Chúng tôi xin đăng tải những tâm tư và kiến nghị của ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Không sợ hãi, nếu...
Những ngày qua, chúng ta đã phải chứng kiến những hệ quả nặng nề mà đại dịch đã giáng xuống cho mọi tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt là người lao động thời vụ và các hộ buôn bán nhỏ. Họ thu nhập bấp bênh, nghỉ một ngày làm là xem như tay trắng.
Có nhìn thấy từng ánh mắt thất thần, nghe từng tiếng thở dài nẫu ruột của họ mới thấu hiểu được thế nào là "khủng hoảng".
Chủ doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cũng lâm vào "khủng hoảng" quy mô hơn. Chi phí doanh nghiệp vẫn phải trả, trong khi nhà xưởng không hoạt động, doanh thu không có, lãi ngân hàng vẫn phải nộp đều... Chuyện phá sản là một tương lai chưa bao giờ gần như thế!
Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta sợ hãi. Nếu có một gói giải pháp toàn diện và phù hợp cho từng thời điểm quan trọng, "đưa tay" đến được từng nhóm đối tượng cụ thể cần hỗ trợ, Việt Nam vẫn có thể bình yên chiến thắng trong cuộc chiến với COVID-19.
Cần hành động mạnh mẽ hơn
Vừa qua, Chính phủ đã có những chính sách nhạy bén mà tôi thấy rất ý nghĩa. Trên cơ sở đó, chúng ta cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn nữa để có thể đương đầu một cách lâu dài, hạn chế tối đa những tổn thương có thể xảy ra do suy thoái kinh tế, người dân mất kế sinh nhai.
Là một doanh nhân mang trong mình trách nhiệm với xã hội, trong điều kiện chưa có đầy đủ các số liệu thống kê cho một kế hoạch chi tiết, tôi trăn trở với những giải pháp cơ bản hướng đến ổn định an sinh xã hội và hỗ trợ khẩn cấp cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như các ngành dịch vụ, du lịch...
Theo tôi, Chính phủ có thể triển khai ngay:
1. Đối với chi phí sinh hoạt cơ bản của người dân, lựa chọn áp dụng 1 trong 2 hình thức hỗ trợ khẩn cấp:
Thứ nhất, giảm giá điện 50%, cho nợ 50% còn lại, áp dụng vào 3 tháng được cho là đỉnh điểm khó khăn của mùa dịch là tháng 4, 5 và 6-2020. Khoản nợ 50% tiền điện này sẽ được chia đều thanh toán vào năm 2021.
Hoặc thứ hai, hỗ trợ cho mỗi công dân Việt Nam 1 - 1,5 triệu đồng/người, chia ra nhận làm 3 lần trong tháng 4, 5, 6 nhằm hỗ trợ trang trải cho sinh hoạt phí tối thiểu.
2. Để giảm gánh nặng tài chính cho mỗi cá nhân và gia đình, giãn nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2019 và 2020, thu lại khoản nộp này vào năm 2021 và 2022 (không tính lãi).
3. Hỗ trợ giảm 50% lãi suất ngân hàng cho các khoản vay đến kỳ trả lãi tháng 4, 5, 6-2020 (50% này sẽ được Nhà nước hỗ trợ 25%, ngân hàng giảm 25%) nhằm kích thích nền kinh tế sau đỉnh dịch.
4 Giãn nộp thuế VAT 12 tháng của quý 1, quý 2-2020 và sẽ thu lại trong năm 2021, không tính chậm nộp (loại trừ những ngành nghề không bị ảnh hưởng).
5. Tạm dừng thu các khoản vay của học sinh - sinh viên cho đến 30-9 và không tính lãi quá hạn cho các khoản vay đó.
6. Hỗ trợ doanh nghiệp 50% lãi vay trong tháng 4, 5 và 6-2020 khi vay với mục đích trả lương cho người lao động (khống chế mức lãi vay không quá 7%/năm).
7. Sớm thực hiện việc hoàn thuế cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
8. Quốc hội xem xét sớm điều chỉnh luật theo hướng giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp cho những ngành đang phải chịu tác động mạnh nhất là dịch vụ và du lịch.
9. Đẩy nhanh hơn nữa quy trình xử lý các thủ tục hành chính có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.
10. Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ về dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, đây là chính sách kịp thời.
Tuy nhiên, tôi đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ cần xem xét các ngành nghề khác mà doanh nghiệp cũng chịu tác động gián tiếp, trực tiếp từ đại dịch covid-19 và đặc biệt là các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động...
Họ cũng khó khăn chồng chất do không có đơn hàng, không thể xuất nhập khẩu do thiếu nguyên liệu đầu vào và sản lượng đầu ra, hàng tồn kho tăng...
Có được như vậy thì việc kích thích nền kinh tế và hỗ trợ của Chính phủ mới thực sự đủ mạnh để tránh suy thoái có thể xảy ra sau đại dịch.
"Một miếng khi đói"...
Có thể nhiều độc giả sẽ cho rằng những khoản hỗ trợ, những biện pháp chống đỡ nói trên là quá nhỏ nếu so sánh với nước bạn.
Nhưng chúng ta phải đặt chương trình hành động này trong bối cảnh Việt Nam không phải là siêu cường, nguồn lực dự trữ của quốc gia không đủ lớn. Đây chỉ là "một miếng khi đói" mà thôi, ít ra chúng ta sẽ không để cho một người dân nào phải "đói" vào lúc này! Đó là điều tiên quyết.
Thành lập một quỹ đồng hành
Để cùng với Đảng và Nhà nước gánh vác khoản ngân sách giải cứu rất lớn này, tôi cho rằng nên thành lập 1 quỹ đồng hành, với tên gọi là Quỹ Gia đình Việt Nam, kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế trong xã hội cùng đóng góp tài chính dựa trên khả năng của từng cá nhân, tổ chức.
Với tinh thần tương thân tương ái vốn là nét văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, tôi tin quỹ này như tên gọi của nó, là một gia đình lớn chung lưng đấu cật, là nơi thể hiện được tình cảm của từng thành viên trong gia đình Việt Nam, góp sức mình vào việc giải quyết khó khăn chung của đất nước.
Ngoài ra, Chính phủ có thể huy động thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế, việc hoàn trả sẽ thu từ nguồn giãn thuế của năm 2019 và 2020, đảm bảo sự bình ổn trong vận hành chung của nền kinh tế.