"Lúc anh ấy rơi vào đận khó khăn nhất, đừng ai coi thường nha. Lúc đó sức mạnh của tự tôn, tự trọng sẽ trào lên dữ dội..." - một nhân viên đã đi cùng bầu Đức qua rất nhiều hành trình từ năm 1992 đến nay đưa ra lời nhận định như vậy về ông chủ tịch của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Từ chỗ ngập trong tổng nợ với hơn 35.000 tỷ đồng thời kỳ năm 2016, HAGL đã giảm số nợ về mức 14.400 tỷ đồng vào cuối quý 3 năm nay. Trong đó, nợ ngân hàng giảm tương ứng từ 28.000 tỷ đồng xuống còn hơn 8.600 tỷ đồng. Mục tiêu của bầu Đức là chỉ sau 1-2 năm nữa sẽ trả hết nợ.
Những người từng dõi theo cuộc vật lộn của ông Đoàn Nguyên Đức giữa biển nợ mênh mông đó không khỏi vui mừng khi HAGL công bố đạt lợi nhuận sau thuế 1.115 tỷ đồng sau 11 tháng, tương đương 99% kế hoạch cả năm.
Chèo lái HAGL thoát cửa tử và bước sang trang mới tươi sáng nhất trong một thập kỷ qua, bầu Đức có thể gọi là Doanh nhân của năm 2022. Cộng đồng và cổ đông hào hứng "chúc mừng HAGL thoát nạn" bao nhiêu thì người lao động ở tập đoàn này tự hào bấy nhiêu khi sáng sớm nay, bầu Đức khẳng định:
"HAGL năm nào cũng có thưởng Tết. Kinh doanh dễ cũng thưởng mà khó càng thưởng. Năm nay dù chưa ra quyết định cụ thể nhưng chắc chắn có thưởng và không thể thấp hơn mọi năm".
"Có những lý thuyết hoặc kiến thức từ sách vở đôi khi không thể giải quyết được vấn đề nảy sinh trong các tình huống gọi là vô tiền khoáng hậu" - Ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc HAGL gợi mở câu trả lời khi được hỏi: Trong bối cảnh mất thanh khoản từ năm 2005 - 2015, tập đoàn này đã làm cách nào?
"Theo hướng đơn thuần người ta cho rằng HAGL khi lâm vào hoàn cảnh đó sẽ chỉ làm và trả nợ chứ không bao giờ dám đầu tư gì nữa. Cũng đã có người lo lắng HAGL sẽ ôm vốn đầu tư mạnh bạo để gỡ chứ không trả nợ. Hai hướng đó, chưa bao giờ là lựa chọn của tập đoàn" - ông Trường Sơn kể lại.
Lúc này chính kinh nghiệm thực tiễn mới cho người doanh nhân những phân tích, đánh giá phù hợp với tình thế khó chưa có. Quyết tâm của ông Đức phải là vừa giảm nợ vừa huy động được vốn để đầu tư.
"Ai cũng biết nguyên tắc để thoát được vũng lầy mất thanh khoản là phải giảm nợ càng nhanh càng tốt, nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm vừa làm chưa ráo mồ hôi được một đồng đã phải gom thêm thành hai đồng mang đi trả nợ như anh Đức" – Ông Sơn nói.
Để thoát nợ nhanh trong những năm vừa qua, khoản nào có thể giảm được thì HAGL nhất định, bắt buộc phải trả ngay để đổi lấy sự an toàn và giảm áp lực nhanh nhất cho cả tập đoàn.
Bầu Đức đã từng phát biểu: "Để nợ một ngày cũng phải trả! Cái đó là DANH DỰ". Những năm vừa rồi, bầu Đức làm là để trả nợ với cổ đông, trả nợ ngân hàng, trả nợ tất cả những ai từng tin vào ông ấy.
Nhưng tiền đâu ra khi cả tập đoàn đã mất thanh khoản, ngân hàng hạn chế tín dụng, chứng khoán trong diện kiểm soát và vừa mới được chuyển sang diện bị cảnh báo kể từ ngày 11/10/2022?
