Năm 1918 là năm đầu tiên tạp chí Forbes công bố danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Danh sách gồm 30 người nắm giữ khối tài sản lớn nhất nước được lập ra thông qua việc khảo sát các ông chủ ngân hàng ở phố Wall. Nhưng phải từ năm 1982, danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ mới được công bố và theo dõi thường xuyên cho tới nay. Tại thời điểm đó, tổng tài sản của nhóm này là 92 tỷ USD (tính theo giá trị USD hiện tại là 260 tỷ USD).
Sau 4 thập kỷ, những người giàu thì ngày càng giàu lên. Hiện, tổng giá trị tài sản của nhóm Forbes 400 là 4.500 tỷ USD, gấp gần 50 lần so với thời điểm năm 1982, vượt xa mức tăng gấp 3 lần của chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng 36 lần của chỉ số S&P 500 trong cùng giai đoạn.
Cùng điểm qua 4 thập kỷ của “câu lạc bộ” 400 người giàu nhất tại Mỹ.
Năm 1982
Forbes 400 lần đầu được công bố vào năm 1982. Ảnh: Forbes
Tổng giá trị tài sản: 92 tỷ USD (tương đương 260 tỷ USD hiện nay)
Tài sản tối thiểu để lọt vào danh sách: 100 triệu USD
Số lượng tỷ phú: 13
Người giàu nhất: Daniel Ludwig (tổng tài sản: 2 tỷ USD)
Danh sách Forbes 400 lần đầu được công bố vào tháng 9/1982, sau hơn một năm nghiên cứu và phỏng vấn hàng nghìn người khắp nước Mỹ. Đây cũng là một báo cáo chưa từng thấy về giới nhà giàu và quyền lực tại Mỹ. Thời điểm đó, những gia tộc giàu có lâu đời gồm có nhà Rockefeller, Mellon và du Pont. Bên cạnh đó, cũng có những cái tên mới nổi như Sam Walton (người sáng lập Walmart), Steve Jobs (người sáng lập Apple)… Thậm chí cả những cái tên bị coi là giàu lên bất hợp pháp như Meyer Lansky, Robert Vesco.
Trong đó, người giàu nhất là Daniel Ludwig, người âm thầm gây dựng khối tài sản 2 tỷ USD nhờ kinh doanh bất động sản và đóng tàu.
Khi danh sách Forbes 400 được công bố, ông Ludwig từ chối đưa ra bình luận. Tuy nhiên, ông Donald Trump, một trùm địa ốc có tiếng lúc đó, phản đối danh sách, cho rằng ông và cha mình sở hữu tài sản gấp đôi của Ludwig. Hai vị tỷ phú truyền thông Malcolm Borg và Donald Reynolds cũng tỏ khá không hài lòng với thứ hạng của mình trong danh sách này.
Năm 1990
Năm 1990, Donald Trump rơi khỏi Forbes 400. Ảnh: Forbes
Tổng giá trị tài sản: 272,5 tỷ USD (tương đương 560 tỷ USD hiện nay)
Tài sản tối thiểu để lọt vào danh sách: 260 triệu USD
Số lượng tỷ phú: 66
Người giàu nhất: John Kluge (tổng tài sản: 5,6 tỷ USD)
Kể từ những năm 1980, tổng giá trị tài sản của những người trong danh sách bắt đầu tăng đều đặn, với giá trị tối thiểu để lọt vào danh sách tăng vọt lên ngưỡng 275 triệu USD. Tuy nhiên, năm 1990 cũng là năm chứng kiến sự thay đổi lớn của Mỹ khi quốc gia này rơi vào suy thoái. Giá trị tối thiểu để lọt vào danh sách người giàu nhất nước Mỹ lần đầu tiên bị hạ xuống còn 260 triệu USD. Vào năm này, mọi thứ từ địa ốc, truyền thông, ngân hàng, chứng khoán… đều đi xuống.
Đây cũng là năm ông Donald Trump lần đầu tiên tuột khỏi danh sách khi phải gánh những khoản nợ khổng lồ từ việc mua trái phiếu rủi ro cao. Theo thống kê của Forbes khi đó, tổng cộng 243 người giàu có của Mỹ đã ghi nhận mức tổng tài sản suy giảm so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn có 24 người lần đầu tiên lọt vào danh sách, trong đó có ông trùm ôtô Roger Penske Steve Ballmer, người sau này là CEO Microsoft.
