CTCP Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An vừa báo kết quả kinh doanh quý 2/2018 với doanh thu 121 tỷ đồng, tăng trưởng gần 9%, biên lãi gộp 21%. Lợi nhuận sau thuế đem về gần 12 tỷ đồng, tăng trưởng 70% so với quý 1/2017.
Tính đến thời điểm 30/6/2018, tổng giá trị tài sản của bệnh viện Triều An đạt gần 787 tỷ đồng, tăng thêm 26 tỷ đồng so với cuối quý 1. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng thêm 10 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc gia tăng tiền mặt lên gần 23,6 tỷ (tăng 120%). Đặc biệt, giá trị tài sản dở dang dài hạn trên 63 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khu nghĩa trang Thạnh Đức (trên 27 tỷ đồng), chi phí xây dựng khối hỗn hợp bệnh viện Triều An (35,5 tỷ đồng), khu nghĩa trang ở Long An gần 600 triệu đồng. Công ty cũng đang đầu tư gần 90 tỷ đồng vào CTCP Triều An – Loan Trâm (73 tỷ) và CTCP Tư vấn Đầu tư Dịch vụ An Triều (15 tỷ đồng).
Về nợ, nợ phải trả tính đến cuối quý 2 ghi nhận trên 202 tỷ đồng, tập trung tại các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn với phải trả người bán (22 tỷ đồng), phải trả khác (67 tỷ đồng chủ yếu tiền cổ tức). Nợ dài hạn cũng tăng thêm 15 tỷ đồng lên trên 95 tỷ do tăng phải trả khác. Đáng chú ý, cơ cấu nợ đều là các cá nhân, phải trả ông Nguyễn Văn Bình trên 18 tỷ đồng, phải trả bà Dương Thị Đẹt (cổ đông lớn nhất) 48 tỷ đồng và ông Trầm Khải Hòa (con trai Trầm Bê) phát sinh trong quý này là 15 tỷ đồng.
Về Triều An, bệnh viện được thành lập năm 1999, chuyển thành CTCP vào năm 2006. Hiện vốn điều lệ của Triều An là 590 tỷ đồng, gần 700 nhân viên tính đến hết tháng 6/2018. Bệnh viện Triều An là bệnh viện tư nhân lớn nhất Tp.HCM, quy mô 400 giường và 8 phòng mổ tiêu chuẩn quốc tế.
Về lãnh đạo, Chủ tịch HĐQT bệnh viện Triều An thời điểm hiện tại là ông Trần Ngọc Henri (nắm 4,08% vốn điều lệ), cổ đông lớn nhất bà Dương Thị Đẹt (nắm 38,27%), ông Trầm Bê (nắm 4,85%) và con gái Trầm Thuyết Kiều (nắm 21,39% vốn). Trước khi bị bắt, ông Trầm Bê từng có thời gian làm Chủ tịch bệnh viện Triều An cùng con gái cũng có chân trong HĐQT.
Liên quan đến Trầm Bê, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự sẽ mở lại vào ngày 24/7 tới đây.
Trước đó tại phiên tuyên án ngày 7/2/2018, xét thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, thiếu chứng cứ để chứng minh theo quy định luật dân sư và không thể bổ sung tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử đã tuyên bố hoàn trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.