"Vẫn là chính sách thắt lưng buộc bụng" - ông Trường Sơn chia sẻ - "Chủ tịch có những nguồn huy động vẫn luôn tin tưởng và ủng hộ anh ấy. Thêm vào đó, đã từng có giai đoạn các anh em quản lý nhận lương xong, thay vì mang về nhà thì đều bảo nhau, thôi để đó trang trải các hoạt động cần thiết của công ty. Và đấy mới chỉ là vài trong số rất nhiều cách HAGL xoay xở tài chính để vượt qua khó khăn".
Trên trang web chính thức, HAGL cho biết bắt đầu tham gia đầu tư ngành chăn nuôi heo từ năm 2020. Năm 2021, tập đoàn đã xây dựng được 07 cụm chuồng trại chăn nuôi heo với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt/năm. Ngay trong năm 2021 doanh thu từ ngành này đã chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu doanh thu của HAGL.
Năm 2021, HAGL ghi nhận 2.230 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 120 tỷ đồng. Trong khi đó, lũy kế đến hết tháng 11/2022, kết quả kinh doanh của tập đoàn này đạt 4.100 tỷ doanh thu và lãi sau thuế 1.115 tỷ đồng, cao nhất kể từ 2015 đến nay. Mặc dù phần lớn lợi nhuận đến từ hoàn nhập dự phòng tài chính thì cũng không thể phủ nhận mô hình "một cây chuối – một con heo" đang đem đến sự khởi sắc.
Trang mới của HAGL bắt đầu từ câu hỏi bầu Đức dành cho một chuyên gia trong năm 2020: "Ông Dai, tui nuôi heo được không ông?"
Thời điểm đó, ông Trần Văn Dai - chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi - người sau này trở thành kiến trúc sư trưởng Chương trình chăn nuôi của HAGL đã trả lời không chút đắn đo: "Nếu anh không làm được là anh dở!"
"Tại sao?" - ông chủ tịch vướng đầy nợ nần gặng hỏi và được chuyên gia giải thích rằng HAGL đang sở hữu rất nhiều lợi thế mà các công ty chăn nuôi thèm khát. Quỹ đất lớn, điều kiện tự nhiên khí hậu ôn hòa, lại cách biệt khu dân cư. Chỉ những điều đó đã thừa sức giúp bầu Đức cạnh tranh với mọi công ty đang chăn nuôi heo ở Việt Nam, chứ chưa nói đến nguyên liệu đặc biệt là chuối.
Trước đây, khi các dự án từ trồng cao su, mía đường, nuôi bò, cọ dầu, chanh leo, ớt hay thanh long... vừa bắt đầu triển khai đã được bầu Đức hồ hởi chia sẻ với truyền thông mà hàng loạt câu "nổ" vẫn được lưu đến ngày nay. Nhưng suốt trong hai năm 2020 - 2021, dự án cây chuối - con heo có rất ít người biết đến, hoặc nếu biết cũng chỉ là những thông tin chung chung mơ hồ.
"Tôi mới xuất hiện cách đây 6 tháng thôi, từ lúc ra mắt sản phẩm với thị trường. Trước đó, anh Ba Đức giấu kỹ lắm. Phải cho đến khi mô hình thành công rồi, thực sự có thể có được giấc ngủ yên rồi anh ấy mới yên tâm kể cho mọi người nghe" - ông Dai cho hay.
Người ta chỉ đơn giản nghĩ bầu Đức trồng chuối, dựng trại nuôi heo nhưng qua lời ông Dai, ông Đoàn Nguyên Đức đã làm rất chi tiết và bài bản.
Chiếm thị phần quá lớn trong ngành chăn nuôi của Việt Nam, các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài được đánh giá là có thế mạnh về vốn, kinh nghiệm quản lý, quy trình chăm sóc, hệ thống quản lý chất lượng... Tuy nhiên, khó nhất trong ngành chăn nuôi là vấn đề dinh dưỡng chứ không phải quy trình.
Thực tế, mọi tập đoàn thức ăn chăn nuôi quốc tế đều có hội đồng khoa học với các chuyên gia hàng đầu trong những lĩnh vực chuyên sâu về dinh dưỡng. Và HAGL đang triển khai đồng bộ cả bốn nội dung cơ bản của một chương trình chăn nuôi bền vững.
