Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các dòng vốn đầu tư mới và các hiệp định thương mại tự do đã thúc đẩy các công ty đa dạng hóa và di dời nhà máy sang thị trường Việt Nam. Việt Nam có lợi thế với nguồn nhân công giá rẻ, tình hình chính trị ổn định và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng toàn cầu nhanh nhất – những yếu tố hấp dẫn này khiến Việt Nam trở thành một môi trường đầu tư hấp dẫn.
Năm 2020, xu thế này vẫn diễn ra mạnh mẽ, tạo kết quả kinh doanh ấn tượng cho các chủ đầu tư khu công nghiệp. Giá cho thuê bình quân theo đó cũng tăng 10% so với cuối năm 2019, bù đắp chi phí phát triển dự án. Theo giới phân tích, nhu cầu cho thuê sẽ tiếp tục tăng cao và theo đó sẽ là một năm khởi sắc cho các khu công nghiệp.
Do ảnh hưởng Covid-19 hạn chế giao lưu, FDI nửa đầu năm đi ngang
Báo cáo thống kê mới nhất từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, dòng vốn FDI đi ngang, dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất, chiếm 71%. Đa số các dòng vốn này đầu tư vào thị trường Hà Nội và Bắc Ninh ở phía Bắc; Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương ở phía Nam.
Ghi nhận, vốn FDI giải ngân là 9 tỷ USD (đi ngang so với cùng kỳ) và vốn FDI đăng ký đạt 16 tỷ đồng, giảm 15%. Ngược lại, Bà Rịa Vũng Tàu và Hải Phòng là hai tỉnh có tốc độ tăng trưởng vốn FDI nổi bật, lần lượt 186% và 41% trong khi các tỉnh khác chứng kiến sụt giảm trong 6 tháng đầu năm.
Áp lực môi trường cạnh tranh đã khiến nhiều công ty đa quốc gia Trung Quốc và nước ngoài di dời nhà máy đến khu vực Đông Nam Á. Quan trọng hơn, nhiều công ty đang tìm cách đa dạng hóa rủi ro kinh doanh do tình trạng leo thang cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Có thể nhận thấy rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam rất tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài và hấp dẫn hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực, dựa trên chi phí lao động rẻ và tình hình chính trị ổn định.
Trong đó, chi phí lao động ước tính của Việt Nam lần lượt bằng 52% và 64% của Trung Quốc và mức trung bình của ba đối thủ cạnh tranh tại khu vực ASEAN là Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Song song, môi trường kinh doanh được cải thiện với xếp hạng thứ 70 vào năm 2019, xếp sau Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. VDSC cho rằng Indonesia, với vị trí đứng thứ 73, là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong việc thu hút FDI.
Giá thuê vẫn tăng
Kể từ tháng 2 năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, tất cả các hoạt động đi lại đều bị hoãn lại, gây khó khăn cho các nhà đầu tư - đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài – khảo sát thị trường hoặc làm việc trực tiếp với chủ đầu tư khu công nghiệp. Nhưng, thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tại khu vực miền Bắc, giá đất trung bình trong quý đầu năm nay đạt 99 USD/m2/thời hạn thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn là những thị trường khu công nghiệp trọng điểm ở khu vực phía Bắc nhờ nguồn cung lớn.
Còn ở phía Nam, hiện trạng khan hiếm quỹ đất là vấn đề chính với tỷ lệ lấp đầy hiện tại ở mức cao trong khi nguồn cung mới còn nhiều hạn chế.
Với sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững mạnh, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty này đang tích cực "bắt tay" liên doanh với chủ đầu tư khu công nghiệp trong nước hoặc trực tiếp mua quỹ đất và tài sản vận hành.
Mặc dù đại dịch Covid-19 có thể gây ra những khó khăn tạm thời, nhưng nhu cầu đất khu công nghiệp vẫn ở mức cao. Giá đất khu công nghiệp trung bình ở miền Nam hiện tại là 106 USD/m2/chu kì thuê, tăng 9,7% theo năm, theo báo cáo của JLL.
Cơ hội cho doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng khai thác
Về phía doanh nghiệp, VDSC duy trì quan điểm tích cực với các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn và sẵn sàng khai thác. Đơn cử, Kinh Bắc (KBC) đang có 900 ha, con số cũng khá hấp dẫn là 1.150 ha với VGC. Những quỹ đất này tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp phía Bắc với vị trí thuận lợi, thuộc các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng. Điều này sẽ giúp KBC và VGC nắm bắt tốt hơn nhu cầu cho thuê từ các doanh nghiệp điện tử và doanh nghiệp sản xuất phụ tùng và linh kiện.
Tại khu vực miền Nam, Becamex (BCM) và Cao su Phước Hoà (PHR) cũng sở hữu quỹ đất công nghiệp lớn, rộng hơn 1.000 ha, nằm chủ yếu ở tỉnh Bình Dương. Khách thuê chính là các doanh nghiệp gỗ, bao gồm cả trong nước và FDI. Ngoài ra, cơ cấu khách thuê cũng rất đa dạng đến từ nhiều ngành bao gồm vận tải, điện, cơ khí, gỗ và hàng tiêu dùng.
Cấn nhấn mạnh, PHR đang dần chuyển đổi từ một công ty sản xuất cao su thiên nhiên sang một nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp với thế mạnh là quỹ đất cao su hơn 15.000 ha, trong đó 10.000 ha sẽ được chuyển đổi công năng sang khu công nghiệp, khu dân cư, nông nghiệp công nghệ cao…
Hay Sonadezi (SZC) cũng đang sở hữu quỹ đất rất lớn và sẵn có tại khu công nghiệp Châu Đức, với diện tích có thể cho thuê còn lại gần 900 ha.