Ngày 28/2 tới, Công ty CP Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020, để thông qua những tờ trình quan trọng nhằm giúp DN vượt qua những khó khăn với sự tham gia sâu hơn từ phía đối tác là Công ty Thadi của tỷ phú Trần Bá Dương.
Chế biến thủy sản tại HVG (Ảnh: IT)
Đại hội sẽ bàn vấn đề gì?
Thông qua tài liệu Đại hội cổ đông 2020 đã được công bố, Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh sẽ bàn những vấn đề quan trọng, trong đó, ngoài việc thông qua Báo cáo tài chính 2019 đã được kiểm toán; Kế hoạch kinh doanh năm 2020; Công ty CP Sản xuất Chế biến và Phân phối nông nghiệp Thadi nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 25% cổ phần, có quyền biểu quyết của HVG mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Cụ thể, với báo cáo tài chính 2019 được kiểm toán, Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh cho biết tính đến 30/9/2019, tổng nợ hợp nhất của HVG là 7.109 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu hợp nhất chỉ còn 916 tỷ đồng (giảm mạnh so với con số 2.142 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2018); doanh thu thuần hợp nhất cũng giảm gần 1 nửa so với thời điểm cùng kỳ, chỉ còn 4.106 tỷ đồng (so với con số 8.105 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2018); Lỗ trước thuế và sau thuế hợp nhất là 1.075 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2019 có phần thê thảm nhưng HVG vẫn đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020 khá “hoành tráng” với doanh thu 12.524 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 790 tỷ đồng. Tuy nhiên, do còn lỗ lũy kế nên cổ tức năm 2020 chỉ 0%.
Về việc bầu thêm 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021, phía HVG chưa công bố danh tính 2 thành viên này. Tuy nhiên, nhiều khả năng 2 thành viên mới này sẽ đến từ Thadi của tỷ phú Trần Bá Dương để cùng tham gia vào quá trình tái cơ cấu toàn diện HVG, như đã công bố trước đó tại buổi ký kết hợp tác giữa HVG và Thadi hồi đầu tháng 1/2020, rằng: “Thadi sẽ tham gia quản trị, cử nhân sự giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT, giám đốc tài chính, chuyên gia kỹ thuật và hỗ trợ bán hàng, tài chính…”.
Được biết, đến thời điểm cuối niên độ tài chính trước (ngày 30/9/2019), HVG của ông Dương Ngọc Minh có khoản lỗ lũy kế lên tới 1.488 tỷ đồng, khiến đơn vị kiểm toán phải đặt ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Cụ thể, theo Kiểm toán viên của Ernst & Young Việt Nam (E&Y), tại thời điểm ngày 30/9/2019, tổng nợ ngắn hạn của HVG đã vượt quá tài sản ngắn hạn 1.170 tỷ đồng, trong đó khoản vay 600,6 tỷ đồng tại Vietcombank đến hạn vào ngày 21/5/2018 hiện vẫn chưa được thanh toán.
Hiện, chủ nợ cho vay lớn nhất của HVG là BIDV với hơn 2.000 tỷ đồng nợ cho vay ngắn và dài hạn (chiếm xấp xỉ 67% nợ vay).
Tương lai vẫn mịt mờ
Trong bối cảnh đang gặp nợ nần chồng chất, bất ngờ Thuỷ sản Hùng Vương nhận được cái “gật đầu” từ Công ty CP Sản xuất chế biến và Phân phối nông nghiệp Thadi, một thành viên của Thaco nhà tỷ phú Trần Bá Dương, với thỏa thuận được ký kết vào ngày 9/1/2020.
Theo thỏa thuận này, Thadi của tỷ phú Trần Bá Dương sẽ đầu tư vào Thuỷ sản Hùng Vương với tỷ lệ 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT, giám đốc tài chính, chuyên gia kỹ thuật… để giúp HVG cơ cấu các khoản nợ, cơ cấu lại hoạt động. Song song đó, Thadi sẽ góp 65% vào liên doanh Thadi - HVG sản xuất heo giống (quy mô 45.000 con), với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng tại An Giang và Bình Định.
Trước cái “bắt tay” này của Thadi, giới đầu tư bắt đầu kỳ vọng vào một HVG sẽ “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi hợp tác, HVG tiếp tục công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên của niên độ 2019-2020 với những con số đáng thất vọng.
Cụ thể, lợi nhuận trong kỳ tiếp tục âm 251 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên đến 1.743 tỷ đồng. Ngoài ra, HVG còn những khoản nợ khá “khủng” cả dài hạn lẫn ngắn hạn, kể cả những khoản nợ quá hạn, chắc chắn sẽ là một bài toán khó dành cho Thadi trong quá trình tham gia tài cơ cấu các khoản nợ này thời gian tới.
Báo cáo tài chính 2019 sau kiểm toán của HVG
Trên một số diễn đàn chứng khoán, một bộ phận không nhỏ giới đầu tư vẫn tỏ ra khá nghi ngờ với năng lực quản trị của Thadi. Nguyên nhân được đưa ra là sau khi rót vốn khủng vào 2 doanh nghiệp nhà bầu Đức (HAG và HNG), Thadi cũng cử đại diện vào HĐQT, nhưng đến thời điểm hiện tại cả HAG và HNG gần như không có sự chuyển biến tích cực nào. Thậm chí, theo BCTC soát xét năm 2019, HAG và HNG tiếp tục lỗ lần lượt lượt 1.609 tỷ đồng và 2.308 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của HVG
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG vẫn đang “lẹt đẹt” ở mức giá dưới thị giá. Từ mức giá hơn 10.000 đồng/CP (thời điểm cuối năm 2006), HVG xuống chỉ còn hơn 2.000 đồng/CP (giữa năm 2008), và duy trì mức giá dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/CP trong suốt năm 2019 khi HVG vẫn ngập trong thua lỗ. Tính từ hồi tháng 10/2019, cổ phiếu HVG dần hồi phục khi liên tục tăng trần và đạt mức giá đỉnh hồi đầu năm 2020 ở mức 8.850 đồng/CP, trước khi giảm về vùng giá 7.500 - 8.000 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.
Có lẽ, vẫn còn là một chặng đường chông gai phía trước với Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh.