Khi lòng tham vấp phải thực tế phũ phàng và bong bóng tài chính vỡ tan, những nhà đầu tư chuyên nghiệp trên phố Wall thường thừa nhận rằng họ đã cảm nhận được ngày tàn sắp đến. Theo họ, những dấu hiệu cảnh báo đều rất quen thuộc, đến nỗi rất khó để tin rằng có ai đó có thể không nhận ra. Tuy nhiên sự thực là lịch sử vẫn cứ lặp lại.
Những ngày này, giới tài chính Mỹ lại đang xì xào về điều tương tự. Lần này, chủ đề được nói đến là một trong những cỗ máy "vơ vét" tiền lớn nhất của thế giới kinh doanh: các công ty SPAC.
Là những công ty vỏ bọc được niêm yết trên sàn chứng khoán, các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC – special purpose acquisition companies) được thành lập chỉ với 1 mục đích: để sáp nhập với các doanh nghiệp thật, thực sự làm ra tiền. 15 tháng qua đã có tới 474 SPAC ra đời, tổng cộng họ đã huy động được 156 tỷ USD. Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia vào phong trào này, từ các ngôi sao trong giới thể thao như Alex Rodriguez và Shaquille O’Neal; cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đến ông trùm quỹ đầu tư Michael Klein.
Tờ Businessweek gọi làn sóng SPAC hiện nay là sự kết hợp giữa "sói già phố Wall" và những "tay mơ" giống như các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã thổi giá cổ phiếu GameStop thời gian vừa qua. Và ở thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa thể biết liệu SPACs sẽ là 1 phát minh vĩ đại sẽ thay đổi hoàn toàn cách vận hành của thế giới tài chính hay đó chỉ là 1 quả bong bóng.
Gần đây có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp cảnh báo cơn sốt SPAC sẽ đem lại kết cục bi thảm cho cộng đồng. Câu hỏi là khi nào điều đó xảy ra và câu chuyện sẽ tồi tệ đến đâu. Ngày càng có nhiều thành viên của hệ sinh thái SPAC – 1 ma trận gồm các quỹ đầu cơ, quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân, ngân hàng, luật sư và đủ loại những người ủng hộ mô hình này – nhận thấy cơn sốt đang bắt đầu đi quá đà.
Gần đây Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đã đưa ra một vài cảnh báo. Trong thế giới SPAC, 1 bên là những người đang dồn dập tạo ra các SPAC và giàu lên nhanh chóng, còn bên kia là những người háo hức mua vào cổ phiếu của các SPAC với niềm hi vọng sẽ đổi đời.
SPAC là gì?
SPAC thực chất là 1 công ty vỏ bọc được thành lập bởi 1 nhóm nhà đầu tư với mục đích duy nhất là huy động tiền thông qua IPO để cuối cùng sẽ thâu tóm 1 công ty khác.
Ví dụ, Diamond Eagle Acquisition Corp. được thành lập năm 2019 và tháng 12 năm đó lên sàn dưới dạng 1 công ty SPAC. Ngay sau đó công ty này đã thông báo sáp nhập với DraftKings và nền tảng cá cược SBTech. Đến khi thương vụ này khép lại tháng 4 năm ngoái, DraftKings bắt đầu được giao dịch như 1 công ty niêm yết.
Như vậy SPAC không có hoạt động kinh doanh gì, không làm ra sản phẩm và không hề bán hàng. Tài sản duy nhất của SPAC thường là số tiền mà nó huy động được từ vụ IPO của chính mình, theo định nghĩa của SEC.
Thông thường 1 SPAC sẽ được tạo ra hoặc được tài trợ bởi 1 nhóm các nhà đầu tư định chế, những ông trùm quỹ đầu cơ hoặc quỹ PE. Kể cả những CEO nổi tiếng như Richard Branson cũng đã "lên tàu" và thành lập một loạt SPAC.
Khi 1 SPAC huy động vốn qua IPO, những người mua cổ phiếu không hề biết mục tiêu mà SPAC đó sẽ thâu tóm là công ty nào. Những nhà đầu tư định chế với bề dày thành tích có thể dễ dàng thuyết phục mọi người đầu tư vào cả những thứ họ chưa biết. Đó là lý do tại sao SPAC còn có tên gọi khác là "công ty séc trắng".
Sau khi 1 SPAC hoàn tất IPO, số tiền nó huy động được sẽ được đổ vào 1 tài khoản ủy thác cho tới khi đội ngũ các nhà sáng lập tìm thấy 1 công ty tư nhân đang muốn lên sàn thông qua con đường M&A.
Sau sáp nhập, các nhà đầu tư đã rót vốn vào SPAC có thể đổi cổ phiếu của công ty SPAC lấy cổ phiếu của công ty sau sáp nhập hoặc trả lại số cổ phiếu đó và lấy lại khoản tiền đầu tư ban đầu cộng thêm lãi. Các nhà tài trợ cho SPAC thường nhận được khoảng 20% cổ phần của công ty sau sáp nhập.
Nếu không thể tìm được mục tiêu M&A trong thời hạn đề ra (thường là 2 năm sau khi IPO), SPAC sẽ giải thể và trả lại tiền (có trả lãi) cho nhà đầu tư.
