Thị trường hoa Tết 2022 có thể sẽ khan hiếm hàng, giá tăng. Trong khi người trồng hoa mong người dân đừng đợi đến đêm 30 tháng Chạp mới ra mua cây như Tết trước.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cận kề, khảo sát của PV. VietNamNet tại khu vực TP.HCM cho thấy thị trường hoa, cây cảnh trang trí Tết năm nay sẽ khan hàng hơn mọi năm, giá các loại cây cũng biến động tăng.
Hoa, cây cảnh khan hàng
Đại diện nhà vườn Hồng Phong (TP. Thủ Đức) thông tin, sản lượng cây cảnh nhập về cho Tết 2022 không bằng năm ngoái. Các vườn trồng ở Sa Đéc (Đồng Tháp) làm hàng ít hơn do sợ người dân không đi mua sắm.
Anh Ngô Thanh Ngoãn, nhà vườn Hải Loan 2 (Bến Tre), cho hay, lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên người nông dân hạn chế số lượng cây cung cấp ra thị trường. Từ đó, số lượng cây bán cũng eo hẹp. Nhà vườn chỉ nhập về khoảng vài trăm chậu mai, cúc và hoa giấy do không có nguồn hàng.
“Trước dịch, họ làm từ 10.000-20.000 cây hoa giấy thì năm nay chỉ còn khoảng 4.000-5.000 cây”, anh Ngoãn nói.
Các cửa hàng đang chuẩn bị hoa, cây cảnh cho vụ Tết 2022 (ảnh: Trần Chung) |
Do khan hiếm hàng nên giá hoa giấy trang trí dịp Tết Nhâm Dần sẽ đắt hơn mọi năm, mức tăng từ 10-20%.
Anh Trần Huy Hùng - cửa hàng Cây kiểng Kim Thảo (TP.Thủ Đức) - cũng cho biết, số lượng lan nhập bán Tết giảm 30-40%. Năm nay, anh Hùng và các thành viên trong gia đình sẽ tự bán trực tiếp chứ không thuê người, để giảm bớt chi phí. Trung bình dịp Tết mọi năm, doanh thu từ bán cây khoảng 30-40 triệu đồng/ngày nhưng năm nay khó đạt được.
Cùng tâm trạng, chủ cửa hàng Hoa kiểng Hoa Lê (TP.Thủ Đức) - bà Lê Thị Hoa - lo lắng khi đã tới mùng 10 tháng Chạp mà chưa thấy có khách quen đặt hàng một chậu hoa nào. Do chi phí tăng, bán chậm nên cửa hàng không dám nhập nhiều.
Cũng theo bà Hoa, hiện hoa cẩm tú cầu không có hàng bán trên thị trường. Trong khi một số mặt hàng hoa, cây kiểng khác từ Trung Quốc không có để nhập về nội địa.
Vườn cúc đại đóa tại quận 12 (ảnh: Trần Chung) |
Chị Lương Thị Lộc, đại diện cửa hàng Thế giới hoa lan hồ điệp, khẳng định, số lượng cây năm nay giảm rất nhiều, thậm chí có vườn trồng giảm hơn 50% sản lượng cung cấp cho vụ Tết.
Ví dụ, điểm bán sỉ lớn này mọi năm chuyển cho một cửa hàng với số lượng khoảng 10.000 cây thì giờ phải “xé” nhỏ số lượng chỉ còn 4.000-5.000 cây, số còn lại chia cho khách quen vì không đủ hàng. Mức giá lan hồ điệp cũng sẽ tăng 5-10%.
Mong người dân đừng đợi đến đêm 30 mới ra mua hoa
Về phía người nông dân, ông Hồ Văn Hiệp - chủ vườn hoa tại quận 12 - chia sẻ, số lượng hoa vụ Tết giảm 50%. Dự báo sức mua thấp nên chủ vườn chủ động giảm số lượng trồng. Vụ Tết cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 cây.
Năm nay, ông Hiệp trồng 5 loại hoa, gồm: hoa mào gà đỏ, mào gà vàng giá 150.000 đồng/cặp; cúc pha lê 120.000 đồng/cặp; cúc ruby 220.000 đồng/cặp,...
Ông Hồ Văn Hiệp chủ động giảm sản lượng trồng hoa cho vụ Tết Nhâm Dần 2022 vì lo ngại dịch bệnh (ảnh: Trần Chung) |
Chị Trịnh Thị Kim Lan, chủ vườn cúc đại đóa (quận 12), cho biết, Tết Nhâm Dần 2022, số lượng cúc trồng giảm 20% so với năm ngoái. Vườn cung cấp ra thị trường khoảng 8.000 chậu cúc. Từ ngày 19-24/12 âm lịch thì các mối mua sẽ đổ về lấy hàng tại vườn.
Vụ Tết 2021, giá bán một chậu cúc đại đóa khoảng 80.000/chậu tại vườn, các điểm bán ngoài chợ có mức giá từ 250.000-300.000 đồng/cặp. Còn năm nay, theo chị dự đoán, người dân sẽ mua ít do khó khăn về kinh tế.
Người trồng hoa này chỉ có mong muốn duy nhất, người dân nếu có ý định mua cây hoa về trang trí Tết thì nên đi sớm cho nông dân đỡ khổ. Bởi, các điểm bán như tại công viên thì qua 12h trưa ngày 30 tháng Chạp yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ. Trong khi đó, khách bán hết thì mới vào vườn lấy thêm hàng, còn nếu ế họ sẵn sàng bỏ cọc, không vào mua hoa đã đặt trước.
“Năm ngoái may vườn tôi bán hết vào phút chót. Đến 20 tháng Chạp mà còn thừa nhiều lắm. Dân không dám đi mua do sợ dịch bệnh, bạn hàng không dám lấy. Trồng cây mà như chơi xổ số. Quá hồi hộp", chị Lan nói.
Hoa Tết đã sẵn sàng, người trồng hoa chỉ mong muốn người dân đừng đợi đến tối 30 Tết mới ra mua (ảnh: Trần Chung) |
Trần Chung