Trong mấy năm qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá đất nền, nhà ở tại nhiều địa phương đều trở nên sốt nóng. Có thể thấy, thời gian qua dòng tiền chảy vào địa ốc ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu là đầu tư và đầu cơ còn người mua ở thực không có quá nhiều.
Theo công bố của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2022, nhiều địa phương đã có giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh trong quý vừa qua.
Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở, đã có 9 dự án được hoàn thành trong quý, với 1.850 ô đất nền. Số lượng dự án bằng khoảng 64% so với quý IV/2021.
181 dự án đang triển khai xây dựng với 47.723 ô đất nền. Số lượng dự án bằng khoảng 103% so với quý trước. Ngoài ra, có 13 dự án với 4.854 ô đất nền đang được cấp phép mới. Số lượng dự án bằng khoảng 45% quý trước.
Đáng chú ý, trong quý có 153.537 giao dịch đất nền thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 242% so với quý IV/2021. Cụ thể, miền Bắc có 20.726 giao dịch, miền Trung có 42.722 giao dịch và miền Nam có 90.089 giao dịch.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nhìn chung, trong quý I, giá đất nền và nhà ở riêng lẻ có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư, bình quân tăng khoảng 5 - 10% so với quý trước. Đặc biệt, thời điểm cuối tháng 3/2022, tại một số địa phương như vùng ven Hà Nội và TP HCM, các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh. Một số nơi mức giá tăng 15 – 20% so với cuối năm 2021, tương tự thời điểm cuối quý I đầu quý II năm 2021, tuy nhiên mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn.
Thực tế, một số nhà đầu cơ còn sử dụng đòn bẩy tài chính để “lướt sóng” kiếm lợi nhuận, không tạo ra giá trị cho xã hội. Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động. Đặc biệt yêu cầu thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
Ngay sau đó, lần lượt một số ngân hàng cùng thông báo dừng cho vay bất động sản. Gần nhất, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM đã có văn bản yêu cầu hạn chế tín dụng cho đầu cơ bất động sản, bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng... trên địa bàn thành phố.
Thực tế, không phải hiện nay mà dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản đã đã bị kiểm soát chặt trong nhiều năm qua. Từ tháng 5/2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các nhà băng thận trọng cấp tín dụng tại các địa bàn đang có sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.
Trước đó vào tháng 4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ.
Tại một talkshow được tổ chức vừa qua, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh TP. HCM, Batdongsan.com.vn chia sẻ việc siết tín dụng vào bất động sản tác động mạnh đến thị trường. Đây là chính sách kịp thời để hạ nhiệt nhanh cả nguồn cung và cầu, giúp thị trường cân bằng hơn.
Ông Đinh Minh Tuấn phân tích, thị trường bất động sản hiện nay đang có tình trạng lệch pha cung cầu. Trong khi nhiều người có nhu cầu thực sự nhưng không tìm được bất động sản phù hợp, thì các nhóm đầu cơ lại đang sử dụng các đòn bẩy tài chính và những nguồn vốn vay khác để mua bất động sản cho mục đích đầu tư. Lúc này, việc siết chặt nguồn vốn đầu vào sẽ có tác động ngay lập tức đối với thị trường, làm nhu cầu mua giảm xuống, đặc biệt là nhóm đầu cơ.
Chính sách này cũng ảnh hưởng đến các chủ đầu tư, khiến việc triển khai các dự án khó khăn hơn do tốc độ giải ngân chậm lại.
“Tôi cho rằng thị trường bất động sản sẽ hạ nhiệt nhanh chóng trong thời gian tới, trước mắt là đối với những sản phẩm có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao như phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng và phân khúc dành cho nhóm đầu cơ là đất nền. Ngược lại, những người có nhu cầu mua nhà ở thực sẽ ít bị ảnh hưởng”, ông Tuấn nhận định.
Ngoài việc bị thắt chặt nguồn vốn, thị trường bất động sản đang đối mặt với một số thách thức khác như lạm phát tăng, giá nguyên vật liệu tăng, khủng hoảng nguồn cung… Tình trạng này khiến cho nhiều sản phẩm được “găm” trên thị trường với giá cao nhưng thanh khoản thấp.
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, từ nay đến cuối năm 2022, dòng tiền vào bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó.
