Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn nguồn tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết đến nay bệnh khảm lá đã xuất hiện, gây hại ở 13 tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - VũngTàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Gia Lai, Phú Yên và Bình Phước.
Tại Bình Phước, theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, hiện nay trên địa bàn có hơn 10.000 ha diện tích trồng sắn. Bệnh khảm lá đã và đang lan nhanh tại các huyện Hớn Quản, Chơn Thành, Phú Riềng, Lộc Ninh, Đồng Phú.Cũng theo thống kê, từ tháng 8/2018 đến nay bệnh khảm lá sắn lan nhanh làm gần 2.000 ha sắn bị nhiễm bệnh, nguy cơ mất mùa năm nay rất cao.
Bên cạnh đó, tại Tây Ninh, hiện nay lượng sắn đưa về các nhà máy tăng do phía Campuchia đang tăng tiến độ thu hoạch sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, do đó giá sắn giảm. Giá mua sắn của các nhà máy được điều chỉnh giảm nhẹ, còn từ 3.200 - 3.400 đồng/kg tùy chất lượng sắn đưa về.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo thị trường sắn lát trong nước từ nay đến cuối năm 2018 sẽ sôi động, nhu cầu sử dụng sắn lát tăng do nhiều xưởng chế biến thực phẩm hoạt động trở lại sau thời gian duy tu, bảo dưỡng. Giá xuất khẩu có khả năng tăng do nguồn cung sắn của Thái Lan giảm do ảnh hưởng của mưa lũ cùng với sự hoạt động trở lại của các nhà máy cồn, hóa chất và kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất ethanol từ sắn của Trung Quốc sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu sắn của thị trường này.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2018 lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 150,27 nghìn tấn, trị giá 65,27 triệu USD, tăng 45% về lượng và tăng 44,8% về trị giá so với tháng 8/2018, nhưng giảm 50,8% về lượng và giảm 21,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn bình quân tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2017, lên 434,4 USD/tấn. Tính chung 9 tháng năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 1,83 triệu tấn,trị giá 700,46 triệu USD, giảm 35,8% về lượng và giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân sắn và sản phẩm từ sắn 9 tháng năm 2018 đạt 382,5 USD/tấn, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính riêng mặt hàng sắn, lượng sắn xuất khẩu tháng 9/2018 đạt 33,03 nghìn tấn,trị giá 7,82 triệu USD, tăng 172,2% về lượng và tăng 116,5% về trị giá so với tháng 8/2018 nhưng giảm 69,8% về lượng và giảm 60,5% về trị giá so với tháng 9/2017. Giá xuất khẩu sắn bình quân tháng 9/2018 đạt 236,9 USD/tấn, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 9 tháng năm 2018, lượng sắn xuất khẩu đạt 615,01 nghìn tấn, trị giá 133,67 triệu USD, giảm 48,8% về lượng và giảm 33,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, giá xuất khẩu bình quân đạt 217,4 USD/tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 9/2018, lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường tăng so với tháng 8/2018, trừ Hàn Quốc và Philippines. Trong tháng 9/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Nhật Bản tăng 5.549,7% về lượng và tăng 2.973,7% về trị giá so với tháng 8/2018; nhưng vẫn giảm 63% về lượng và giảm 49,3% về trị giá so với tháng 9/2017, đạt 10 nghìn tấn, trị giá 2,5 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Nhật Bản đạt 20,32 nghìn tấn, trị giá 5,03 triệu USD, giảm 73% về lượng và giảm 63% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 9/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc tăng mạnh, tăng 67,9% về lượng và tăng 64,8% về trị giá so với tháng 8/2018, với khối lượng đạt 128,13 nghìn tấn, trị giá 56,73 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 52,6% về lượng và giảm 24,7% về trị giá, giá xuất khẩu trung bình ở mức 442,8 USD/tấn, tăng 59,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 9 tháng năm 2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 1,59 triệu tấn, trị giá 606,9 triệu USD, giảm 37,2% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.