Một sản phẩm khác của Covid-19
Thực chất thì mô hình SPAC lần đầu tiên xuất hiện từ những năm 1980. Tuy nhiên, gần đây loại hình này thu hút được rất nhiều sự chú ý và trở thành lựa chọn cuối cùng để huy động vốn.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ mà SPAC chính là một trong số đó. Vì làm việc từ xa trở nên phổ biến, các công ty không thể tổ chức những buổi roadshow truyền thống. Lãi suất siêu thấp khiến mọi thứ đều tăng giá, từ cổ phiếu cho đến Bitcoin. Bị thôi thúc bởi lòng tham và những ngày tháng buồn chán vì bị nhốt trong nhà, hàng triệu nhà đầu tư nghiệp dư được cổ vũ bởi mạng xã hội đã đổ xô rót tiền vào các cổ phiếu meme như GameStop và cả SPAC.
Các con số vẽ ra 1 bức tranh rất rõ nét. Năm 2019, có 59 SPAC ra đời và huy động tổng cộng 13,6 tỷ USD. Năm 2020 con số tăng vọt lên 248 SPAC và 83,3 tỷ USD. Còn từ đầu năm đến nay, tức chỉ sau 2 tháng đã có 226 SPAC được thành lập, huy động được 73 tỷ USD. Các SPAC chiếm tới hơn 70% số vụ IPO trên thị trường.
Một trong những thương vụ lớn nhất gần đây là nhà sản xuất xe điện Lucid Motors đã sáp nhập với 1 SPAC do ông trùm Michael Klein sáng lập. Giá trị vốn hóa của công ty sau sáp nhập đã nhanh chóng tăng lên mức 57 tỷ USD – cao hơn cả Ford Motor.
Giống như các mô hình đầu tư đã trở thành bong bóng khác như cổ phiếu meme, bong bóng dot-com, các khoản nợ dưới chuẩn hay những củ hoa tulip, thứ khiến SPAC trở nên nguy hiểm chính là lòng tham và sự ngạo mạn. Mọi người kiếm được cả núi tiền và không nhận ra rằng đó là con đường không bền vững.
Thực sự thì các SPAC làm ăn ra sao?
1 người phụ nữ mặc bộ bikini màu xanh navy đang bơi chầm chậm trong 1 bể toàn bong bóng. Chiếc ảnh GIF này được đăng lên Twitter kèm với tựa đề: Lucid Motors – công ty sẽ trở thành Tesla của thế giới SPAC.
Tác giả của bài viết đó là Dr.SPAC, một trong vô số các tài khoản mạng xã hội đã thổi bùng lên cơn sốt SPAC. Ảnh đại diện của tài khoản này là 3 bịch tiền. Profile cho biết đây là 1 nhà đầu tư đã có hơn 20 năm kinh nghiệm, không quên bổ sung rằng các bài viết "chỉ mang mục đích giải trí". Nhưng tài khoản này được rất nhiều người theo dõi, trong đó có cả nghệ sĩ hip hop Cuvée, người đã sáng tác cả 1 bài hát về SPAC.
Còn có cả những tài khoản như SPAC Tiger, SPAC Guru, SPACzilla và Bill SPACman (tỷ phú Bill Ackman mới đây cũng lập 1 SPAC mà cổ phiếu đã tăng 30% sau khi IPO, trong lúc vẫn đang tìm kiếm mục tiêu để M&A).
6 tháng trước, SPAC Guru chỉ có 1 người theo dõi trên Twitter nhưng giờ con số là hơn 75.000. Nhân vật này từ chối tiết lộ danh tính vì cho rằng cư dân mạng rất khó đoán và có thể "nổi điên", nhưng cũng chia sẻ ông là 1 nhân viên ngân hàng đầu tư đã nghỉ hưu và hàng ngày đều ngồi trước 9 cái màn hình vi tính, quản lý danh mục cho bản thân, mẹ và con trai của mình. Trên tài khoản Twitter, SPAC Guru thường xuyên chia sẻ các kiến thức về SPAC, từ các bài báo trên Harvard Law Review cho đến các tài liệu pháp lý.
Ông cho biết những người follow mình đã kiếm được đủ tiền để trả khoản nợ thế chấp, nợ thẻ tín dụng và cho con đi học đại học. Tuy nhiên, có vẻ như lịch sử lại không đứng về phía những nhà đầu tư tay mơ. Theo Bain & co, 60% các SPAC đã M&A trong giai đoạn 2016 – 2020 bị tụt lại phía sau so với mức tăng trưởng của S&P 500. Tính đến cuối tháng 1 vừa qua, khoảng 40% đang giao dịch dưới giá khởi điểm.
Tất nhiên vẫn có một số SPAC thành công hơn nhiều, ví dụ như cổ phiếu DraftKings đã tăng gần 450% kể từ khi thông báo thương vụ liên quan đến SPAC cuối năm 2019. Dẫu vậy nhiều công ty đã có kết cục không tốt đẹp. Một số SPAC đã phá sản.
Nạn nhân đầu tiên
Vài tháng gần đây SEC đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro từ mô hình SPAC. Khi hết thời hạn 2 năm, các nhà sáng lập sẽ muốn thực hiện M&A hơn là trả lại tiền cho nhà đầu tư, và họ sẽ rất cẩu thả khi vội vàng tìm kiếm cơ hội, dẫn đến những sai sót lớn.
Theo Greg Belinfanti, giám đốc One Equity Partners, khi môi trường đầu tư trở lại trạng thái bình thường, SPAC sẽ mất đi sức hấp dẫn, bị lu mờ trước các vụ IPO hoặc bất cứ thứ gì mới mẻ hơn.
"Bất cứ điều gì quật ngã thị trường con bò hiện nay cũng sẽ quật ngã các SPAC trước tiên. SPAC sẽ là nạn nhân đầu tiên", Steven Siesser, luật sư của công ty luật Lowenstein Sandler nói.
Tham khảo Bloomberg