Dù đến nay đã 15 năm kể từ ngày được cấp phép, nhưng dự án Công viên Sài Gòn Safari, vẫn chưa thành hình hài và diện tích đa phần hiện hữu là cỏ mọc để cho trâu bò gặm.
Vừa qua, tại nhà văn hóa xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP. HCM), Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Thảo Cầm Viên mới (còn gọi là Công viên Sài Gòn Safari).
Dù đến nay đã 15 năm kể từ ngày được cấp phép, thế nhưng dự án Công viên Sài Gòn Safari với mục tiêu công viên du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á vẫn chưa thành hình hài và diện tích đa phần hiện hữu là cỏ mọc để cho trâu bò gặm.
Ông Trần Văn Mây, Cục trưởng Cục 3, Thanh tra Chính phủ chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra. Cùng tham dự có 171 hộ dân bị ảnh hưởng và đang khiếu nại thuộc dự án và đại diện các ban, ngành, đoàn thể huyện Củ Chi (TP. HCM).
Nhiều sai phạm tại dự án Thảo Cầm Viên mới (còn gọi là Công viên Sài Gòn Safari) đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh về việc lập đồ án quy hoạch dự án cho đến khi hoàn thành và phê duyệt từ năm 2004 – 2007 là thời hạn quá dài. Mặt khác, kết quả kiểm tra 705 hồ sơ đền bù có tới 578 trường hợp đền bù không đúng với số tiền 104,74 tỷ đồng. Bởi lẽ, phương án giá bồi thường mà huyện Củ Chi trình lên và UBND TP.HCM duyệt (phương án số 99) có đặt ra tiêu chí "Đất vườn gò tự nhiên trong khu dân cư", đơn giá 150.000 đồng/m2, cao gấp đôi đất trồng cây lâu năm đã có hệ số K, không đúng quy định pháp luật thời điểm đó. Tiêu chí này áp dụng với đất ở ngoài hạn mức 300m2.
Theo kết luận, UBND TP ban hành quyết định phê duyệt thì áp dụng "Đất vườn gò tự nhiên trong khu dân cư" bồi thường 150.000 đồng/m2. Nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn còn trên 10 hộ chưa nhận bồi thường, chưa giao đất, còn khiếu nại. Bên cạnh đó, kết luận cũng chỉ ra các sai phạm, thiếu sót trong việc quy hoạch, giao đất, thu hồi đất, triển khai dự án này.
Trong một số nguyên nhân dẫn đến người dân khiếu nai, khiếu kiện kéo dài là vấn đề là họ sẽ tái định cư ở đâu. Cụ thể, diện tích đã bàn giao từ Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi sang Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư dự án) là 403,45 ha, nhưng trên thực tế UBND huyện Củ Chi và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã không quản lý được toàn bộ diện tích này.
Hiện nay, trên diện tích đất để triển khai dự án có 66 hộ dân tranh thủ trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi. Trong một số nguyên nhân dẫn đến người dân khiếu nai, khiếu kiện kéo dài là vấn đề là họ sẽ tái định cư ở đâu sau khi giải phóng mặt bằng nên người dân chưa chịu bàn giao đất. Để sự việc này xảy ra theo Thanh tra Chính phủ là do Chủ đầu tư không triển khai xây dựng được khu tái định cư cho người dân, vì trước đó UBND TP. HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 1 quy mô 18 ha với tổng mức đầu tư gần 178 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2013 – 2016.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố giai đoạn từ 2001- 2006” chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý theo quy định trong việc giao đất, triển khai dự án. Được biết, Dự án Công viên Sài Gòn Safari có quy mô lớn, diện tích đất phải thu hồi lên tới 456,85 ha, là dự án trong lĩnh vực văn hóa, du lịch nhưng UBND TP. HCM giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án, trong khi Công ty này không đủ năng lực thực hiện.
Được biết, dự án Công viên Sài Gòn Safari có chủ trương xây dựng từ năm 1996, dự kiến ban đầu triển khai ở Quận 9 nhưng sau đó chọn địa điểm ở huyện Củ Chi, trên địa bàn xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây, với tổng diện tích đất 485,35ha do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư. Dự án này chính thức được cấp phép từ năm 2004.
Mục tiêu của dự án Công viên Sài Gòn Safari là xây dựng công viên du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loài động vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay sau gần 15 năm dự án vẫn chưa thành hình hài và diện tích đa phần hiện hữu là cỏ mọc để cho trâu bò gặm. Trong khi đó, có đến 705 hộ đã phải chịu thiệt hại khi dự án bị treo trong một khoảng thời gian dài.