Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), dòng vốn kiều hối sẽ là trợ lực mới cho thị trường bất động sản thời gian tới, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang "khát vốn". Bên cạnh đó, hành lang pháp lý mới với các quy định rõ ràng và cởi mở hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều đầu tư, sở hữu nhà tại Việt Nam.
Anh Đức Hòa, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, nhu cầu mua bất động của Việt kiều là rất lớn trong giai đoạn từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024. Phần lớn dòng vốn kiều hối "đổ mạnh" vào các phân khúc bất động sản cao cấp và mục đích chủ yếu là đầu tư.
"Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua lượng Việt kiều tìm hiểu về bất động sản tại Hà Nội tăng mạnh. Trong đó, các phân khúc có sự quan tâm lớn là chung cư cao cấp thuộc các quận nội thành như Tây Hồ, Đống Đa và Cầu Giấy. Ngoài ra, phân khúc biệt thự, liền kề của các dự án bất chấp trải qua thời điểm khó thanh khoản vẫn được số lượng lớn Việt kiều tìm mua", anh Hòa chia sẻ.
Anh Hòa cũng cho biết, nhu cầu của Việt kiều lớn nhất là các căn hộ chung cư cao cấp tại khu vực trung tâm có giá từ 5 - 12 tỷ đồng/căn, chủ yếu với mục đích mua nhà rồi cho thuê lại để kỳ vọng tăng giá trong tương lai. Trong thời gian tới, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, lượng quan tâm tới việc đầu tư bất động sản tại Việt Nam sẽ ngày càng lớn.
Theo Luật Đất đai 2024, công dân Việt Nam, kể cả định cư, sinh sống ở nước ngoài vẫn có quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Tại điều 4, Luật Đất đai 2024, quy định về người sử dụng đất được bổ sung thêm nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam. Nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài nhưng còn quốc tịch Việt Nam.
Tại điều 28, Luật Đất đai sửa đổi mới, cũng quy định cụ thể người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà.
Nhiều chuyên gia đánh giá, Luật Đất đai 2024 cùng Luật Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thu hút hối kiều về nước, tạo điều kiện để người Việt kiều đầu tư, mua nhà ở tại Việt Nam thuận lợi hơn.
Theo Việt nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam của cộng đồng Việt kiều gia tăng vì giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao cùng việc siết quy định nhập cư ở một số nước. Thực tế, khoảng 15-20% dòng vốn kiều hối đang đổ trực tiếp vào bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, dòng vốn kiều hối sẽ hướng tới sản phẩm căn hộ ở khu vực trung tâm và lân cận, có thể khai thác vận hành cho thuê. Bên cạnh đó, dòng vốn này có xu hướng đổ vào những phân khúc khó thanh khoản, giá trị cao như biệt thự cao cấp ở đô thị lớn hay bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Các sản phẩm kén khách lại là phân khúc ưa thích của Việt kiều bởi họ có khả năng chi trả, mua để nghỉ dưỡng, phục vụ lâu dài.
"Để tận dụng dòng vốn kiều hối vào thị trường địa ốc, phía cơ quan quản lý cần tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, viễn thông và các dịch vụ công cộng khác. Thiết lập các chính sách thuế ưu đãi như giảm thuế hoặc miễn thuế đối với người Việt Kiều đầu tư vào bất động sản. Đảm bảo, hệ thống thông tin, pháp luật liên quan đến bất động sản minh bạch, dễ hiểu và bảo vệ quyền lợi của người đầu tư, bao gồm cả người Việt Kiều", ông Đính kiến nghị.
Còn theo ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, nếu lượng kiều hối đổ vào bất động sản tăng vọt có thể gây tăng giá bất động sản và lệch mục tiêu phân bổ đầu tư theo ngành.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng, dòng vốn kiều hối sẽ không đổ vào thị trường nhà ở Việt Nam mạnh mẽ ngay sau khi luật mới có hiệu lực, vì luôn có độ trễ nhất định từ luật đi vào thực tế và người ta cần thời gian để nghiên cứu, cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư. Trong dài hạn, sự gia nhập của nhà đầu tư Việt kiều ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp giúp thị trường có thêm dòng vốn mới, các hoạt động mua bán, đầu tư có thể sẽ sôi động hơn", ông Avison Young nhận định.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có các chính sách thuế ưu đãi như giảm thuế hoặc miễn thuế đối với người Việt Kiều đầu tư vào bất động sản. Đảm bảo, hệ thống thông tin, pháp luật liên quan đến bất động sản minh bạch, dễ hiểu và bảo vệ quyền lợi của người đầu tư, bao gồm cả người Việt Kiều.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu, xây dựng các dự án bất động sản đạt tiêu chuẩn cao về thiết kế, chất lượng xây dựng và tiện ích. Phác thảo rõ chân dung khách hàng, sử dụng các kênh truyền thông đa dạng để quảng bá về dự án bất động sản. Hỗ trợ các thủ tục pháp lý, thuế và các vấn đề liên quan đến việc mua bán, cho thuê bất động sản.