Vào buổi tối, băng qua cánh đồng trồng bắp cải và mía, hướng về phía Tây, bạn sẽ nhìn thấy ánh đèn neon rực rỡ hiện ra ở đường chân trời. Khi bạn gần tới cuối cánh đồng, tiếng ù ù của hệ thống máy lọc không khí hiện ra ngày càng rõ. Phía sau hàng rào thép là 5 tòa nhà nổi bật trong màn đêm, sử dụng lượng điện đủ để thắp sáng cả 1 thành phố nhỏ.
Khu này còn có 1 nhà máy đang được xây dựng. Đã 11 giờ đêm nhưng công việc ở công trường xây dựng nhà máy thứ 6 của khu phức hợp vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và được canh gác khá nghiêm ngặt. Tòa nhà rất rộng, đạp xe quanh đó mất 10 phút còn đi bộ có thể mất cả tiếng.
Trừ khi bạn làm việc trong ngành chip bán dẫn hoặc trong một số ngành liên quan, nhiều khả năng những chữ cái sáng choang trên mái nhà máy – TSMC – sẽ có ít ý nghĩa hơn hẳn so với 29 công ty còn lại trong danh sách 30 công ty niêm yết giá trị nhất thế giới. Nhưng sự thực là Apple (công ty giá trị vốn hóa lớn thứ hai thế giới, ở mức 1.000 tỷ USD), Alibaba (thứ 7, với 458 tỷ USD), Visa (thứ 9, giá trị 380 tỷ USD), Disney (thứ 21, giá trị 249 tỷ USD) và nhiều công ty khác sẽ không thể được như ngày nay nếu không có công ty đứng ở vị trí thứ 26 với giá trị vốn hóa 228 tỷ USD: Taiwan Semiconductor Manufacturing Company – TSMC.
Không giống như hầu hết các ông lớn công nghệ khác, TSMC không trực tiếp bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cho số đông. Những nhà máy sản xuất của TSMC cung cấp một lượng lớn các con chip hiệu suất cao – linh hồn của nhiều sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao của thế giới hiện đại. Những chiếc điện thoại di động, chợ điện tử, thẻ thông minh, dịch vụ truyền hình trực tiếp video... tất cả đều phụ thuộc vào những con chip như vậy.
Sở hữu 90% thị trường chip cao cấp do bên thứ 3 sản xuất, TSMC hiện đang thống trị quy trình sản xuất hệ thống cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng trong thế giới hiện đại, bằng cách xử lý sản phẩm ở mức độ chính xác mà không công ty nào có thể bắt kịp. Đóng vai trò quan trọng đối với các ngành công nghệ cao của cả Mỹ và Trung Quốc, TSMC tác động đến cả những vấn đề địa chính trị cấp cao nhất.
Những con chip bán dẫn giống như các ma trận gồm rất nhiều linh kiện (ví dụ như các bóng bán dẫn) được ép vào một miếng silicon. Theo định luật Moore (đặt ên theo Gordon Moore, một trong những nhà sáng lập của Intel), hiệu suất của các con chip sẽ tăng lên bởi vì để làm ra chip tốt hơn và rẻ hơn chỉ cần thu nhỏ kích thước của các linh kiện. Tuy nhiên, tạo ra những con chip siêu nhỏ sẽ cần đến cơ sở hạ tầng siêu tốt.
Theo kế hoạch, trong năm nay, Fab 18, nhà máy đang xây dựng của TSMC được nhắc đến ở phía trên, sẽ bắt đầu sản xuất chip cho những chiếc iPhone mới. Những con chip này có thể ép hơn 170 bóng bán dẫn vào mỗi milimet vuông trên tấm silicon, tạo ra những cấu trúc có kích thước 5 nanomet – nhỏ hơn 1.000 lần so với 1 tế bào máu và chưa bằng 1/10 kích thước của virus HIV. Fab 18 trở thành nhà máy đắt đỏ nhất từng được xây dựng trên thế giới, với số tiền bỏ ra vào khoảng 17 tỷ USD. Nhà máy tân tiến của Tesla ở Thượng Hải cũng chỉ đắt bằng 20% con số đó.
Chi phí khổng lồ để xây dựng các nhà máy như fab 18 cùng với những công việc phức tạp mà nhà máy này xử lý khiến những người chưa có kinh nghiệm sẽ dễ dàng thua cuộc. Và kể cả nếu công ty nào đó có thể bắt kịp năng suất hiện nay của TSMC, hãng cũng sẽ dễ dàng nhân rộng quy mô sản xuất và cho đối thủ "hít bụi".
Khi TSMC được thành lập năm 1987, đây không phải là nhà sản xuất chip duy nhất mà các công ty có thể hợp tác. Nhưng vì các con chip nhỏ hơn cần đến những nhà máy đắt tiền hơn và năng suất hơn, số lượng các công ty có thể tự làm ra con chip của riêng mình sụt giảm và hoạt động sản xuất theo hợp đồng tăng trưởng mạnh.
Sau đó smartphone ra đời. Những công ty sản xuất điện thoại hàng đầu đều muốn tối ưu hóa các con chip của họ và tích hợp chip vào phần còn lại của bảng mạch điện thoại thay vì mua chip đa dụng từ những công ty như Intel. Nhưng vì không phải là 1 công ty sản xuất chip, họ cần đến ai đó sẵn sàng sản xuất theo yêu cầu riêng. Do đó TSMC đã trở thành nhà cung ứng quan trọng cho hai trong số những công ty công nghệ lớn nhất thế giới: Huawei và Apple. Mỗi công ty hiện đóng góp hơn 10% tổng doanh thu của TSMC.
Tuy nhiên thành công trên phạm vi toàn cầu cũng mang đến vấn đề mới. Morris Chang, nhà sáng lập của TSMC, từng thừa nhận rằng khi mà thế giới không còn yên bình, TSMC cũng mắc kẹt trong những tình thế khó xử. Làng công nghệ châu Á đang bàn tán nhiều hơn về 1 thế giới bị phân chia thành 2 cực Mỹ - Trung, trong đó chuỗi cung ứng sẽ bị phân tách làm 2 nhánh và sau đó nhân đôi lên. Nhưng rõ ràng nhân rộng mô hình như TSMC là điều không hề dễ dàng.
Tham khảo Economist