“Thị trường bất động sản đang khá khắc nghiệt. Các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư thứ cấp - những người có ảnh hưởng rất lớn đến thanh khoản thị trường đang phải chịu áp lực về tín dụng. Một số doanh nghiệp thì đang bị kiểm tra, nhất là những chủ đầu tư liên quan đến việc huy động trái phiếu, huy động nguồn vốn. Do đó, việc đầu tư cũng bị trì trệ", ông Nghĩa cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản phát triển thiên về đất nền nhiều hơn. Tại nhiều địa phương, doanh nghiệp có ít tiền nhưng cũng san đất, cắm mốc làm vài con đường rồi bán nền thu tiền, trong khi đó vốn của người mua cũng không cần nhiều, chỉ cần 1 - 2 tỷ đồng là có thể mua được một nền đất.
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nếu như thị trường đất nền phát triển quá nóng, có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy, thứ nhất có thể xảy ra cơn sốt không đáng có. Thứ hai, rõ ràng đất nền chỉ để đầu tư kiếm lời, lướt sóng, không phục vụ sản xuất, không giúp thị trường phát triển lành mạnh.
“Tôi thấy rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chủ yếu là đất nền dễ làm, dễ đầu tư nhưng cũng có nguyên nhân nữa là do sự buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án làm thị trường méo mó đi”, lãnh đạo VNREA nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dù vẫn duy trì được sức hút và được đánh giá cao về khả năng sinh lời, tuy nhiên, khi thị trường bị siết chặt với những động thái “phanh” tín dụng của hàng loạt ngân hàng thì các nhà đầu tư, đặc biệt là những tay ngang mới tham gia cần thận trọng hơn để tránh bị “chôn vốn” do mua dễ, bán khó.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, 2 năm qua, thị trường bất động sản quá khó khăn, có lúc phải đóng cửa công trường xây dựng, hầu như không có công trường nào thi công được, đặc biệt bất động sản nghỉ dưỡng ngưng trệ do không có khách quốc tế lẫn khách nội địa.
Trong giai đoạn này, giới doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Về triển vọng thị trường bất động sản thời gian tới, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhu cầu về bất động sản ở Việt Nam vẫn rất cao. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vào khoảng 40%, nhưng ở các nước phát triển là 70%, thậm chí còn hơn, người dân sống ở đô thị chiếm 70 - 80% dân số. Đến năm 2050, đô thị hóa của Việt Nam nếu đạt 60 - 70% thì sẽ có khoảng 60 - 70 triệu dân sống ở đô thị, nhu cầu nhà ở là rất lớn.
Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc điểm sáng, phát triển mạnh ngay trong đại dịch Covid-19. Còn thị trường bất động sản du lịch đã “vỡ trận” do nhu cầu du lịch bùng nổ trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, có nhiều cơ sở để tiếp tục lạc quan với thị trường bất động sản. Đơn cử, vẫn còn những chủ đầu tư không quá bị áp lực bởi trái phiếu và còn quỹ đất để triển khai dự án. Thị trường cũng vẫn có những nhà đầu tư với ngân sách dưới 2 tỷ đồng đang tìm kiếm cơ hội ở những khu đô thị mới nổi, tạo ra các "cơn sốt" nhỏ, là cơ hội cho thị trường phát triển.
Ông Nghĩa cho rằng, kèm theo việc siết tín dụng thì Chính phủ đang có những giải pháp chuẩn bị cho nguồn cung, hạ tầng, quy hoạch và chiến lược phát triển những đô thị mới. Bên cạnh đó là những dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam hay những dự án khu công nghiệp với mô hình mới...
"Những điểm nhấn vĩ mô đó sẽ là động lực để chúng ta lạc quan vào thị trường bất động sản trong dài hạn. Nếu nhìn thấy mặt tích cực này, các nhà đầu tư có thể suy nghĩ về việc tái đầu tư, xem xét lại danh mục của mình”, chuyên gia nhấn mạnh nhà đầu tư cần chấp nhận sự khắc nghiệt trong ngắn hạn và nhìn vào sự lạc quan của thị trường dài hạn, ông Nghĩa nói.
Theo giới chuyên gia, trong thời điểm nhiễu loạn thông tin như hiện nay, phần lớn mọi người trở nên thận trọng hơn khi đầu tư để tránh những rủi ro không đáng có. Các nhà đầu tư nên xem xét xuống tiền với những sản phẩm thật sự chất lượng, mang lại giá trị thực và có tầm nhìn trung, dài hạn thay vì “lướt sóng” ngắn hạn.