Chuyên gia nhận định, trong năm 2022, sự thiếu vắng và yếu kém của loại hình nhà ở vừa túi tiền tiếp tục khiến thị trường bất động sản mất cân bằng, ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bất động sản tiếp đà tăng, dân tình vẫn “lùng” mua
Báo cáo thị trường BĐS quý IV/2021 của Chợ Tốt Nhà cho thấy, nhu cầu tìm mua đất nền và đất thổ cư ở hầu hết các tỉnh/thành trọng điểm đều có sức bật sau dịch rất khỏe.
Những thị trường là các tỉnh vệ tinh của TP.HCM có bước sải lớn về số lượt tìm mua đất, với lượt tìm kiếm sau dịch cao hơn cả giai đoạn trước giãn cách, như: Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 182% so với quý III) và Đồng Nai (tăng 134% so với quý IV). Cùng với nhu cầu tăng cao thì giá đất thổ cư ở các địa phương này cũng tăng từ 2% – 6%.
Tại TP.HCM, 3 khu vực có sức hấp dẫn lớn nhất với nhà đầu tư đất nói chung có thể kể đến là quận 12, quận 9 cũ và quận Thủ Đức cũ (TP. Thủ Đức) với mức tăng nguồn cầu so với quý III lần lượt là 2,5 lần; 2,1 lần và 1,9 lần.
Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam (VRES 2021) diễn ra mới đây, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam - bà Dương Thùy Dung cho hay, dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá BĐS của nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, với chung cư, giá bán căn hộ sơ cấp tiếp tục đà tăng trong tương lai. Giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%; giá bán căn hộ sơ cấp tại TP.HCM tăng 17%.
Đối với sản phẩm nhà phố và biệt thự, tại Hà Nội, giá bán biệt thự đã tăng 13%; nhà phố tăng 4%; nhà phố thương mại tăng 3%. Trong khi đó, tại TP.HCM, biệt thự tăng 3%; nhà phố tăng 17%; nhà phố thương mại tăng 6%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó TGĐ Batdongsan nhận định, nhu cầu đầu tư BĐS của người dân trong năm 2022 vẫn rất lớn. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi đơn vị này, 92% người phản hồi cho biết sẽ tiếp tục đầu tư BĐS trong năm sau; 77% có mong muốn mua thêm nhà đất và 44% chọn mua BĐS trong 1-2 năm tới.
92% người phản hồi khảo sát của Batdongsan cho biết, tiếp tục đầu tư BĐS vào năm 2022 |
Thiếu vắng căn hộ vừa túi tiền
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Việt Nam dự báo, trong năm 2022, nếu tình hình không có những biến động nghiêm trọng về dịch bệnh, thị trường BĐS sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2021 cả về nguồn cung mới lẫn sức mua.
Đất nền các địa phương giáp ranh/lân cận TP.HCM (hoặc các tỉnh/thành lớn) vẫn là kênh ưu tiên hàng đầu mặc dù có thể nguồn cung mới sẽ không bằng như những năm trước. Nguyên nhân, nhiều địa phương đang rà soát và siết chặt lại việc phân lô, bán nền.
Căn hộ là phân khúc chủ đạo của thị trường BĐS nhà ở tại TP.HCM và Bình Dương. Còn ở Đồng Nai và Long An, loại hình nhà gắn liền với đất (nhà phố/biệt thự/shophouse) chiếm chủ đạo.
Riêng BĐS thuộc loại hình mặt bằng bán lẻ còn nhiều thách thức do mức giá thuê đã quá cao từ năm 2019 về trước. Trong giai đoạn dịch bệnh và siết chặt giãn cách xã hội, xu hướng mua sắm online được đẩy mạnh, nhu cầu mặt bằng bán lẻ bị hạn chế.
BĐS nghỉ dưỡng phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Rất có thể phải đến năm 2023 ngành du lịch mới quay trở lại như năm 2019 trở về trước và khi đó BĐS nghỉ dưỡng mới sôi động trở lại.
Trong khi đó, BĐS hạng sang và siêu sang tại TP.HCM vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Trái lại, loại hình nhà ở vừa túi tiền ngày càng khan hiếm.
Theo đại diện DKRA, mức giá BĐS nói chung không giảm như nhiều người lo ngại do tác động từ dịch bệnh mà vẫn duy trì ở mức cao, thậm chí tăng nhẹ vì nhiều lý do. Đáng chú ý, loại hình căn hộ siêu sang đã có những kỷ lục mức giá mới khi lên đến 400 - 500 triệu đồng/m2 (tương đương 20.000 - 22.500 USD).
“Tỷ lệ phân hạng căn hộ vẫn bất ổn, thiếu vắng loại hình căn hộ vừa túi tiền, căn hộ hạng A và hạng sang vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Từ dịch bệnh Covid-19, có thể thấy cần phải tổ chức lại không gian đô thị và nhà ở cho người có thu nhập khiêm tốn (nhà ở vừa túi tiền)”, ông Hoàng nói.
Sự thiếu vắng và yếu kém của loại hình nhà ở vừa túi tiền tiếp tục khiến thị trường BĐS mất cân bằng, ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ví dụ, gia tăng đầu cơ mua đi bán lại, mục tiêu phát triển đô thị và diện tích nhà ở bình quân đầu người bị ảnh hưởng.
Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đại diện đơn vị trúng đầu giá lô đất 2,4 tỷ đồng/m2 tại Thủ Thiêm |
Chuyện gia nhìn nhận, thị trường BĐS năm 2022 sẽ vẫn phải đối mặt với thách thức như tin đồn không xác thực, khó kiểm soát, tạo những cơn sốt đất ảo gây ảnh hưởng và làm náo loạn thị trường, thiệt hại cho nhiều người.
Bên cạnh đó, áp lực tăng giá BĐS sẽ rất lớn bởi áp lực lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng (đặc biệt giá đất), nguồn cung chưa được dồi dào,…
Trần Chung