Sóng ngầm tỷ USD
Theo số liệu về danh mục thu hút dự án đầu tư của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), hiện trên địa bàn tỉnh có 128 dự án đầu tư du lịch trong và ngoài nước, tập trung tại các địa bàn Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, TP.Vũng Tàu và huyện Côn Đảo với diện tích 2.704ha, với tổng vốn đầu tư trên 9.100 triệu USD và gần 35.000 tỷ đồng.
Dù ít được nhắc tới như các thị trường BĐS du lịch trọng điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, song BR-VT lại đang là vùng đất mới mà nhiều đại địa ốc đang tìm đến. Trước đó, nơi đây cũng đã có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng thành công như Sixsences Côn Đảo, Oceanami Villas & BeachClub, Sanctuary Hồ Tràm, Hồ Tràm Strip…
Đáng chú ý nhất là Tập đoàn Novaland hiện đang đẩy mạnh đầu tư vào BĐS du lịch đúng như chiến lược mà HĐQT của tập đoàn này đã báo cáo trước cổ đông hồi đầu năm. Bà Rịa – Vũng Tàu đang là một trong những thị trường tiềm năng mà Novaland tìm đến, bên cạnh những địa phương khác như Mũi Né – BìnhThuận, Cam Ranh – Khánh Hòa, Cần Thơ…
Novaland đang đẩy mạnh đầu tư vào BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
Novaland vừa tiết lộ, 2 siêu dự án mà tập đoàn này đang có kế hoạch đầu tư vào BR-VT, đó là Vườn thú hoang dã Safari (huyện Xuyên Mộc) và dự án Khu đô thị sinh thái Tây Nam (cửa ngõ TP. Vũng Tàu). Đại diện của tập đoàn này cho biết, ngay sau khi UBND tỉnh BR-VT có chủ trương chấp thuận cho công ty khảo sát, lập kế hoạch đầu tư 2 dự án này, hiện công ty đang gấp rút nghiên cứu và chuẩn bị trình phương án quy hoạch để có thể báo cáo Thường trực Ủy ban tỉnh BR-VT vào khoảng tháng 11, 12 tới.
Theo ý tưởng quy hoạch của Novaland, vị trí quy hoạch KĐT mới Tây Nam nằm trên QL 51 thuộc phường Long Hương, TP Vũng Tàu (cửa ngõ trung tâm thành phố biển). Dự án này có quy mô lên tới 1.800ha với 400ha là diện tích mặt nước nên Novaland sẽ phát triển một KĐT sinh thái kiểu mẫu tại đây.
Còn với dự án Vườn thú hoang dã Safari có quy mô lên tới 500ha, dự kiến sẽ gồm khu vườn thú, khu công viên nước, khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu khách sạn ven biển, khu thương mại – dịch vụ - ẩm thực…dự án này do Tập đoàn Novaland hợp tác cùng Công ty TNHH Du lịch thương mại Á Đông Vidotour triển khai.
Không chỉ Novaland, tập đoàn BRG cũng vừa mới đề xuất với chính quyền địa phương đầu tư một dự án khu nghỉ dưỡng 12.000 tỷ tại TP.Vũng Tàu. Ý tưởng về dự án Lam Sơn, Bãi Trước đã được tập đoàn này báo cáo lãnh đạo tỉnh BR-VT.
Theo đó, khu đất để phát triển dự án có quy mô khoảng 10,8ha gồm 6 tòa tháp cao tầng đáp ứng khoảng 11.000 cư dân, 4 khách sạn Hilton, Rex, Royal và Condotel với hơn 1.000 phòng để phát triển du lịch; 75 căn biệt thự cao cấp với diện tích 250-300m2/căn hướng biển; 62 căn nhà phố, 2 trường tiểu học, công viên, bể bơi…
Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất siêu dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400ha. Tập đoàn SunGroup cũng đã khảo sát, tìm hiểu dự án nghỉ dưỡng khu vực núi Dinh;
Ngoài ra, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLGL) đã đề xuất đầu tư vào tỉnh này 5 dự án nghỉ dưỡng và khu công nghiệp cảng biển quy mô khá lớn. Theo đó, 5 dự án gồm: dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bình An -Phước Bửu, dự án quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lộc An, huyện Xuyên Mộc; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Suối Ớt, huyện Côn Đảo.
Hưng Thịnh cho biết Tập đoàn này mới đây chi ra cả ngàn tỉ đồng để mua đứt 4 dự án có quy mô khá lớn ngay trung tâm TP. Vũng Tàu.., DIC Corp cũng đang phát triển hàng nghìn căn hộ condotel trên các quỹ đất sẵn có tại TP Vũng Tàu.
Nhiều đại gia nước ngoài cũng đang toan tính tham gia cuộc chơi, đơn cử như Deawoo đang bắt tay với TDH để làm dự án condotel tại Long Hải; Korea Infrastructure Company Limited vừa cho biết sẽ sẵn sàng đầu tư 3,2 tỷ USD vào Vũng Tàu, Tập đoàn W.C.G Worldwide Holdings Inc (Anh quốc), đã thể hiện mong muốn đầu tư một khách sạn 7 sao, villas, sân golf tại Xuyên Mộc…
Nói như ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnhBà Rịa- Vũng Tàu, BR-VT đang điều chỉnh lại quy hoạch chung đến năm 2050, kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch - nghỉ dưỡng lớn đã bị thu hồi trước đây do nhà đầutư không đủ năng lực triển khai. Do đó, nhiều doanh nghiệp lớn như Novaland, Vingroup, Hưng Thịnh Corp, Tuần Châu, Tiến Phước... cũng đang làm việc với tỉnh để tìm hiểu những khu vực có thể đầu tư dự án mới.
105km bờ biển, hạ tầng kết nối vùng…đang biến nơi này thành "mỏ vàng" của BĐS du lịch
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Bà Rịa – Vũng Tàu là dải đất ven biển vẫn còn hoang sơ, hạ tầng, cơ sở lưu trú chất lượng cao chưa phát triển mạnh trải dài 105km đường bờ biển,…cùng với đó là định hướng phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng, đô thị hiện đại của tỉnh đến 2050 đã kéo nhiều đại gia BĐS tìm đến nơi này.
Bà Rịa – Vũng Tàu đang trở thành "thỏi nam châm" thu hút dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn trong và ngoài nước.
Cùng với đó, cả TP Bà Rịa và TP Vũng Tàu đang hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ, kết nối vùng rất thuận tiện với các tỉnh, TP lớn khác như TP.HCM, tạo động lực phát triển mạnh trong tương lai.
Có thể kể tới như việc kết nối với TP.HCM bởi cao tốcTP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng chỉ chừng 100km. Hay cao tốc Bến Lức - Long Thành đang chuẩn bị đưa vào sử dụng sẽ kết nối toàn khu vực miềnTây với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu một cách dễ dàng. Cao tốc Biên Hòa VũngTàu đang gấp rút xây dựng và hoàn thiện.
Đặc biệt, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Xuyên Á, sân bay Quốc tế Long Thành… đã thúc đẩy xu hướng đầu tư đón đầu tiềm năng bất động sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Những lợi thế về giao thông đã biến BT-VT trở thành vị trí chiến lược, phát triển TP biển du lịch hiện đại và sầm uất.