Có rất nhiều người có suy nghĩ rằng, chỉ cần lương cao thì nghề gì cũng sẽ có người làm. Tuy nhiên, vẫn có những ngành nghề vẫn khiến người ta ái ngại khi nghe nhắc đến.
1. Lấy nọc rắn
Công việc này nguy hiểm đúng như cái tên của nó vậy. Y học diệu kỳ đã ghi nhận rằng những loài rắn có nọc càng độc thì dược tính của chúng lại càng cao, vậy nên dẫu cho chỉ sơ sảy dính một nhát cắn là bỏ mạng thì người ta vẫn cứ lao vào làm nghề này với một lý do khá hiển nhiên: thù lao cao ngất ngưởng.
Mức lương cho nghề này thường rơi vào khoảng 30.000 USD/ 1 năm (Khoảng 660 triệu đồng). Con số này có thể không quá ấn tượng đối với nhiều người, thế nhưng cần biết rằng nghề vắt nọc rắn chủ yếu tồn tại ở châu Á, mức thu nhập 30.000 USD một năm thật ra là khá cao.
2. Làm 'mồi' cho muỗi
Đây được cho là công việc hoàn toàn tình nguyện. Cụ thể, các tình nguyện viên sẽ đến các viện nghiên cứu về bệnh dịch để làm 'mồi' cho muỗi. Mục đích của việc nuôi muỗi này là để các nhà khoa học nghiên cứu về khả năng mang virus, vi khuẩn của chúng.
Quá trình nuôi muỗi được diễn ra như sau: Tình nguyện viên sẽ bảo vệ đôi bàn tay của mình bằng cách đeo một chiếc găng tay rồi đưa vào trong một chiếc lồng chứa hàng ngàn con muỗi đang đói ngấu. Lũ muỗi này sẽ cùng nhau 'thưởng thức' bữa tiệc cho tới khi no nê mới thôi.
3. Lặn ống cống
Được trả tới 150.000 USD mỗi năm, nghề đắm mình trong nước thải này không hề dễ chịu chút nào. Bạn cần phải có kiến thức về sinh học, hóa học tốt bên cạnh kỹ năng lặn thượng thừa.
Bởi lẽ nhiệm vụ chính của những người này là sửa chữa đường ống hay tìm lại những đồ vật bị rơi mất.
4. Công nhân xây dựng cầu
Trong suốt nhiều năm liền, công nhân xây dựng cầu được đánh giá là nghề nghiệp nguy hiểm nhất trên thế giới. Trải qua nhiều năm, với các công nghệ tân tiến và những phương pháp đảm bảo an toàn tối ưu hơn, nghề này đã trở nên an toàn hơn khá nhiều. Thế nhưng dù cho có bao nhiêu đai lưng bảo hộ thắt quanh eo đi nữa cũng không thể chống lại được sự thực rằng, nghề này cực kỳ nguy hiểm khi chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể làm bạn rơi từ độ cao hàng chục mét xuống đất tử vong ngay lập tức.
Do tính chất công việc nguy hiểm mà mức lương của nghề công nhân xây dựng cầu khá cao, thường rơi vào khoảng 31.000 tới 70.000 USD/năm (khoảng 670 đến 1 tỷ 500 triệu đồng).
5. Ngửi nách
Chỉ cần nghĩ đến việc, đâu đó có mùi "viêm cánh" thoảng qua là chúng ta đã cảm thấy rùng mình khiếp sợ. Tuy nhiên, lại có những người kiếm sống bằng chính cách ngửi nách người khác. Nghề nghiệp được cho là "kinh dị" này nhằm mục đích kiểm tra chất lượng của những sản phẩm lăn khử mùi và mức lương sẽ rơi vào 50,000 USD/năm (hơn 1 tỷ đồng).
Người phụ trách khâu sản xuất chất khử mùi cho Unilever ở Úc, Peta Jones cho biết, phải thường xuyên ngửi nách người khác, lúc đầu chưa quen còn cảm thấy kỳ kỳ nhưng làm lâu rồi cũng quen.
6. Dọn dẹp hiện trường án mạng
Cảnh sát có nhiệm vụ quét sạch giới tội phạm, nhưng họ sẽ không làm công việc dọn dẹp hiện trường. Thay vào đó, có những nhân viên chuyên đảm nhiệm công tác này.
Nghĩa là họ phải đối mặt với máu me, những mảnh vụn của cơ thể (nếu có) và rất nhiều thứ chỉ thấy trong các bộ phim kinh dị. Dĩ nhiên, họ cũng được đền bù xứng đáng với 600 USD mỗi giờ.
7. Biểu diễn cưỡi bò tót
Nếu có nghề gì nguy hiểm hơn đấu sĩ bò tót, đó chắc chắn là nghề biểu diễn cưỡi bò tót. Thay vì sử dụng kỹ năng khéo léo và một chút xảo thuật để đánh lừa cặp sừng bò tót một cách nhẹ nhàng, đơn giản, nghệ sĩ biểu diễn cưỡi bò đơn thuần phải sự dụng sự tập trung tối đa và một thể lực hơn người để có thể trụ trên lưng bò càng lâu càng tốt. Vậy nhưng chỉ cần một chút sơ suất hoặc không đủ khỏe để trụ trên lưng bò, nghệ sĩ biểu diễn sẽ bị hất văng khỏi lưng mãnh thú, điều này khiến cho các nguy cơ chấn thương xương khớp và thậm chí nội tạng luôn thường trực với nghề này.
Thu nhập của nghề này chủ yếu tới từ việc bán vé ở các hội chợ, tuy nhiên cũng không tệ chút nào. Một nghệ sĩ biểu diễn cưỡi bò tót có thể kiếm được khoảng 107.000 USD một năm, tương đương khoảng 2 tỷ 350 triệu đồng. Nếu xui xẻo ngã bị thương thì sẽ chữa trị mất khoảng một nửa số đó.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)