Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng 19/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hộị khoá 14.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng... Tóm lại báo cáo nêu nhiều kết quả và không có thông tin về những hạn chế, yếu kém.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội không lạc quan như vậy. Ghi nhận những kết quả tích cực được nêu tại báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lưu ý bảy vấn đề.
Một là, những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới có thể gây tác động khó lường đến tình hình tài chính - tiền tệ trong nước, đặc biệt trong thời gian gần đây đã có những biến động khá lớn về tỷ giá và lãi suất. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao và chuẩn bị các phương án dự phòng để kịp thời xử lý, nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường và kiềm chế lạm phát.
Hai là, việc triển khai chương trình cho vay khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến hạn chế đối tượng được vay vốn theo chương trình. Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn tất và sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp triển khai các chương trình tín dụng phù hợp với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn luật.
Ba là, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 5/2018, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,72% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 6,42%. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu phân loại cho vay bất động sản đúng thực chất, cộng cả cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay sửa chữa nhà, cho vay xây nhà... nhưng thực chất là cho vay bất động sản thì tín dụng lĩnh vực này lên đến 20%.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang xuất hiện một số dấu hiệu "bong bóng" như giao dịch, số lượng, giá cả đất đai tại một số địa bàn tăng nhanh, quy mô lớn hơn, chủ thể dự án nhiều hơn… cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước theo dõi, rà soát và kết hợp các biện pháp thanh tra, kiểm tra về tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này, tránh nguy cơ bong bóng bất động sản, nhất là khi lãi suất đang có chiều hướng gia tăng.
Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của công ty tài chính và hoạt động cho vay tiêu dùng, ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm quy định của pháp luật.
Bốn là, quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém đến nay còn chậm, việc thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia cơ cấu lại các ngân hàng có nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các ngân hàng mua bắt buộc.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai nghị quyết số 42/2017/QH14 do công tác triển khai và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thực tế còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, đặc biệt là liên quan đến công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu.
Do vậy, Chính phủ cần có những giải pháp chủ động và tích cực hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, hạn chế tối đa tổn thất cho Nhà nước.
Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung kết quả xử lý nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình, dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nợ được bảo lãnh.
Năm là, xu hướng phát triển dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ứng dụng ngân hàng di động làm tăng nguy cơ tấn công từ tội phạm mạng. Rất nhiều vụ việc trong thời gian qua khi khách hàng bị truy cập và lấy cắp thông tin cá nhân, trộm tiền trong tài khoản của khách hàng tại ngân hàng.
Do vậy, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc phạm tội, đẩy mạnh phối hợp công tác và chia sẻ thông tin, cảnh báo và triển khai các biện pháp phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Sáu là, gần đây những vụ việc liên quan đến tiền ảo diễn ra phức tạp và gây hệ lụy cho xã hội. Mặc dù không được coi là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, giao dịch tiền ảo (bitcoin) vẫn đang diễn ra và chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành khung pháp lý để quản lý, xử lý các giao dịch liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Trong khi chờ hoàn thiện khung khổ pháp lý, thực hiện công tác rà soát, kiểm tra, xử phạt; thực hiện nghiêm việc cấm sử dụng đồng Bitcoin và các đồng tiền mã hoá khác làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo công chúng trước những rủi ro tiền ảo để hạn chế thiệt hại đối với người dân.
Bảy là, chú trọng và tăng cường hơn nữa hiệu quả của hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, nêu cao trách nhiệm của cán bộ thanh tra trong thi hành công vụ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển dữ liệu và các công cụ giám sát mới để nâng cao khả năng cảnh báo sớm rủi ro.
Trong bối cảnh tình hình tài chính, tiền tệ đang có những diễn biến phức tạp, cơ quan thẩm tra đề nghị đẩy mạnh rà soát và thanh tra đối với việc áp dụng lãi suất của các ngân hàng, việc cho vay khách hàng, đặc biệt vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng và hoạt động.
Thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý sau thanh tra một cách sát sao và chặt chẽ, đảm bảo các kiến nghị, kết luận thanh tra được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, cần xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo giữa các ngân hàng và giữa ngân hàng với doanh nghiệp.