Khoảng 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh và mang về cho đất nước 2 tỷ USD năm 2018. Đó là chưa kể số tiền lớn du khách chi cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi đi du lịch.
TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), cho hay, du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,…
Với điều kiện tự nhiên và các lợi thế về y học cổ truyền, Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Chẳng hạn, ngành địa chất ta đã phát hiện nước ta có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng từ 40-80 độ C, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai.
Việt Nam cũng có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, đa dạng với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc. Hiện nay Bộ Y tế đã cấp số đăng ký cho trên 2.000 chế phẩm thuốc y học cổ truyền do trên 450 cơ sở y dược cổ truyền sản xuất.
Tắm bùn khoáng tại một khu du lịch ở Quảng Nam |
Bên cạnh hệ thống di tích lịch sử phong phú, Việt Nam có nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc với cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn với thiền, yoga nói riêng.
GS.TS. Nguyễn Văn Đính dẫn một nhận định gần đây cho thấy, Việt Nam đang dần trở thành một điểm đến du lịch chữa bệnh mới của châu Á nhờ chi phí đi lại, dịch vụ lưu trú và nhân lực y khoa giá rẻ, cạnh tranh so với các bệnh viện ở Mỹ, châu Âu và các nước trong khu vực. Khoảng 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh và mang lại nguồn thu 2 tỷ USD năm 2018. Đó là chưa kể số tiền lớn du khách chi cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi đi du lịch.
Ngoài ra, hàng chục nghìn người Việt Nam đi du lịch chữa bệnh mỗi năm (trước khi có dịch Covid-19), với số tiền bỏ ra xấp xỉ 2 tỷ USD, mà các bệnh viện trong nước hoàn toàn có thể chữa trị được.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), nhận định, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe (phòng bệnh, làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ) là xu hướng du lịch trong tương lai, nhất là khi dịch bệnh xuất hiện thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng lớn. Đây là cơ hội để Việt Nam chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe.
Tại một số địa phương, du lịch chăm sóc sức khỏe đã được triển khai nhờ tận dụng lợi thế của mình. Chẳng hạn, việc khai thác suối khoáng nóng ở Kim Bôi (Hòa Bình), Thanh Thủy (Phú Thọ), Quang Hanh (Quảng Ninh), Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Mỹ An (Thừa Thiên - Huế),... hàng năm thu hút lượng khách nội địa lớn.
Tại Khánh Hòa, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Lệ Thanh cho hay, địa phương này có 7 khu tắm bùn khoáng nóng kết hợp spa có thương hiệu, được lữ hành đưa vào các chương trình tour, khách rất ưa chuộng. Hay tại Lào Cai, theo ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, dịch vụ tắm thuốc lá của người Dao, với nhiều vị thuốc cổ truyền quý giá, được du khách đánh giá cao qua phản hồi như giảm đau xương khớp, điều huyết áp, dưỡng da,…
Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, cũng cho biết, địa phương có 830 loại thực phẩm để phát triển thành dược liệu, tỉnh đã phê duyệt 30 loại. Trong đó, sâm Ngọc Linh với phiên chợ sâm quốc gia và khu vực dược liệu tại Nam Trà My có thể phát triển thành sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Quảng Nam còn có 5 mỏ nước khoáng nóng, có 2 mỏ đang hoạt động cũng thu hút khách nội địa, tỉnh đang mời gọi nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá, các hoạt động du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu, sản phẩm ít, chưa thực sự đặc sắc. Chưa có nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng và xây dựng phát triển sản phẩm du lịch này tại Việt Nam.
Hơn nữa, chúng ta chưa có các tiêu chí để xây dựng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Cũng cần xem xét du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe dừng ở mức độ nào thì phù hợp, tránh trùng lắp với việc chữa trị của Bộ Y tế.
Ngọc Hà