Trước đó, ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình cảnh báo về tình trạng ô nhiễm, bác tin đồn rò rỉ thủy ngân sau vụ cháy. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), không loại trừ khả năng có lượng thủy ngân bị thoát ra kèm theo khói bụi. Ngoài thủy ngân, khói bụi từ vụ cháy này có thể kèm theo cả photpho, bột kẽm, và một số hóa chất khác. Các chất này cũng có hại cho sức khỏe con người.
Chủ trì buổi gặp gỡ báo chí ngày hôm nay là bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện trường vụ cháy nhà kho Rạng Đông tối 28/8.
Sau hoả hoạn, người dân lo ngại về nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân.
Trong sáng 30/8, tại Trung tâm chống độc đã có 12 người tới khám và tiến hành làm các xét nghiệm về ngộ độc thuỷ ngân, trong đó có 10 phóng viên và 2 người dân. Tất cả các bệnh nhân hoặc đứng gần hiện trường vụ cháy hoặc trực tiếp tham gia dập lửa cùng cơ quan chức năng. Họ đều có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, còn các triệu chứng khác không rõ ràng.
Qua khám bệnh, bác sĩ Nguyên kết luận các bệnh nhân này có dấu hiệu sống ổn định, trên lâm sàng không có dấu hiệu gì đặc biệt. Nhưng phía bệnh viện vẫn kiểm tra những dấu hiệu liên quan cần thiết, đặc biệt vấn đề ngộ độc thuỷ ngân. Có thể trong đêm nay (30/8) sẽ có kết quả sớm nhất, để tiếp tục tính toán nguy cơ và có thông tin đánh giá về môi trường gần hiện trường cháy.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
"Trong vụ cháy này có các nguy cơ phổ biến như, ngộ độc khói hay ngộ độc thuỷ ngân. Khói có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, gây kích ứng đường hô hấp. Khí CO gây ngộ độc máu. Thậm chí hơi nóng cũng rất nguy hiểm, có thể gây bỏng đường hô hấp. Chúng ta tính đến xem xét ô nhiễm thuỷ ngân. Tuy nhiên cho tới nay, đây là những yếu tố suy luận, đánh giá, theo dõi và chưa có thông tin chính thức từ đơn vị chuyên môn" - bác sĩ Nguyên thông tin.
Theo bác sĩ Nguyên, thuỷ ngân được sử dụng trong sản xuất bóng đèn. Bình thường nếu vỡ ra, nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân rất thấp. Nhưng, trong trường hợp nóng ở nhiệt độ cao, thuỷ ngân sẽ bốc hơi, đi vào trong không khí dưới nhiều dạng khác nhau và ảnh hưởng sức khoẻ người hít phải.
Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân phụ thuộc rất nhiều yếu tố, như nồng thuỷ ngân trong không khí và thời gian tiếp xúc.
"Nếu khu vực đấy cháy nhiều, khói nhiều, trực tiếp có nguồn hoá chất dù không gian khép kín, thì thuỷ ngân sẽ dễ tích tụ. Nếu ai đó ở trong môi trường đó càng dài, càng lâu thì càng tiếp xúc nhiều hơn. Ngoài ra còn có những yếu tố khác gây ngộ độc thuỷ ngân, như tình trạng hoạt động của nạn nhân, tuổi của nạn nhân".
Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai nói, không thể kết luận bất cứ ai dù sống gần hay xa khu vực cháy đều có nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân. Những người có nguy cơ cao nên đi kiểm tra, đó là những người trực tiếp tham gia trong môi trường cháy, hít phải hơi nóng, như cứu hoả, công nhân, hoặc người dân. Hoặc những ai có biểu hiện bất thường như khó chịu, ho nhiều, tức ngực, choáng váng, tê chân tay, đờ đẫn,...
Còn, đối với những người khoảng cách xa, không hít phải khói hay hơi nóng, thì nguy cơ nhiễm độc thấp hơn, không nhất thiết phải đổ đi kiểm tra một lúc vì dễ gây quá tải.
Người dân di chuyển qua hiện trường đều cảm thấy khó chịu với mùi khói khét lẹt toả ra.
PV: Sau bao lâu, các bệnh nhân có thể biết trong người mình nhiễm thuỷ ngân? Biểu hiện của những người có nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân?
Bác sĩ Nguyên: Ngộ độc nhiễm độc thuỷ ngân có nhiều dạng, tuỳ theo loại thuỷ ngân: thuỷ nhân hợp chất, hữu cơ, vô cơ, kim loại,... Trong trường hợp này là thuỷ ngân kim loại dạng bốc hơi. Sau khi hít phải hơi nóng qua đường hô hấp, trong vòng vài giờ, bệnh nhân sẽ có biểu chứng sớm, như: tức ngực, khó thở, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, sốt, run, yếu mỏi, tê chân tay, thậm chí suy thận, đi tiểu ít dần, có thể bị xem là nhiễm độc cấp.
PV: Với những trường hợp nhiễm độc cấp, việc thải thuỷ ngân ra khỏi cơ thể có khó khăn hay không?
