Trao đổi với PV Dân trí, đại diện cơ quan công an địa phương khẳng định: Tổng Giám đốc "siêu doanh nghiệp" vốn 128.000 tỷ đồng, tương đương 5,5 tỷ USD, là người bình thường, nhà ở trong xóm.
Liên quan tới nhân thân của ông Bùi Văn Việt - người được cho là ông chủ của "siêu doanh nghiệp" có mức vốn đăng ký kinh doanh lên tới 128.000 tỷ đồng tại Hà Nội, Dân trí tiếp tục ghi nhận được thông tin bất ngờ.
Theo đó, một lãnh đạo Công an xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ cho biết: Hiện gia đình ông Việt đang ở trong thôn Yên Trường, ông này có làm ăn kinh doanh nhưng nhỏ lẻ, không đến mức vốn quá lớn.
"Ông này là người bình thường, có phải đại gia, doanh nhân gì đâu. Nếu có chính quyền biết ngay, ông này hiện chỉ ở nhà, xe ô tô không có" - đại diện Công an xã Trường Yên nói với PV Dân trí.
"Hiện chúng tôi mới chỉ biết thông tin qua báo chí, việc xác minh ông Bùi Văn Việt phải được sự yêu cầu của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ cán bộ địa phương, ông Việt là người kinh doanh tạp hóa bình thường, thông tin ông này góp vốn hàng chục đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho một doanh nghiệp tại Hà Nội là chuyện hết sức bất ngờ" - vị đại diện cho biết.
Cũng theo đại diện công an địa phương, qua nguồn tin xác minh, ông Việt cho biết có đứng tên đăng ký lập doanh nghiệp như trên, tuy nhiên nguồn vốn không lớn đến mức như vậy.
Trao đổi thêm với PVDân trí, lãnh đạo Công an huyện Chương Mỹ cho biết: Trường hợp này hiện công an xã Trường Yên đã thông tin lên huyện, cơ quan công an đã nắm rõ và đang chờ xác minh cụ thể.
Theo Số liệu được Phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội gửi Cổng thông tin đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT: "Siêu doanh nghiệp" gần 128.000 tỷ đồng ban đầu (tháng 11/2018) chỉ là doanh nghiệp 132 tỷ đồng do 5 cá nhân sáng lập là ông Bùi Văn Việt (nắm 18% vốn điều lệ), bà Phạm Thị Thành (nắm 36% vốn điều lệ), ông Đào Xuân Hậu (nắm 18% vốn điều lệ), ông Đỗ Công Đảng (nắm 18% vốn điều lệ) và ông Trần Đức Thủy (nắm 10% vốn điều lệ).
Tháng 6/2019, công ty này tăng vốn điều lệ lên 127.900 tỷ đồng. Trong đó, số vốn góp rất lớn của Việt kiều Mỹ là ông David Aristole Phan với 51.160 tỷ đồng (2,2 tỷ USD), chiếm 40% tổng vốn điều lệ (thời điểm tháng 6/2019).
Tuy nhiên, có chi tiết đặc biệt là nếu trừ đi vốn góp của Việt kiều Mỹ 2,2 tỷ USD và 132 tỷ đồng vốn góp năm 2018, để đủ số vốn 127.900 tỷ đồng, 5 thành viên sáng lập phải góp thêm số vốn vào thời điểm tháng 6/2019 là hơn 75.700 tỷ đồng (gần 3,3 tỷ USD).
Nếu chia trung bình cho 5 người nói trên, số vốn đóng góp của họ sẽ là 15.100 tỷ đồng/người (tương đương 658 triệu USD). Tài sản này có thể được coi là triệu phú tại Việt Nam.
Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Trần Đức Thủy (sinh 1982) - cổ đông đóng góp vốn 18% từ năm 2018 - cho biết đã hoàn thành góp hơn 13 tỷ đồng vào công ty. Tuy nhiên, khi được hỏi tháng 6/2019 góp bao nhiêu vốn vào siêu doanh nghiệp thì cá nhân này chỉ nói "góp chút ít".
Một điều lạ là ông Thủy dù đóng hàng chục tỷ đồng vào doanh nghiệp này nhưng cũng không quan tâm, tham gia sâu vào hoạt động hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phó thác cho hai cổ đông lớn khác.
Trước đó, như Dân trí đưa tin, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu được thành lập tháng 11/2018 tại địa chỉ tại số 143 Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội với số vốn ban đầu là 132 tỷ đồng.
Tháng 6/2019, có Việt kiều đổ thêm 2,2 tỷ USD, cùng các cổ đông khác tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp lên 127.900 tỷ đồng (5,5 tỷ USD), số vốn vượt xa so với tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup hoặc vốn điều lệ của một loạt ngân hàng thương mại lớn cộng lại.
Ngày 20/8, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho PV Dân trí biết thông tin bước đầu là siêu doanh nghiệp này dù ra đời, tồn tại đến nay gần 4 năm nhưng không phát sinh doanh thu, không nộp thuế VAT, không sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế và chỉ đóng thuế môn bài theo quy định (3 triệu đồng/năm).
(Theo Dân Trí)