Đã thành thông lệ, cứ đầu buổi chiều, ông Nguyễn Kim Bê ở làng Tân Hương xã Tân Sơn huyện Đô Lương lại ôm bì đựng trúm ra đồng để thả. Những ruộng lúa ông chọn để thả trúm là những nơi có nước ngập ít nhất 3 cm.
Khoảng thời gian thả trúm theo ông phù hợp nhất là từ 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều. Sau khoảng thời gian này, đến 9 giờ tốt, số trúm được gom lại để lấy lươn và thả tiếp lứa trúm thứ 2. Rạng sáng hôm sau lại gom trúm về nhà.
Ông Nguyễn Kim Bê ở làng Tân Hương xã Tân Sơn, Đô Lương đang thả trúm lươn. Ảnh Ngọc Phương.
“Mỗi ngày tôi thả 120 cái trúm, số trúm thả này thường được 2kg đến 3kg lươn. Nếu lươn nhỏ bằng ngón tay út bán được 120 ngàn/kg, lươn to bằng ngón tay cái bán được 160 ngàn/kg” - ông Bê vui vẻ chia sẻ.
Nghề thả trúm lươn tuy có vất vả nhưng thường cho thu nhập khá. Ông Nguyễn Công Kỉnh là người có thâm niên trong nghề thả trúm bắt lươn, sau mỗi ngày thả trúm, bán lươn, ông thu về từ 500 đến 600 ngàn đồng. Thả 180 trúm, thu được 5 kg lươn. Trước khi thả trúm, công việc của ông là phải làm mồi nhử lươn thật kỹ và có bí quyết riêng.
“Để làm mồi nhử lươn, tôi phải đào lấy dun đất, ra đồng bắt cua đồng. Sau đó đem về nhà bằm nhỏ. Tỷ lệ dun đất bằm 3 phần, cua 1 phần, bỏ thêm 1 nắm cám. Trộn nhuyễn hỗn hợp này rồi quyệt một lượng vừa phải vào trúm. Cứ mồi này thì lươn chỉ có “nước” chui vào trúm chứ không thoát đi đâu được” - ông Kỉnh khoái chí cười.
Anh Đào Văn Hưng cho biết: "Mồi nhử lươn là hỗn hợp giun đất, cua đồng, bột cám. Mồi được quyệt vào tôi trúm trước khi bỏ tôi vào ống". Ảnh: Ngọc Phương.
Nghề thả trúm lươn thường được những người dân nơi đây chọn từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch, rồi từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Năm có lươn nhiều thì thả trúm đến tận tháng 10. Riêng trong làng Tân Hương có đến gần 10 người làm nghề thả trúm, toàn xã Tân Sơn có đến gần 50 chục hộ làm nghề này.
Những hộ thả trúm nhiều có anh Thiện, anh Điều, anh Sỹ, anh Hiền thả từ 150 đến 170 trúm. Điển hình có anh Đào Văn Hưng ở xóm 3 thả đến 260 trúm, mỗi ngày thu về từ 5kg đến 6kg lươn. Năm nay anh Hưng 36 tuổi, năm 16 tuổi anh đã rành nghề thả trúm lươn.
Nhờ cần cù siêng năng làm nghề thả trúm, cách đây 6 năm, anh mua được thửa đất rộng và làm nhà chính, nhà ngang, trị giá trên 500 triệu đồng.
Anh Hưng cho biết: “Muốn thả được lươn nhiều trước tiên phải chịu khó, phải trau chiếc trúm, trúm phải có mùi mới thu hút được lươn chui vào. Bên cạnh đó, làm nghề thả trúm lươn cũng phải thành thạo từng vùng đồng, bản thân tôi đã đi hết các xứ đồng 33 xã, thị trên địa bàn huyện Đô Lương”.
Ruộng xấp nước là nơi rất phù hợp để đặt trúm. Với phương pháp bắt lươn bằng thủ công vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: Ngọc Phương.
Trúm lươn ở Đô Lương được làm bằng nứa. Ống trúm dài từ 50 đến 70 cm, ở cuối ống trúm được xẻ một rãnh hở dài 10 cm, mục đích để lươn thở sau khi chui vào ống trúm. Riêng tôi trúm là nơi lươn chui vào phải làm thật kỹ và tỉ mỉ. Tùy theo độ to, nhỏ của ống trúm mà làm tôi trúm.
Thường trúm được đan tròn từ 5 đến 7 chiếc nan vót dẹt mỏng và thật trơn miết. Phải đan khít khum lại một đầu để lươn sau khi chui vào không trườn ra được. Đầu trúm dùng dây chun buộc một chiếc que tre nhỏ dài độ 10 cm, khi thả trúm xuống ruộng, người thả thường xoay chiếc que ở đầu trúm để cắm xuống mặt ruộng. Đầu trúm thường hướng ra mặt ruộng, đuôi trúm quay vào bờ.
Mỗi chiếc trúm như vậy thường có từ 1 đến 2 con lươn chui vào, lươn nhiều hay ít cũng tùy và từng ruộng lúa. Những người lành nghề, thường nhìn mặt ruộng là đoán được lươn nhiều hay ít, ruộng có những lỗ sủi nổi lên sẽ có nhiều lươn.
Một mẻ lươn đồng được thu về sau 1 ngày đánh bắt. Ảnh: Ngọc Phương.
Thêm một kinh nghiệm của những người thả trúm ở Đô Lương thường truyền lại, những nơi nào ruộng xấp nước, ban ngày trời nắng, nước mát thì ngày đó chắc chắn sẽ được nhiều lươn. Khoảng cách đặt các trúm chừng 2,5m. Cắm que găm cũng phải chắc chắn, sao cho ngập 2/3 thân trúm, phần cuối trúm hơi chếch lên, mục đích khi lươn chui vào ống có không khí để thở và sẽ không bị ngạt.
Lươn đồng là thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, giá trị của lươn đồng cao hơn hẳn lươn nuôi. Nhờ làm nghề thả trúm lươn mà đời sống những người làm nghề khấm khá. Người dân tận dụng tối đa trong thời vụ nông nhàn. Việc bắt lươn thủ công bằng trúm vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh sống của lươn, không như việc sử dụng kích điện để đánh bắt.