Tại sự kiện công bố chương trình "Cơ hội cho ai?" mới đây, ông Vũ Minh Trí được giới thiệu là CEO CTCP Viễn Thông ASIM, không còn là Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng dịch vụ đám mây của VNG.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Trí đã rời VNG 2 tháng trước đó.
Ông Trí là một yếu nhân quen mặt của giới công nghệ Việt Nam. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, ông chủ yếu là đại diện cho các công ty công nghệ toàn cầu tại Việt Nam, như Yahoo!, Sony Ericsson, Qualcomm và Microsoft.
Vào tháng 7/2012, ông Vũ Minh Trí đã khiến cả giới doanh nhân và công nghệ Việt Nam cảm thấy tự hào khi được chọn vào vị trí Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. Thời ấy, rất hiếm người Việt được các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chọn làm đại diện cho họ tại thị trường Việt Nam. Thậm chí, sau khi ông Vũ Minh Trí từ nhiệm vào năm 2017, Microsoft đã chọn ông Aung San Maung – người Hàn Quốc, thay thế. Hiện người giữ vị trí lớn nhất tại Microsoft Việt Nam là ông Phạm Thế Trường.
Sau khi rời Microsoft, ông Vũ Minh Trí không phục vụ cho các FDI nữa, mà chỉ gia nhập doanh nghiệp trong nước.
Đầu tiên, ông đầu quân cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng – một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam, giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc - phụ trách khối Đại học và Sau đại học. Tuy nhiên, mối duyên của ông Trí và Nguyễn Hoàng khá ngắn ngủi, khi chỉ chưa đầy 1 năm sau, ông đã rời Nguyễn Hoàng và gia nhập VNG.
Sau 1 năm phiêu lưu – thử sức ở lĩnh vực giáo dục, cuối cùng ông đã quyết định quay trở lại lĩnh vực mình am hiểu nhất – công nghệ, khi được VNG bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng dịch vụ đám mây.
Tại thời điểm đó, Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh chia sẻ rằng: 4 mảng trọng tâm của VNG hiện tại và tới đây là nội dung số, Zalo Group, thanh toán và dịch vụ đám mây. Trong đó, thanh toán và cloud services đều là các xu hướng đang "hot" của khu vực và thế giới. VNG có lẽ đã kỳ vọng rất nhiều vào ông Vũ Minh Trí, có thể khiến dịch vụ đám mây của họ kiếm được nhiều tiền như Amazon.
"Bến đỗ" mới của sếp Vũ Minh Trí được tiết lộ trong chương trình Cơ Hội Cho Ai mùa 3.
Asim – ‘bến đỗ’ mới của vị doanh nhân kỳ cựu này có những gì?
Nhìn vào sự nghiệp của ông Vũ Minh Trí, có thể thấy ông toàn đầu quân cho các doanh nghiệp lớn đã thành danh trên thương trường thế giới – Việt Nam; Asim có thể xem là ngoại lệ đầu tiên, khi doanh nghiệp này vẫn là cái tên khá mới trên thương trường.
CTCP Viễn Thông Asim bắt đầu hoạt động từ ngày 24/10/2019, có trụ sở tại quận Tân Bình – TPHCM, với lĩnh vực hoạt động là viễn thông không dây.
Đầu tháng 5/2021, Asim đã ra mắt sim điện thoại tên Local, để chính thức trở thành nhà mạng di động thứ 8 của Việt Nam. Sim Local sử dụng hệ thống hạ tầng của MobiFone, nên sim của họ cũng sử dụng đầu số 089.
Trước Asim, đã có 2 nhà mạng di động ảo ra mắt ở thị trường Việt Nam là ITelecom – thuộc công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom và Reddi – thuộc về công ty Mobicast. Mobicast cũng sử dụng hạ tầng của tập đoàn VNPT. 5 nhà mạng còn lại ở Việt Nam là Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và G-tel.
Hiện Reddi đã bán lại cho Masan.
Bên cạnh app MyLocal, sim Local ngoài nghe gọi như các loại sim thông thường của các nhà mạng Viettel hay Vinaphone, còn có thể cung cấp các gói cước 4G với data lớn giá rẻ - đây chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của ‘tân binh’ này ở thời điểm hiện tại.
So sánh cụ thể hơn, một status trên Fanpage của Local cho biết: có thể xem trọn bộ Squid Game 8 tiếng chỉ cần 1 chiếc điện thoại có sim Local và mua gói cước 4G giá 68.000 đồng. Với từng đó tiền, nếu không có khuyến mãi, chắc chắn trước đây chúng ta không thể xem hết một series phim nhiều tập bằng 3G/4G.
Trên Googel Play, MyLocal.vn giới thiệu họ còn cung cấp các dịch vụ tiện ích khác trong tương lai như: Đặt thuốc online, Đi chợ hộ, Giải trí, Thanh toán dịch vụ, Thanh toán hóa đơn...
Chỉ vài tháng sau khi ra mắt sim Local, Asim cũng đang tuyển nhiều vị trí lãnh đạo cấp trung và chuyên gia như Product Manager, Business Analyst, Senior Copywriter…