Tại các thị trường gạo ở Châu Á, nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng cao ở cả thị trường trong nước và quốc tế đã dẫn tới nhu cầu gạo tấm gia tăng, khiến khoảng cách giá giữa gạo nguyên hạt và gạo tấm thu hẹp đáng kể.
Về thị trường xuất khẩu, các nguồn tin từ các thị trường châu Á cho biết nhu cầu gạo tấm từ Trung Quốc tăng cao bất thường trong thời gian qua, đặc biệt là những ngày gần đây, tập trung nhiều nhất vào gạo Ấn Độ và Pakistan.
Một người bán gạo ở Ấn Độ cho biết nhu cầu "rất mạnh" từ khách hàng Trung Quốc, trong khi Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với tình trạng nguồn cung gạo tấm hạn chế bởi năng suất xay xát gạo nguyên hạt từ vụ Kharif cao hơn kỳ vọng, trong khi nhu cầu gạo trắng 25% tấm cao hơn 5% tấm và những khó khăn trong việc vận chuyển gạo tấm từ các nhà máy nội địa đến cảng Kakinada.
Tại Pakistan, thông tin từ các nhà xuất khẩu cũng cho biết nhu cầu gạo tấm cực kỳ mạnh từ Trung Quốc trong khi nhu cầu gạo nguyên hạt giảm sút. Nhiều nguồn tin báo cáo rằng các nhà máy chế biến thóc chỉ đơn giản là để chiết xuất gạo tấm - thường được coi là một sản phẩm phụ. Một nhà xuất khẩu thậm chí tuyên bố rằng một số nhà máy đang làm vỡ gạo nguyên hạt để thành gạo tấm cung cấp cho các đơn hàng, chủ yếu của khách Trung Quốc. Một số nguồn tin cho biết giá gạo trắng 25% tấm giảm có lúc xuống thấp hơn giá gạo trắng 100% tấm. Theo S&P Global Platts thì giá 2 loại gạo này hôm 28/2 lần đầu tiên trong lịch sử ngang bằng nhau.
Ngay cả bên ngoài Trung Quốc, các động thái thương mại gạo tấm bất thường gần đây cũng xuất hiện ở châu Á.
Một nhà xuất khẩu Thái Lan ngày 28 tháng 2 thông báo một chuyến tàu chở gạo tấm gần đây đã rời Bangkok đi Mỹ. Nguồn tin xác nhận rằng người mua ở Mỹ Mỹ đang tránh không mua gạo Pakistan và Ấn Độ vì lý do dư lượng thuốc trừ sâu, và hợp đồng mua bán này là "bất thường" vì người mua Mỹ trong trường hợp cần thiết thường đáp ứng nhu cầu gạo tấm của mình bằng cách nhập khẩu từ Brazil.
Yếu tố Ukraine
Phần lớn nhu cầu bất thường này đối với gạo tấm gốc rễ bắt nguồn từ chi phí thức ăn chăn nuôi tăng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung: chủ yếu là ngô và một phần là lúa mì. Giá 2 loại ngũ cốc này tăng vọt xuất phát từ căng thẳng gia tăng xung quanh khu vực Biển Đen trong những tuần gần đây, mà đỉnh điểm là việc Nga thực hiện "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, vì Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn thứ tư thế giới, và Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới – chiếm gần như toàn bộ lượng xuất khẩu của khu vực Biển Đen - Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% xuất khẩu lúa mì và 19% xuất khẩu ngô toàn cầu. Xung đột giữa 2 nước này khiến thị trường dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
Do đó, nhu cầu gạo tấm làm thức ăn chăn nuôi gần như chắc chắn sẽ tăng hơn nữa trong những tuần tới, khi các chuỗi cung cấp bị cắt đứt.
Tính đến ngày 28 tháng 2, dữ liệu của Platts cho thấy giá ngô CFR Đông Bắc Á chạm mức 366 USD/tấn, tăng 42 USD/tấn so với đầu năm 2022 và tăng 71,30 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá lúa mì - chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người, hợp đồng kỳ hạn tương lai (lúa mì xay xát trên sàn Matif – Pháp) giao tháng 3/2022 hôm 24/2 tăng 41,75 Eur/tấn lên 328 Eur/tấn.
Hãy lưu ý rằng giá ngô và lúa mì ở thời điểm hiện tại còn cao hơn nữa, do căng thẳng ở khu vực Biển Đen leo thang, với giá lúa mì trên sàn Chicago hôm 7/3 đạt mức kỷ lục cao nhất 14 năm, là
13,94-1/2 USD/bushel (tăng 41% chỉ trong 1 tuần). Giá ngô phiên 4/7 đạt 7,54-1/4 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 9/2012, so với một tháng trước, giá ngô hiện cao hơn 16%, còn so với cùng kỳ năm trước thì cao hơn 36%.
Giá gạo tấm tăng mạnh theo xu hướng giá ngô.
Bên cạnh đó, do cước phí vận chuyển và giá thức ăn chăn nuôi tăng, các nước châu Á thường xuất khẩu khối lượng lớn gạo tấm và nhập khẩu khối lượng lớn ngũ cốc thức ăn chăn nuôi, chẳng hạn như Thái Lan và Việt Nam. Điều đó cho thấy triển vọng nhu cầu nội địa đối với gạo tấm tại những thị trường này cũng sẽ gia tăng trong những tuần tới để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi.
Chênh lệch giá thu hẹp đáng kể
Trong khi đó, giá gạo tấm xuất xứ châu Á cũng bắt đầu tăng theo đà đi lên giá ngô và lúa mì khi người mua chuyển sang dùng gạo tấm. Ví dụ, gạo trắng 100% tấm của Ấn Độ được ngày 28/2 ở mức 310/tấn, FOB, đã tăng 29 USD/tấn kể từ đầu năm.
Điều đáng quan tâm hơn ở đây là tác động của những vấn đề hiện tại đối với chênh lệch giá giữa các loại gạo nguyên và tấm, với mức chênh lệch thu hẹp đáng kể trong bối cảnh nhu cầu gạo nguyên gần đây khá mờ nhạt. Việt Nam là nước duy nhất không nằm trong xu hướng này, trong khi các nước xuất khẩu lớn khác ở Châu Á đều chứng kiến tỷ lệ chênh lệch giữa gạo trắng 5% và 100% tấm thu hẹp đáng kể.
Với tác động từ những diễn biến gần đây ở khu vực Biển Đen dự báo sẽ còn tiếp diễn, có thể việc gạo trắng 25% và 100% tấm của Pakistan ngang giá nhau sẽ không phải là sự cố chỉ xảy ra một lần, mà có thể là một dấu hiệu của nhiều lần sẽ xảy ra.
Mặc dù đây vẫn là một tình huống rất bất thường, nhưng giá gạo - thường được coi là bị định giá thấp so với các mặt hàng nông sản khác - có thể bắt đầu nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ một ‘động lực’ rất bất thường khác.
Tham khảo: S&P Global