Thời hoàng kim, mỗi con tôm sú mẹ có giá bằng cả 1 lượng vàng bởi chúng được coi là “cần câu cơm” của các trang trại nuôi tôm giống thì nay được rao bán tràn lan trên chợ mạng với giá chỉ từ 550.000 đồng/kg.
Thời gian gần đây, người tiêu dùng không khỏi ngỡ ngàng khi loại tôm sú to chưa từng thấy được rao bán trên khắp các chợ mạng với giá chỉ từ 710.000 đồng/kg loại 4-6 con/kg, và 550.000 đồng/kg loại 8-10 con/kg.
Rao bán tôm sú khổng lồ trên chợ mạng, chị Nguyễn Hiền (Hà Nội) cho rằng, đây là loại tôm được đánh bắt hoàn toàn tự nhiên ngoài biển, mỗi kg chỉ có từ 4-6 con, thậm chí có đợt chị nhập được loại chỉ 3-5 con/kg.
Tôm sú bố mẹ được rao bán trên chợ mạng với giá chỉ từ 550.000 đồng/kg. |
Theo chị Hiền, đây là loại tôm sú bố mẹ hay còn gọi là tôm sú cụ, sống ở vùng khơi xa, được ngư dân đánh bắt trực tiếp nên số lượng không nhiều. Mỗi thuyền đi biển về chỉ đánh được 1-2kg, gom cả chục nhà mới được 15-20kg.
“Trước đây loại tôm này được các nhà hàng, quán ăn sang trọng thu mua hết để phục vụ khách du lịch cao cấp hoặc khách nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm các nhà hàng đều vắng khách, tôm được rao bán lẻ trên chợ mạng”, chị Hiền nói.
Những con tôm sú to ngang con tôm hùm được rao bán với giá chỉ 750.000 đồng/kg. |
Nếu như đợt tháng 5/2020 loại tôm sú có size từ 3-5 con/kg được bán trên 1,2 triệu đồng/kg được các bà nội trợ săn lùng mua ăn thử thì hiện tại, dù giá đã giảm ngang ngửa tôm hùm chỉ còn 710.000 đồng/kg nhưng người tiêu dùng vẫn hết sức e dè trong việc lựa chọn mua loại tôm này về ăn.
Chưa từng mua tôm sú khổng lồ về ăn nhưng chị Phạm Hoài Thu (trú tại Long Biên, Hà Nội) cho biết mình vẫn hoài nghi về nguồn gốc loại tôm này bởi đây là tôm đông lạnh, không biết có xuất xứ từ đâu, có bị bơm tạp chất hay chất bảo quản hay không.
“Tôi thấy họ bán rẻ quá lại sinh nghi bởi trước đây loại tôm này chưa từng xuất hiện trên thị trường nhưng nay lại rao bán khắp nơi. Hơn nữa, nếu tính ra, 1kg tôm hùm đang bơi chỉ có giá tầm 650-700.000 đồng/kg nhưng loại tôm sú khổng lồ này vẫn có giá cao hơn lại là đồ đông lạnh nữa nên cẩn thận vẫn hơn”, chị Thu chia sẻ.
Dù giá rẻ chưa từng có nhưng nhiều người không khỏi e dè bởi chưa biết rõ nguồn gốc. |
Là người nuôi tôm hơn 20 năm tại Bạc Liêu, anh Vũ Văn Nam khẳng định loại tôm khổng lồ này là tôm tự nhiên vì nếu là tôm nuôi thì khi đàn tôm được khoảng 20-25 con/kg là các nhà nuôi tôm bán hết cho thương lái, nếu có thì chỉ có vài con to để phục vụ gia đình chứ không có bán.
“Mấy con tôm to thế này nếu thấy sẽ chỉ để ăn, đãi khách quý hoặc mang cho, tặng người thân chứ không ai bán bởi hiếm vô cùng. Thu hoạch cả tấn tôm mới được tầm 50kg loại 15 con/kg, riêng loại 3-4 con/kg này thì chỉ có 1-2 con còn sót lại từ vụ trước”, anh Nam cho hay.
Theo anh Nam, khi tôm đạt trọng lượng chuẩn từ 20-25 con/kg là thương lái họ thu mua hết cả đầm. Với diện tích đầm nuôi 3ha, mỗi năm nhà anh Nam cho thu hoạch được 4-5 tấn tôm.
Với người nuôi tôm lâu năm thì loại tôm “khổng lồ” này rất hiếm, nếu có thì sẽ để ăn chứ không bán. |
Nếu như mọi năm thương lái thu mua từ 200-250.000 đồng/kg thì năm nay đợt xuống thấp nhất chỉ còn 175.000 đồng/kg, thậm chí loại 30 con/kg có đợt xuống chỉ còn 130.000 đồng/kg.
Vì giá tôm xuống thấp quá lâu nên thời gian này, anh Nam tạm thời bỏ đầm không xuống giống tôm mới, chờ khi hết dịch bệnh mới nuôi lại.
Làm trại sản xuất tôm giống hơn 6 năm ở Thị trấn Cái Đôi Vàm (Phú Tân, Cà Mau), anh Nguyễn Quân cho biết loại tôm sú khổng lồ này là tôm bố mẹ được đánh bắt ngoài tự nhiên. Những ngư dân đánh bắt được sẽ lọc con chết cấp đông bán cho thương lái, con vẫn còn sống và khỏe thì bán cho các trại giống.
Mỗi con tôm mẹ có thể sinh được 3-5 lần chỉ trong vòng 10-15 ngày, mỗi lần hơn 1 triệu ấu trùng nên có giá rất đắt. |
“Thời hoàng kim, mỗi con tôm sú mẹ này có giá cả 1 lượng vàng bởi khi đó công nghệ lạc hậu, chỉ có những tàu thuyền lớn mới đi ra khơi xa đánh bắt được tôm mẹ. Mấy năm trước tôi mua 12 con tôm này với số tiền 40 triệu đồng bởi mỗi con tôm có thể đẻ 3-5 lần trong vòng 10-15 ngày, mỗi lần hơn 1 triệu ấu trùng”, anh Quân phân tích.
Theo anh Quân vì tình hình dịch bệnh, tôm thịt không có giá nên thị trường tôm giống cũng khá bấp bênh, trại giống chỉ sản xuất cầm chừng 1/3 năng suất hoặc thấp hơn nên nguồn tôm mẹ dư thừa.
“Họ chỉ chọn những con mẹ đủ tiêu chuẩn và xuất sắc để giữ lại kích thích sinh sản, sử dụng trong tầm 15 ngày rồi thải bởi sinh xong nó sẽ lột xác và không đẻ nữa”, anh Quân nhấn mạnh.
Tôm mẹ đa số được phóng sinh trở lại biển, số rất ít được bán ra thị trường. |
Anh Quân cho biết thêm, tôm thải đa số được phóng sinh trở lại biển nhằm bảo tồn giống và cảm ơn mẹ thiên nhiên. Một số con yếu hơn không có khả năng sống thì được trại chế biến thiết đãi nhân viên, thưởng cho họ sau những ngày vất vả. Tuy nhiên, có một số nơi họ cho sinh sản xong thì mang bán ra thị trường nhằm vớt vát chút vốn liếng.
Vì vậy, theo anh Quân, người tiêu dùng khi mua loại tôm này cần chỉ cần quan sát kỹ, nếu thấy con tôm mẹ chỉ còn 1 mắt tức là con tôm thải của trại giống, ăn sẽ không ngon bằng tôm sú đực tự nhiên.
(Theo Dân Việt)