Việc thứ nhất - dinh dưỡng. Việc thứ hai là giám sát, phản biện quy trình chăm sóc. Việc thứ ba là xây dựng hệ thống chuyên gia và tổ chức chương trình thú y. Các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm thí nghiệm, kiểm định... đều đang giúp công ty chăn nuôi của tập đoàn rất nhiều. Có vậy HAGL mới vững tin việc thứ tư, kiểm soát phòng và chống dịch bệnh thành công.
Quả chuối đủ tiêu chuẩn được chọn lọc làm hàng xuất khẩu sang các thị trường có nhu cầu cao Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Số còn lại được tận dụng làm thức ăn cho đàn heo khoảng 800.000 con. Một phần chuối được ủ chín cho heo nái ăn, phần còn lại được thái lát, sấy khô và nghiền thành bột. Trong thành phần thức ăn hàng ngày của đàn heo, bột chuối và chuối chín chiếm tới 40%, còn lại là bắp, đậu nành, thảo dược để thay thế kháng sinh.
Việc dùng chuối thải để làm thức ăn cho heo không chỉ giải quyết được nỗi nhức nhối về chi phí xử lý và vấn đề môi trường cho HAGL mà còn là công thức bí mật đem lại biên lợi nhuận lớn trong nuôi heo. "Lúc biết heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được" – Câu nói bị chế giễu nhiều nhất trong năm nay của bầu Đức thực chất đúng là chìa khóa mấu chốt cho mô hình này.
Bầu Đức phân tích, giá thành chuối của HAGL là 6.500 đồng/kg nhưng bán ra 14.000 đồng/kg. Giá heo hơi tính tất cả các chi phí là 43.000 đồng/kg và bán ra giá bình quân 62.000 đồng/kg. Ngoài nuôi heo, HAGL còn đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích trang trại trồng chuối ở huyện Mang Yang.
Chuyên gia Trần Văn Dai khẳng định: "Dịch tả heo châu Phi ASF vốn là bệnh ám ảnh người nuôi heo toàn thế giới, có bệnh là mất trắng. Nhưng HAGL đã xây dựng giải pháp phòng chống dịch với mục tiêu nếu xuất hiện dịch chỉ thiệt hại tỷ lệ phần trăm nào đó chứ không có chuyện bị mất hết cả chuồng".
Làm được những chuyện khó như vậy là bởi vì HAGL đã đầu tư hệ thống phòng xét nghiệm PCR hiện đại bậc nhất, đặt tại Hội sở tập đoàn giữa thành phố Pleiku. Chỉ cỡ sau 4 tiếng đồng hồ từ khi lấy mẫu là ra kết quả, đảm bảo thời gian nhanh nhất để nhận diện ra loại bệnh cụ thể, có biện pháp đáp ứng kịp thời.
"Nhiều người cười nhạo cho rằng anh Đức nói phét - Có điên mới đi trồng chuối nuôi heo! Còn tôi xin khẳng định, với cách đầu tư và quản trị sát sao, bài bản như thế này, anh Đức chỉ có thành công. Và cỡ 2 - 3 năm nữa thôi, chuyện anh trở lại ngôi tỷ phú đô la là chuyện bình thường" - ông Dai nhấn mạnh.
Ông Đức không chỉ thay đổi, kín kẽ hơn trong việc phát ngôn.
4 năm trước, khi HAGL rầm rộ khoe vườn chanh leo, nhiều chuyên gia đánh giá là không thể đi đường dài khi không xây dựng thương hiệu. Chanh leo nhanh chóng biến mất, mà trong năm nay khi kể lại, ông Đức vẫn đánh giá những cây ngắn ngày trồng khi đó là nguồn cứu sống đem lại dòng tiền cho doanh nghiệp.
