của người Hà Nội đang tăng cao", bà Hằng cho biết thêm.