Cổ phiếu tăng "thần tốc" hơn 2,4 lần sau 1 năm
Là một trong những đơn vị gây "náo loạn" thị trường, VJC của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chính thức lên sàn vào sáng ngày 28/2 năm ngoái với mức giá khởi điểm đã lên tới 90.000 đồng/cp. Không dừng lại, chốt phiên giao dịch đầu tiên, "hãng hàng không bkini" này có tổng cộng 12.030 cổ phiếu khớp lệnh, với mức giá chốt tăng 20% so với giá tham chiếu lên đến 108.000 đồng/cp. Kết quả là, ngay ngày đầu "trình làng", Vietjet Air không chỉ giúp CEO Thảo một bước trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt, mà còn chính thức gia nhập nhóm doanh nghiệp tỷ USD cũng như top 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, đạt 1,43 tỷ USD. "Câu lạc bộ 100.000 tỷ" này gồm những tên tuổi hàng đầu của nền kinh tế như Vingroup, Vinamilk, Vietcombank, Vietinbank, Sabeco…
Lúc bấy giờ, sức hấp dẫn của cổ phiếu VJC không chỉ đến từ việc sở hữu 27 đường bay quốc tế với tỷ trọng 41% thị phần bay trong nước, mà còn bởi chiến lược tư duy khá hiện đại của đội ngũ lãnh đạo. Từ việc đầu tư số lượng đội tàu bay hiện đại thế hệ mới (tiên phong sỡ hữu dòng máy bay Sharklet A320 của Airbus) cho đến tinh thần sẵn sàng đầu tư xây dựng sân bay nếu Chính phủ cho phép; VJC còn "xử lý" nhanh gọn câu chuyện giá cả sân bay đắt đỏ khi cung cấp đồ ăn gần gũi kèm giá tốt trên máy bay. Chưa kể, việc ứng dụng những công nghệ tiện lợi như Zalo tích hợp tính năng đặt vé và theo dõi chuyến bay, Vietjet Air theo đó trở thành sự lựa chọn của hầu hết khách hàng từ trung lưu đến bình dân. Trên lĩnh vực tài chính, VJC cũng nhận được nhiều "cái gật đầu" hài lòng từ giới chuyên gia cho đến giới phân tích, cả những nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau 1 năm nhìn lại, mức vốn hóa thị trường của VJC đã chính thức cán mốc 100.000 tỷ đồng, tương đương 4,5 tỷ USD. Trong 276 phiên, với thanh khoản trung bình khoảng 691.000 đơn vị/phiên, giá cổ phiếu VJC đã tăng gấp hơn 2,4 lần giá tham chiếu chào sàn, hiện ghi nhận 218.000 đồng/cp (chốt phiên 5/4/2018) và trở thành một trong những cổ phiếu được quan tâm nhiều nhất với giá trị giao dịch sôi động, bên cạnh những tên tuổi như VNM, MWG, HPG, VIC…
Giao dịch cổ phiếu VJC sau 1 năm lên sàn.
Đã nóng lại càng nóng hơn
Thực tế nhìn lại, hầu hết những tên tuổi "kèn trống" lớn thuở ban đầu thì thời gian sau lại khó giữ vững phong độ, song với VJC hoàn toàn khác. Tiếp đà 2017, ngay những ngày đầu tiên của năm 2018, VJC trở thành cái tên được xướng lên trong danh mục VN30 cùng với cổ phiếu PLX của Petrolimex. Chưa kể, thứ hạng của nữ tướng Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tăng vọt nhanh chóng, từ 780 hồi đầu năm 2018 đã ghi nhận lên vị trí thứ 766 trong top người giàu nhất thế giới vào đầu tháng 3 vừa qua.
Bà Thảo hiện là Tổng Giám đốc (CEO) hãng hàng không Vietjet Air, đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu lần lượt 28,2 triệu và 92,1 triệu cổ phiếu VJC (thông qua Công ty Hướng Dương Sunny – đơn vị mà bà Thảo sở hữu 100% vốn điều lệ). Bà Thảo còn trực tiếp sở hữu gần 40 triệu cổ phiếu HDB của HDBank.
