Sáng 27/8, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Giải quyết tận gốc vấn đề định danh Uber, Grab
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần có độ mở để quản lý các loại hình vận tải mới. Do Luật hiện hành chỉ ghi nhận 5 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, nên cơ quan chức năng buộc phải định danh Uber, Grab vào 1 trong 5 loại hình. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh giữa taxi và những xe hợp đồng điện tử Uber, Grab lại không bình đẳng, Bộ Giao thông cũng đang soạn thảo Dự thảo Nghị định 86 về vấn đề này. Trong khi đó, cái gọi là "hợp đồng điện tử" chỉ là phương thức giao kết hợp đồng và doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng.
"Trong Dự thảo mới, tôi đề nghị không cần phân loại loại hình nào cả. Nếu phân loại thì phải thật rõ ràng, chi tiết. Nhưng làm vậy thì không theo kịp sự kiến bộ của khoa học kỹ thuật và cũng không thể chạy theo các loại hình mới sẽ xuất hiện trong thời đại giao thông thông minh. Do đó, Nhà nước chỉ nên quy đinh chung xe có kinh doanh và không kinh doanh" – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Luật mới cần quy định chặt chẽ các điều kiện kinh doanh. Xe kinh doanh vận tải thì lái xe, phụ xe, phục vụ trên xe phải được đào tạo, trải qua các khóa tập huấn. Tránh tình trạng Luật Giao thông đường bộ đã quy định nhưng Nghị định hướng dẫn lại không nhắc đến.
Ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Vận tải An Vui đề nghị đưa nội dung về "mã số định danh dành cho phương tiện giao thông" vào Luật. Trên cơ sở pháp lý này, Nhà nước có thể tạo ra cơ sở dữ liệu chung, thống nhất quản lý phương tiện. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh cũng sẽ có nơi truy xuất thông tin về xe. Ngược lại, thông tin về hành trình, số thuế cũng được doanh nghiệp cập nhật lên hệ thống của cơ quan chức năng theo thời gian thực.
"Mỗi xe cần có 1 mã số định danh và đó là mã duy nhất. Từ mã số này có thể thu phí không dừng, quản trị hành khách, định vị phương tiện" - ông Phan Bá Mạnh trình bày.
Quy định nào cho xe thông minh?
Ông Phạm Quang Vinh, đại diện công ty FPT cho rằng, Luật mới cần có quy định về phương tiện giao thông thông minh. FPT muốn Bộ GTVT cho phép thử nghiệm xe tự tái của công ty tại khuôn viên công cộng. Hiện nay, Nhà nước chưa có quy định về việc này và xe tự lái của FPT vẫn đang thử nghiệm trong trụ sở công ty.
"Để xe tự lái được hoàn chỉnh, cần có thời gian thử nghiệm vận hành trong nhiều điều kiện. Chúng tôi mong Bộ GTVT cho phép thử nghiệm xe tự lái trong khuôn viên công cộng. Đồng thời, quy định rõ chính sách và bảo hiểm đối với xe điện và xe tự lái, quy định về hệ thống liên lạc,…" – đại diện FPT nêu đề nghị.
Xe lai, vật thể bay là những phương tiện được đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam nhắc đến. Theo ông Ngô Khắc Lễ, Chuyên gia pháp lý của Hiệp hội quy định về màu đối với biển số phương tiện không hẳn là biện pháp tốt trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, trong ngành logistics có những phương tiện chuyên sử dụng trong kho và rất hiếm khi chạy ra ngoài khu vực nhà máy. Nếu quy định màu riêng biệt đối với biển số của xe phục vụ kinh doanh, thì khi phương tiện ra ngoài đường sẽ phải sử dụng một biển số khác, hoặc biển số của xe sẽ có 2 màu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp logistics trên thế giới cũng đã sử dụng những phương tiện vừa đi trên bộ, vừa đi dưới nước, hoặc phương tiện vừa tham gia giao thông đường bộ lại có thể bay lên để giao hàng (drone). Vì vậy, Hiệp hội mong muốn Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định rõ nhưng cần có tầm nhìn xa để phù hợp với tốc độ biến đổi của công nghệ.
Ghi nhận các quan điểm, đại diện Bộ GTVT bày tỏ mong muốn nhận được thêm các ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ GTVT khẳng định, chưa có một phương án nào được lựa chọn và các ý kiến trái chiều đều được lắng nghe. Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã bộc lộ sự lạc hậu sau 10 năm thực hiện và việc sửa đổi là cần thiết để bảo đảm an toàn giao thông, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.