Bác sĩ Nguyên: Đầu tiên, các nạn nhân nên được ra khỏi môi trường cháy, đến nơi thoáng khí. Sau đó, nếu có các biểu hiện trên da, mắt thì nên rửa bằng nước sạch trong nhiều phút. Và đến cơ sở y tế gần nhất để làm các xét nghiệm cơ bản hiện nay. Các đơn vị cấp cứu sẽ cố gắng làm nhanh nhất có thể, để có định hướng điều trị.
Đối với ngộ độc thuỷ ngân, chúng tôi sẽ tiến hành làm các xét nghiệm thuỷ ngân trong máu và nước tiểu (trong vòng 24 giờ), thì có thể kết luận.
Trong môi trường này các biểu hiện trên không nhất thiết là ngộ độc thuỷ ngân, mà có thể là ngộ độc khí khác. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh!
PV: Trong thời gian chờ đợi kết luận chính thức từ cơ quan chuyên môn, người dân có thể làm gì để tự thải thuỷ ngân ra khỏi cơ thể?
Bác sĩ Nguyên: Thực ra không có các biện pháp nào khác, ngoài các biện pháp tẩy độc ban đầu như rửa da, mắt,... và theo dõi các biểu hiện bệnh ban đầu. Xét nghiệm thuỷ ngân máu mới có thể đưa ra kết luận chính thức về bệnh.
PV: Sau khi được thăm khám, phác đồ điều trị với các bệnh nhân như thế nào?
Bác sĩ Nguyên: Điều trị tại BV, các bệnh nhân có biểu hiện sao thì chữa vậy, đặc biệt là triệu chứng nặng như khó thở, suy hô hấp. Có cách điều trị đặc hiệu, là dùng các thuốc gắp thải thuỷ ngân ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên nhiều trung tâm chữa bệnh lại không đủ số lượng thuốc.
Thuỷ ngân thường có trong nhiều bóng đèn, khi bị đốt cháy tạo ra luồng khí độc nguy hại.
PV: Hậu quả của ngộ độc thuỷ ngân?
Bác sĩ Nguyên: Thuỷ ngân có nhiều dạng, khi vào trong cơ thể sẽ gây những tổn thương chính với đường hô hấp, đường tiêu hoá, thận, hệ thần kinh, một số trường hợp cả với máu và da, tổn thương phổi, suy thận, suy não, rối loạn vận động, giảm thể lực,...
Có 2 giai đoạn: đầu tiên là biểu hiện ngộ độc cấp, mới xảy ra 1, 2 ngày, các bệnh viện sẽ cố gắng làm nhanh nhất có thể. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn mãn cấp, dẫn tới tổn thương về thần kinh.
PV: Với những người dân không nên ăn thực phẩm trong vòng bán kính 1km, người dân sẽ lo lắng điều gì?
Bác sĩ Nguyên: Thực ra, trước khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình, bà con không cần quá lo ngại. Chúng ta ở Hà Nội, ăn rau từ tỉnh khác mang đến, nước nhà máy khu khác cung cấp. Khi hết cháy, nguy cơ độc thuỷ ngân sẽ ít nguy hiểm hơn.
Cho tới nay, 12 bệnh nhân tới thăm khám chưa thấy có biểu hiện gì đặc biệt, cần phải chờ kết quả xét nghiệm kèm theo. Tuy nhiên, xét nghiệm kim loại hiện nay rất khó, ít bệnh viện và trung tâm y tế có thể đáp ứng được.
PV: Theo nhiều thông tin, khu vực cháy còn thải ra khí lưu huỳnh, liệu mức độ ảnh hưởng như nào?
Bác sĩ Nguyên: Lưu huỳnh khi cháy sẽ tạo khí sunfua sẽ gây kích ứng đường hô hấp ngay, gây cay mắt, cay mũi, có thể ảnh hưởng sâu bên trong, ho sặc sụa khó chịu, khó thở. Tuy nhiên, chỉ khi nào có những biểu hiện cụ thể như trên mới đánh giá được mức độ độc hại của lưu huỳnh.
Tôi thấy nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân cao nhất là lúc đang cháy, vì khi đó thuỷ ngân kim loại dễ bốc hơi. Khi hết cháy, nguy cơ nhiễm độc sẽ phải đánh giá trong không khí, trong đất và trong nguồn nước.
Người dân sinh sống trên địa bàn đều phải trang bị khẩu trang y tế.
Vào hồi 18h ngày 28/8, tại Công ty Cổ phần bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã xảy ra sự cố hỏa hoạn, ở bộ phận sản xuất bóng đèn dây tóc, đèn CFL và một kho thành phẩm tại cơ sở Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Khu vực xảy ra cháy nằm trong khuôn viên khu vực kho chứa hàng hóa và nhà xưởng, có tổng diện tích nhà kho, xưởng là khoảng 6.000m2.
Sau khoảng 21h30 cùng ngày, đám cháy về cơ bản được khống chế, đã ngăn chặn được cháy lan, sau đó lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành khoanh vùng phun nước và các biện pháp nghiệp vụ không để bùng phát cháy trở lại.
Đến khoảng 23h30 cùng ngày, đám cháy được dập tắt.