Ngoài ra, bà Thảo cũng là Chủ tịch Sovico Holdings - đơn vị đang sở hữu 14,7 triệu cổ phiếu VJC (tương đương 4,9% vốn điều lệ VJC) và 130,9 triệu cổ phiếu HDB (tương đương 13,34% vốn điều lệ HDBank). Đó là chưa kể các khoản đầu tư khác của Sovico Holdings cũng như các công ty khác mà bà Thảo đang sở hữu. Việc cổ phiếu VJC liên tục phá đỉnh đã góp phần đẩy tổng tài sản của bà Thảo hiện vượt mức 3,5 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc (CEO) Vietjet Air, đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank.
Về VJC, năm 2017 Công ty đạt gần 42.258 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 53,7% và lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 4.755 tỷ đồng, tăng 75,9% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 4.527 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 10.065 đồng. Mặt khác, đội tàu bay của VJC tính đến nay đã tăng lên 51 tàu, sải cánh với 38 đường bay nội địa và 44 đường bay quốc tế.
Với những kết quả đạt được, VietJet đã đánh tan mối nghi ngại của nhiều người về tốc độ tăng trưởng "thần tốc" năm 2017, cũng như những thách thức đến từ biến động giá dầu. Được biết, VJC sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào sáng ngày 26/4 đến đây tại Tp.HCM.
Dự báo doanh thu VJC tăng trên 30% năm 2018
Nói đi cũng phải nói lại, mặc dù bức tranh khá sáng tuy nhiên VJC vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Theo CTCK Bản Việt (VCSC), có 4 thách thức cho VJC thời gian đến gồm:
1) Tăng trưởng hoạt động quốc tế thấp hơn so với dự báo;
2) nhu cầu không đủ để khai thác hiệu quả số máy bay tăng thêm;
3) giá dầu liên tục tăng mạnh;
4) lãi suất tăng khiến các điều khoản bán và thuê máy bay không có lợi như trước.
Mặt khác, công tác bàn giao máy bay giảm theo kế hoạch cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận 2018, khi mà Công ty dự kiến thực hiện 14 thương vụ bán và thuê lại (SALB), ít hơn so với năm 2017 (17 thương vụ). Do đó, VCSC dự báo lợi nhuận từ việc bán mỗi máy bay sẽ giảm xuống 6 triệu USD từ 6,5 triệu USD năm 2017 do lãi suất và chi phí huy động đối với các bên mua và cho thuê lại tăng.
Song, công ty chứng khoán này ngược lại còn cho rằng 90% mức tăng của chi phí nhiên liệu có thể sẽ được chuyển sang hành khách nếu giá dầu Brent tiếp tục dưới mức 85 USD/thùng. Cùng với việc mở thêm 20 tuyến bay quốc tế và 4 tuyến bay trong nước, qua đó VJC sẽ tăng doanh thu từ vé máy bay năm 2018. Hơn nữa, giá vé trung bình (tính theo doanh thu giá vé/RPK) các tuyến trong nước cải thiện vì VJC không chỉ còn tập trung tăng thị phần trong nước, đồng thời giá vé trung bình (tính theo doanh thu giá vé/RPK) các tuyến quốc tế cũng dự kiến ổn định vì không còn chiết khấu mạnh đối với đa số các tuyến hiện nay.
Tựu trung lại, VCSC đưa ra dự báo doanh thu và LNST 2018 sẽ tăng lần lượt 32,9% lên 56.161 tỷ và 13,8% lên 5.152 tỷ đồng, trong đó LNST cốt lõi dự kiến sẽ tăng 53,9% nhờ VJC tích cực mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế một cách hiệu quả. Về giá cổ phiếu, hiện VJC đã ghi nhận mức tăng trưởng khá nhiều nên tốc độ tăng có thể không còn quá nhanh như trước đó.