Theo danh sách chính thức được Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) công bố ngày 31/1, có 7 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng tổng cộng 10 trong số 17 gói thầu nhập khẩu gạo 500.000 tấn của Indonesia.
Đặc biệt, có 3 doanh nghiệp lớn của Việt Nam trúng đến hai lô. Trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) trúng lô thầu số 8 và 14, Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng lô số 15 và 16, Tổng công ty Lương thực miền Nam trúng lô số 3 và 9.
Việt Nam là nước duy nhất có nhiều doanh nghiệp tham gia và thắng thầu với số lượng lớn (trên hai lô). Ngoài Việt Nam, chỉ duy nhất một đơn vị thương mại là R&S Trader PTE ở Singapore thắng thầu 3 lô 10, 13 và 17.
Reuters dẫn nguồn tin cho biết gạo Việt Nam đã thắng thầu xuất khẩu sang Pakistan và Indonesia. Các thương nhân cho biết gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 635-640 USD/tấn, tăng so với mức 630 USD một tuần trước.
Giá cũng được hỗ trợ từ biên bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines được ký kết đầu tuần này.
Trong khi đó, Bangladesh sẽ cho phép nhập khẩu gạo bằng cách giảm thuế nếu cần thiết để giảm giá loại ngũ cốc lương thực chính của nước này, Bộ trưởng Thực phẩm Sadhan Chandra Majumdar cho biết.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 25% tấm ở mức 612 USD/tấn, giảm 2 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 639 USD/tấn, giảm 3 USD/tấn. Nguyên nhân khiến gạo Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh là do nhu cầu của thị trường trên thế giới tăng khi nguồn cung bị giới hạn. Đặc biệt sau khi Ấn Độ ban hành ra lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới đã tăng mức kỷ lục.
Tận dụng thời cơ khi nhiều dự báo cho rằng năm 2024, tình hình lúa gạo thế giới vẫn tiếp tục sôi động vì nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu.
"Giá lúa gạo trong năm 2024 và những năm tới vẫn cao. Mở đầu năm 2024, Trung An đã ký 6 đơn hàng với số lượng 1.500 tấn cho 5 thị trường gồm châu Âu, Anh, Malaysia, Dubai và Australia với giá thấp nhất 718 USD/tấn và giá cao nhất là 1.277 USD/tấn, tất cả đều là giá FOB (giá bên cửa khẩu của Việt Nam)", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ.
Cũng trong bản tin của Reuters, giá xuất khẩu gạo đồ từ Ấn Độ tiếp tục tăng kỷ lục trong tuần này, do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu ổn định do giá cao hơn ở các trung tâm khác, trong khi giá gạo Thái Lan giảm do nguồn cung mới ồ ạt từ vụ thu hoạch.
Gạo 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được báo giá ở mức kỷ lục 537 USD đến 546 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 533 USD lên 542 USD của tuần trước.
"Giá (gạo-PV) Ấn Độ đang tăng nhưng vẫn giao dịch ở mức chiết khấu cao so với nguồn cung từ Pakistan và Thái Lan. Mức giảm giá này đang giúp duy trì nhu cầu", một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết.
Xuất khẩu gạo của Pakistan có thể sẽ tăng lên mức cao kỷ lục trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6 do quyết định hạn chế xuất khẩu của đối thủ Ấn Độ buộc người mua phải chuyển sang Islamabad, quốc gia đang bán gạo ở mức giá cao gần 16 năm.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 640 USD đến 658 USD/tấn, giảm từ mức 665 USD/tấn vào tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết giá giảm do vụ mùa mới, nhưng nói thêm rằng gạo Thái Lan không thắng trong các cuộc đấu giá do giá cao.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam đạt 4,6 tỷ USD, tăng 35% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng gấp hơn 10 lần, còn sang Singapore và Ghana tăng lần lượt khoảng 40% và 60%.
Về sản lượng, Việt Nam hiện là nước sản xuất gạo lớn thứ 5 thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới. Sản lượng gạo của Việt Nam đạt hơn 43 triệu tấn, tăng khoảng 2% so với năm 2022. Trong đó, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vượt 8 triệu tấn trong năm 2023 – cao hơn mức khoảng 6-7 triệu tấn những năm gần đây.