Ảnh hưởng của cuộc suy thoái cũng nhanh chóng qua đi và Forbes 400 sớm đón làn sóng đổ bộ của các tỷ phú công nghệ mới nổi.
Năm 1999
Forbes 400 năm 1999 với sự gia nhập của nhiều tỷ phú công nghệ. Ảnh: Forbes
Tài sản tối thiểu để lọt vào danh sách: 625 triệu USD
Tổng giá trị tài sản: 1.000 tỷ USD (tương đương 1.600 tỷ USD hiện nay)
Số lượng tỷ phú: 268
Người giàu nhất: Bill Gates (tổng tài sản: 85 tỷ USD)
Khi thế giới bắt đầu số hóa, một thế hệ tỷ phú mới nổi lên. Tổng giá trị tài sản của các thành viên trong Forbes 400 đã tăng lên 1.000 tỷ USD với những nhân vật trẻ tuổi như Bill Gates, Paul Allen và Michael Dell giữ vị trí dẫn đầu. 1/3 những người mới gia nhập danh sách vào năm 1999 đến từ lĩnh vực công nghệ. Những tỷ phú như Bill Gates, Mark Cuban, Pierre Omidyar (người sáng lập eBay), Pierre Omidyar (đồng sáng lập Yahoo)… đã thay thế thế hệ tỷ phú trước đây, bao gồm nhóm những người thừa kế của du Pont, Heinz hay Campbell. Một nhân vật đáng chú ý khác là Ty Warner, người gây dựng được khối tài sản 5 tỷ USD nhờ sáng tạo ra những món đồ chơi Beanie Baby càn quét khắp nước Mỹ.
Tuy nhiên, bong bóng dot-com vỡ vụn năm 2002 đã thổi bay hàng tỷ USD tài sản của các thành viên Forbes 400. Một số người đã rớt khỏi bảng xếp hạng vĩnh viễn như Monte Zweben, người đã mất 98% tài sản trong vòng chưa đầy một năm khi cổ phiếu của công ty phần mềm mới niêm yết của ông rớt giá không phanh. Hai năm sau, John Little, người đã lên trang bìa của Forbes năm 1999 cũng tuột khỏi bảng xếp hạng khi công ty phần mềm Portal của ông phá sản.
Năm 2006
Năm 2006, lần đầu tiên danh sách Forbes 400 chỉ có những thành viên có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên. Ảnh: Forbes
Tài sản tối thiểu để lọt vào danh sách: 1 tỷ USD (tương đương 1,4 tỷ USD hiện nay)Tổng giá trị tài sản: 1.250 tỷ USD (tương đương 1.700 tỷ USD hiện nay)
Số lượng tỷ phú: 400
Người giàu nhất: Bill Gates (tổng tài sản: 53 tỷ USD)
Năm 2006, Forbes không còn chỗ cho các triệu phú USD. Khối tài sản của 400 thành viên lên tới 1.250 tỷ USD, tăng mạnh nhờ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Các tỷ phú dầu mỏ như Aubrey McClendon và Tom Ward đều có mặt trong danh sách. Ngoài ra, danh sách còn có Howard Schultz của Starbucks và Richard Fuld, CEO ngân hàng Lehman Brothers.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, nổ bong bóng địa ốc đẩy kinh tế Mỹ rơi vào cuộc suy thoái lịch sử. Ngập trong nợ xấu, ngân hàng Citigroup mấp mé bờ vực phá sản, kéo theo cựu Chủ tịch Sandy Weill ra khỏi danh sách. Ông trùm địa ốc như Harry Macklowe - người từng mua 7 cao ốc ở New York với giá 7 tỷ USD – cũng ngập trong nợ nần và buộc phải bán bớt tài sản để trả nợ. Từ đó Harry Macklowe cũng chưa lần nào trở lại Forbes 400.
Năm 2010
Tổng giá trị tài sản: 1.370 tỷ USD (tương đương 1.700 tỷ USD hiện nay)
Tài sản tối thiểu để lọt vào danh sách: 1 tỷ USD (tương đương 1,25 tỷ USD hiện nay)
Số lượng tỷ phú: 400
Người giàu nhất: Bill Gates (tổng tài sản: 54 tỷ USD)
Forbes 400 năm 2010. Ảnh: Forbes
Sau cú lao dốc năm 2009, tài sản của ông Bill Gates sụt 7 tỷ USD, còn huyền thoại đầu tư Warren Buffett mất 10 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khối tài sản của những người giàu nhất nước Mỹ gia tăng nhanh chóng. Chỉ tính riêng trong năm này, khối tài sản của họ đã tăng thêm khoảng 8%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng chỉ 1% của chỉ số S&P 500.
