Sân bay Long Thành
Dự án sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ đồng thời là sân bay thứ hai của Thành phố Hồ Chí Minh. Sân bay Tân Sơn Nhất (SGN) được bao kín bởi đô thị phát triển và còn rất ít khoảng trống để có thể mở rộng trong tương lai. Cảng hàng không Quốc tế Long Thành nằm cách trung tâm thành phố khoảng 40 km về phía đông, dự kiến có thể đáp ứng hơn 100 triệu hành khách mỗi năm.
Quy mô Dự án Cảng hàng không Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm 4 đường cất/ hạ cánh (tức 2 cặp đường cất/ hạ cánh), 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ, tổng mức đầu tư 16,03 tỷ USD. Ngoài chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư, phần ứng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 15 tỷ USD.
Việc xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành với diện tích lên tới hơn 5.000 ha và tổng số vốn đầu tư lớn như trên đã khiến nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn về diện tích và tổng vốn khá lớn so với công suất 100 triệu khách nói trên mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra. Nhiều chuyên gia cho rằng diện tích và suất đầu tư của sân bay Long Thành cao hơn nhiều sân bay trên thế giới.
Sân bay Heathrow (Anh) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích 1.227 ha, sân bay Changi (Singapore) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.300 ha, sân bay Barcelona (Tây Ban Nha) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.533 ha, sân bay Frankfurt (Đức) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích 2.300 ha.
Sân bay Phan Thiết
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận, dự kiến trong quý 1/2020, nếu mọi việc tiến triển theo đúng kế hoạch thì dự án sân bay Phan Thiết sẽ được khởi công xây dựng. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Phan Thiết với diện tích 543 ha. Trong đó, trước mắt Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ VND lên hơn 10.000 tỷ VND. Biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ thì Cảng hàng không Phan Thiết là 1 trong 15 cảng hàng không quốc nội trên toàn quốc. Với quy mô cấp 4E, Cảng hàng không Phan Thiết có vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Sân bay Sa Pa
Theo quy hoạch điều chỉnh, Cảng Hàng không Sa Pa là cảng hàng không nội địa với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự được đầu tư xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Cảng Hàng không Sa Pa là sân bay 4C với công suất 3 triệu hành khách/năm; khai thác loại máy bay code C hoặc tương đương với 9 vị trí đỗ máy bay. Tổng mức đầu tư toàn bộ các công trình của ảng hàng không Sa Pa cũng được điều chỉnh từ 5.903 tỷ VND lên 7.110 tỷ VND.
So với quy hoạch chi tiết, mới đây nhiều hạng mục đã được điều chỉnh tăng như: công suất được điều chỉnh từ 1,5 triệu hành khách/năm lên 3 triệu hành khách/năm; diện tích đất sử dụng điều chỉnh từ 261 ha lên 371 ha.
Chiều dài đường băng cất hạ cánh được điều chỉnh từ 2.400 m lên 3.050 m, đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế.
Các sân bay khác được nâng cấp
Một số sân bay nội địa sẽ sớm được nâng cấp để phục vụ các chuyến bay quốc tế trong tương lai. Sân bay Phù Cát - Quy Nhơn hiện chỉ có các chuyến bay nội địa, nhưng Bamboo Airways đang có kế hoạch mở rộng ra phục vụ cả tuyến quốc tế.
Một sân bay khác là sân bay Chu Lai. Nằm cách Hội An 77 km về phía nam và cách Quảng Ngãi 42 km về phía Bắc, Chu Lai hiện chỉ phục vụ các chuyến bay nội địa và sẽ được nâng cấp, được kỳ vọng sẽ phục vụ khách du lịch biển đang phát triển nhanh chóng ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Ngãi.