CTCP Skylar - thành viên của BCG Energy vừa công bố thông tin khai thác thương mại năng lượng mặt trời tại khu chế xuất Linh Trung 3, Tây Ninh. Trước đó ngày 29/9/2020, Skylar đã ký kết hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái có công suất 6 MW với Công ty TNHH MTV Gỗ Khang Đạt và 2,3 MW Công ty TNHH MTV Gỗ Sheng He. Quy mô dự án khoảng 8,3 MW với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng đã được hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại sau 3 tháng thi công, lắp đặt.
Được biết, BCG Energy là công ty thành viên trực thuộc Bamboo Capital (BCG). Tháng 3 năm nay, BCG Energy cũng đã ký kết kết hợp tác phát triển điện mặt trời áp mái trên các nhà máy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao tại Tp.HCM, dự kiến giai đoạn 2020-2024 sẽ phát triển ít nhất 300MWp điện.
Trên thị trường, cổ phiếu BCG tăng trần với thanh khoản tăng mạnh trước thông tin dự án mới nhất. Chốt phiên 28/12, BCG giao dịch tại mức 13.650 đồng/cp, tăng hơn 241% so với đầu năm. Cổ đông nội bộ thời gian gần đây cũng liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu, bất chấp thị giá đang ở mức cao trước kỳ vọng tại mảng năng lượng.
Ghi nhận, BCG Energy thời gian qua đã triển khai một số dự án như BCG-CME Long An 1 40,6 MW, BCG-CME Long An 2 100,5 MW và hàng loạt các dự án năng lượng mặt trời áp mái với tổng công suất lên đến gần 50 MW. Dự kiến, ngày 30/12/2020, BCG Energy sẽ khánh thành Nhà máy điện mặt trời VNECO Vĩnh Long với công suất 49,3 MW.
Tính chung cả năm 2020, BCG Energy đã khai thác thương mại hàng loạt các dự án năng lượng mặt trời áp mái trên địa bàn Tp.HCM, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định… với tổng công suất lên đến 43 MW. Bên cạnh đó, Công ty hiện đang sở hữu danh mục các dự án hơn 100 MW đang trong quá trình chuẩn bị để triển khai.
Mục tiêu của BCG Energy là hoàn thành 500 MW năng lượng mặt trời áp mái cho giai đoạn từ năm 2020 – 2024. Trong đó, BCG Energy sẽ tiếp tục triển khai các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau. Năm 2025, BCG Energy kỳ vọng sẽ đưa vào khai thác thương mại các dự án có tổng sản lượng điện lên đến 2 GW.
Về điện áp mái, mặc dù có nhiều lợi ích song những năm trước đây vẫn chưa có nhiều khu công nghiệp sản xuất tiến hành phương pháp này. Nguyên nhân theo người trong cuộc trước hết do lợi nhuận không lớn nhưng vốn đầu tư lại cao. Những năm trở lại đây, nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu áp lực tài chính cho doanh nghiệp được đưa ra như hỗ trợ vốn ban đầu, liên kết cùng làm hoặc cho thuê mái nhà để Hiệp hội thực hiện.
Bởi, năng lượng áp mái sẽ là động lực phát triển và đổi mới, không chỉ giảm thiểu đáng kể lượng khí thải CO2 mà còn hỗ trợ giảm áp lực thiếu hụt điện trên toàn quốc những năm tới. Theo Bộ Công Thương, điện mặt trời áp mái là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải, tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối, ít tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Mới đây, Bộ Công Thương phát động chương trình phát triển năng lượng mặt trời với mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tương đương công suất 1.000 MWp được lắp đặt và vận hành trên toàn quốc.