Khách quốc tế phục hồi chậm dù Việt Nam đã mở cửa chào đón, khiến các hãng hàng không Việt vẫn chưa hết khó, khi bay quốc tế chiếm tới 2/3 tổng doanh thu các hãng khi chưa xảy ra dịch. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc tế Phục hồi và phát triển ngành Hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới, do Bộ GTVT và Tạp chí Cộng sản vừa tổ chức.
Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, hiện lượng khách quốc tế đi/đến nước ta chưa đạt như kỳ vọng, nhưng tiếp tục tăng. Điều này do một số thị trường khách trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) tới nay vẫn duy trì những hạn chế khác nhau với khách quốc tế để chống dịch COVID-19. Đặc biệt, Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “zero COVID”.
Phải từ ngày 1/6 tới, Nhật Bản, Hàn Quốc mới bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh với khách xuất/nhập cảnh, ông Tuấn kỳ vọng khi đó khách quốc tế tới Việt Nam sẽ sôi động hơn, đặc biệt là khách du lịch. Ông Tuấn dẫn thống kê từ ngành du lịch cho thấy, dự kiến phải tới năm 2025 mới có thể khôi phục lượng khách quốc tế bằng năm 2019.
Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng dẫn thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, khách nội địa đạt hơn 11,5 triệu lượt, bằng 98% cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 4, với hai dịp nghỉ lễ liên tục, nên lượng khách tháng vừa qua vượt 19% so với tháng 4/2019.
Trong khi, thị trường khách quốc tế đi hàng không có tăng nhưng chưa nhiều, mới bằng 7% so với thời điểm năm 2019. Các thị trường khách quốc tế truyền thống, chiếm tỷ lệ lớn đi/đến Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan), trong khi thị trường khách Nga đang tạm “đóng băng”.
Theo Thứ trưởng Tuấn, khi chưa xảy ra dịch COVID-19, doanh thu bay quốc tế góp từ 60 - 65% tổng doanh thu của các hãng, hiện khách quốc tế phục hồi chậm đã ảnh hưởng tới nguồn thu các hãng. Khoảng 30 -35% tổng doanh thu các hãng đến từ hoạt động bay nội địa, nên bay nội địa càng nhiều càng lỗ, đặc biệt với giá nhiên liệu tăng cao hiện nay. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine làm đường bay đi/đến châu Âu phải bay xa hơn làm tốn chi phí. Do vậy, tới nay các hãng vẫn chưa hết khó.
Còn theo ông Đinh Việt Thắng, từ đầu năm tới nay, nhiên liệu bay tăng cao và duy trì trên 160 USD/thùng, chiếm 40% chi phí hoạt động, tạo áp lực rất lớn lên chi phí của các hãng. Hiện các hãng đều chật vật để có dòng tiền duy trì hoạt động. Do đó, ông Thắng kiến nghị Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ về tài chính cho các hãng với gói cho vay lãi suất 0% trong 3 năm, hoặc Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không được vay khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Về giám sát hãng hàng không Bamboo Airways sau khi cựu chủ tịch của hãng - ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, tạm giam, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, hiện vẫn tiến hành giám sát. Hãng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động nên được duy trì hoạt động khai thác bay bình thường. Về tài chính của hãng này, theo ông Tuấn, không riêng Bamboo Airways, các hãng khác cũng khó khăn, thua lỗ, cơ bản chỉ đủ lực để duy trì hoạt động.