Cũng trong năm 2010, Forbes 400 có thêm 16 gương mặt mới, trong đó có người đồng sáng lập Facebook Eduardo Saverin (nhờ thỏa thuận pháp lý với Mark Zuckerberg) và Elaine Wynn (nhờ thỏa thuận ly hôn với Steve Wynn).
Năm 2015
Forbes 400 năm 2015. Ảnh: Forbes
Tổng giá trị tài sản: 2.340 tỷ USD (tương đương 2.700 tỷ USD hiện nay)
Tài sản tối thiểu để lọt vào danh sách: 1,7 tỷ USD (tương đương 2 tỷ USD hiện nay)
Số lượng tỷ phú: 400
Người giàu nhất: Bill Gates (tổng tài sản: 76 tỷ USD)
Năm 2015 chứng kiến dòng tiền lớn từ các tỷ phú tài trợ cho lĩnh vực chính trị. Theo ghi nhận của Forbes, 83 tỷ phú trong Forbes 400 đã tài trợ cho các chiến dịch tranh cử tổng thống, trong đó, bà Hillary Clinton được ủng hộ nhiều nhất (33 tỷ phú), theo sau là Marco Rubio (21 tỷ phú) và Jeb Bush (19 tỷ phú).
Thế nhưng, thay vì tài trợ cho các chiến dịch tranh cử, một tỷ phú trong Forbes 400, ông Donald Trump, đã có một hướng tiếp cận mới: tuyên bố tranh cử tổng thống. Khi đó, ông cho rằng mình sở hữu tài sản 10 tỷ USD, thay vì 4 tỷ USD như ước tính của Forbes. Theo thống kê của Forbes, tổng tài sản của ông Trump khi đó là 4,5 tỷ USD, giúp ông đứng ở vị trí 121 trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ.
Năm 2021
Tổng giá trị tài sản: 4.500 tỷ USD
Tài sản tối thiểu để lọt vào danh sách: 2,9 tỷ USD
Số lượng tỷ phú: 400
Người giàu nhất: Jeff Bezos (tổng tài sản: 201 tỷ USD)
Sam Bankman-Fried, 29 tuổi, là một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất từng lọt vào Forbes 400. Ảnh: Forbes |
Cuộc cạnh tranh để giành được một vị trí trong danh sách Forbes 400 trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Một số thành viên lâu năm như Oprah Winfrey và Donald Trump đã tuột khỏi danh sách.
400 người giàu nhất tại Mỹ hiện nắm giữ 4.500 tỷ USD, gấp 50 lần so với thời điểm năm 1982. Kể cả sau khi điều chỉnh theo mức lạm phát 1.600%, tổng tài sản của Forbes 400 năm 2021 vẫn nhiều hơn 4.200 tỷ USD so với năm 1982. Trong khi đó, tài sản bình quân của các hộ gia đình Mỹ chỉ tăng 23% trong cùng giai đoạn.
Ngôi giàu nhất tại Mỹ cũng đổi chủ từ Bill Gates sáng Jeff Bezos, người sáng lập đế chế thương mại điện tử Amazon, với tài sản 201 tỷ USD.
Đặc biệt, danh sách Forbes 400 năm nay ghi nhận sự gia tăng bất ngờ của các tỷ phú tự thân, chiếm tới 70,5% danh sách thành viên, so với con số 37% của năm 1982. Nhiều cái tên cũ cũng bị thay thế bởi sự xuất hiện của những tỷ phú mới, với 44 gương mặt lần đầu tiên lọt vào danh sách như nhà sản xuất xe điện RJ Scaringe, người đồng sáng lập Robinhood Baiju Bhatt và 6 tỷ phú tiền kỹ thuật số, nổi bật là Sam Bankman-Fried với khối tài sản 22,5 tỷ USD. Sam Bankman-Fried 29 tuổi và là một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất từng lọt vào Forbes 400 từ trước tới nay.