Từ những khách sạn hạng sang và trung tâm mua sắm lớn nhất, cho tới các cửa hàng lân cận, nhà hàng hay trung tâm du lịch như Central, Causeway Bay và Tsim Sha Tsui, hoạt động kinh doanh đều tạm dừng hoặc số lượng khách hàng đến cũng ít hơn. Ngay cả khi vẫn mở cửa, thì các cửa hàng và sân bay đều vắng lặng, khách du lịch cũng tránh đến nơi này.
Mạng lưới tàu điện ngầm của thành phố (còn gọi là MTR) đã đóng cửa hoàn toàn trong thời gian nghỉ lễ kéo dài từ cuối tuần ngày 4/10, trong bối cảnh nhóm biểu tình phản ánh dữ dội khi bà Carrie Lam nỗ lực dập tắt căng thẳng bằng cách ban hành luật khẩn cấp.
Ga tàu điện ngừng hoạt động.
Nền kinh tế Hồng Kông đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong quý II, gần như chắc chắn rằng quý tới cũng không khởi sắc và các số liệu kinh tế vẫn đang xấu đi. Câu hỏi ở đây là sự tổn thất sẽ còn lún sâu và kéo dài đến đâu?
Từng là nhà sản xuất lớn của châu Á trước khi Trung Quốc đại lục trỗi dậy, nhưng giờ đây nền kinh tế định hướng tiêu dùng và tài chính của thành phố này đang cực kỳ mỏng manh, dễ có khả năng sụp đổ khi niềm tin của người dân đã rơi vào khủng hoảng. Chính quyền thành phố đã rất khó khăn để đưa ra những biện pháp hiệu quả nhất, rằng họ có các công cụ chính sách để kiềm chế những diễn biến tồi tệ khi sự bất ổn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Dong Chen, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Pictet Wealth Management, cho hay: "Tôi không kỳ vọng rằng sẽ nhìn thấy bất kỳ biện pháp mạnh mẽ nào có thể xoay chuyển tình thế ngay lập tức. Kịch bản khả quan nhất sau tình trạng bất ổn chính trị này là họ có thể đưa ra kế hoạch hoặc biện pháp dài hạn để giải quyết những vấn đề cốt lõi." Chen là một trong rất nhiều chuyên gia dự đoán rằng kinh tế Hồng Kông sẽ trải qua sự co hẹp trong quý thứ 3 liên tiếp, tính đến tháng 9.
Tác động của chiến tranh thương mại cùng với việc thiếu đi chi tiêu của khách du lịch cũng khắc hoạ rõ về sự lao dốc của nền kinh tế trong cả năm so với năm 2018. Sự suy thoái đã và đang diễn ra rất nhanh chóng, khi số liệu xuất khẩu sụt giảm và các cuộc biểu tình đã xoá bỏ mọi động lực thúc đẩy nền kinh tế từ khi bắt đầu năm 2019. Khi Bộ trưởng Tài chính Paul Chan công bố ngân sách hồi tháng 2, ông dự đoán tăng trưởng hàng năm sẽ đạt từ 2% đến 3%. Còn đến tháng 8, ông cắt giảm xuống mức 0 đến 1%. Ngoài ra, rất nhiều kinh tế gia khác cũng dự đoán đà tăng tưởng cả năm giảm xuống dưới mức 1%, trong đó có JPMorgan.
Sự suy thoái cũng gây tổn hại cho thị trường chứng khoán Hồng Kông. MSCI Hong Kong Index đến nay đã rớt 18% từ mức đỉnh hồi tháng 4, trong đó cổ phiếu ngành bất động sản và tiêu dùng giảm mạnh nhất.
Đây là một loạt chỉ báo quan trọng đối với nền kinh tế đã nhanh chóng đi thụt lùi trong vài tháng vừa qua:
- Doanh số bán lẻ theo giá trị giảm ở mức kỷ lục, 23%, vào tháng 8 so với 1 năm trước, do nhu cầu đối với các sản phẩm xa xỉ như trang sức và đồng hồ giảm mạnh.
- Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Hồng Kông, lượng khách du lịch đã giảm gần 40% trong tháng 8 so với 1 năm trước, đây là con số tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003.
- Kim ngạch xuất khẩu năm nay dự kiến cũng sụt giảm xuống mức tệ nhất trong 1 thập kỷ, Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông cảnh báo khi hạ dự báo tăng trưởng năm 2019.
- Tâm lý của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chạm mức thấp nhất trong tháng 8.
- Theo IHS Markit, chỉ số PMI tháng 9 của toàn bộ nền kinh tế có mức tăng nhẹ, nhưng vẫn phát tín hiệu đi lùi ở mức 41,5.
Trong cuộc họp báo diễn ra hôm thứ Ba, bà Lam cho biết lượng khác du lịch đến đây đã giảm hơn 1 nửa từ hôm 1 đến 6/10, trong khi dịp "Tuần lễ vàng" là thời điểm thành phố này mong chờ sẽ đón nhận khách du lịch đến để mua sắm các sản phẩm xa xỉ. Cùng với khả năng thành phố này chính thức rơi vào suy thoái, thì số liệu GDP quý III công bố trước ngày 31/10 thậm chí có thể còn có dự báo thấp hơn nữa trong thời gian còn lại của năm.
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức chính trị, hồi tháng 8, Hồng Kông đã tung gói kích thích 2,4 tỷ USD, trong đó có những biện pháp tạo thêm lợi ích cho người dân và các công ty. Ngoài ra, trong bài phát biểu về chính sách thường niên vào ngày 16/10, bà Lam có thể sẽ đưa ra kế hoạch tăng chi tiêu.
Tommy Wu, kinh tế gia cấp cao tại Oxford Economics tại Hồng Kông, nhận định rằng, có thể rằng chính quyền Hồng Kông sẽ tăng chi tiêu cho các lĩnh vực như phúc lợi, dịch vụ y tế và cơ sở vật chật. Đây là những lịch vực có thể giúp họ giải quyết những vấn đề dài hạn.