Nhưng nếu như chanh leo, ớt, thanh long… không thể phát triển thành thương hiệu, thì khi làm heo ăn chuối, ông Đức đã tiến lên làm một chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ trang trại chăn nuôi đến sản phẩm ready to cook với thương hiệu riêng mang tên Bapi. Chuỗi cửa hàng bán thịt thương hiệu Bapi với 2 mô hình Mart và Food đang mở rộng nhanh chóng ở cả 3 miền Bắc – Trung - Nam.
Dù heo Bapi vẫn đang được quan tâm nhờ gắn với thương hiệu cá nhân bầu Đức, nhưng giới chuyên gia nhận định đã thấy sự thay đổi rõ ràng và bài bản của HAGL trong chiến lược dài hơi với lĩnh vực nông nghiệp.
Đã từng có lúc bầu Đức hỏi ông Trần Văn Dai: "Tại sao tôi làm nông nghiệp mấy chục năm mà chưa có sản phẩm gì để nói với thiên hạ?"
Ông Dai nói rằng: "Chương trình heo này tôi mà nghe theo lời anh Đức hết thì chắc cũng chưa có gì để công bố với thiên hạ đâu. Sau rất nhiều lần chấp nhận mình sai và sửa sai, bây giờ, chính cây chuối - con heo mới thực sự trở thành thương hiệu, là tự hào trong suốt hành trình làm nông nghiệp của ông Ba Đức đó".
Và bầu Đức tiếp tục thay đổi.
Theo một tiết lộ, trước đây khó có ai ở HAGL phản biện được bầu Đức. Khi làm bất cứ việc gì, ông Đức cũng thuê chuyên gia tư vấn và học kiến thức của họ, nắm được số liệu quan trọng để tự tin rằng quyết định của mình là đúng nhất. Ông Đức là người quyết định tất cả, "ôm" tất cả gánh nặng và trách nhiệm của HAGL.
Nhưng giờ đây ở tuổi 60, ông đã chuyển giao "quyền lực" cho cộng sự và tin tưởng vào vận hành của họ.
Ít ai biết rằng, ý tưởng xây hệ thống phân phối thịt của HAGL nhằm đạt biên độ lợi nhuận cao nhất đã từng được mang ra bàn bạc. Tuy nhiên các cộng sự của ông phản biện điều này với dẫn chứng HAGL không có thế mạnh và kinh nghiệm để làm mảng phân phối thịt tươi sống.
Sau đó ông Đức quyết định lập công ty con và tìm đối tác để thực hiện việc mở chuỗi phân phối này.
"Giống mỗi cá nhân trong một đội bóng. Mỗi người có một thế mạnh, một phong cách riêng để xử lý quả bóng. Và có lẽ sếp cũng thích anh em cán bộ nhân viên HAGL như vậy" – Ông Trường Sơn nói khi đánh giá về bầu Đức.
Năm 2022, trong khi hàng loạt các doanh nhân Việt Nam phải vật lộn với khó khăn, xoay sở để tồn tại thì bầu Đức và HAGL đã trải qua một năm có thể nói là "tươi sáng" nhất sau 10 năm đầy thăng trầm kể từ khi từ bỏ mảng bất động sản để đầu tư các sản phẩm nông nghiệp. Bầu Đức tuyên bố, HAGL giờ đang tập trung mọi nguồn lực cho công cuộc "đại nông nghiệp". Mục tiêu năm 2023 của vị doanh nhân này là đưa ra thị trường 1 triệu con heo, 10 triệu con gà và 100.000 con bò từ đối tác chiến lược của tập đoàn tại Lào.
Dù vậy, vẫn còn nhiều hoài nghi liệu mô hình kinh doanh hiện tại có thực sự bền vững đưa HAGL bước vào chu kỳ tăng trưởng mới hay không.
"Trong kinh doanh đúng là không ai nói trước điều gì, ai cũng có thể ngã ngựa. Nhưng HAGL đã ngã ngựa rồi nên không để bản thân ngã ngựa một lần nữa" – Ông Đức nói.
Và khi ông Ba Đức biết chấp nhận mình sai rồi sửa sai, trao trách nhiệm cho hệ thống đối tác của mình thì hành trình trả nợ, hành trình vì danh dự của người doanh nhân đầy tự tôn, tự trọng đang thênh thang hơn bao giờ hết!