Một số bệnh viện tư nhân công khai số liệu tài chính như Triều An, Tâm Đức, Quốc tế Thái Nguyên ghi nhận kết quả kinh doanh năm qua với mức lợi nhuận vài chục đến trăm tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên vừa nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Nếu hoàn tất thủ tục, đây sẽ là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cùng với việc chuẩn bị niêm yết, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên công khai các số liệu tài chính trong 3 năm gần nhất với kết quả lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Lợi nhuận trăm tỷ
Trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tăng nhẹ qua từng năm, từ 266 tỷ lên 269 tỷ rồi 275 tỷ đồng. Năm gần nhất, lợi nhuận gộp của bệnh viện này hơn 108 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 44%.
Với tổng chi phí tài chính và chi phí hoạt động 15 tỷ, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đạt lợi nhuận sau thuế tới 89 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 9% so với cùng kỳ 2018. Doanh nghiệp này đạt tỷ suất lợi nhuận ròng lên tới 32%. Bình quân mỗi 10 đồng doanh thu, bệnh viện lãi hơn 3 đồng.
Trước Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức ở TP.HCM đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM của các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết từ năm 2017. Bệnh viện này cũng ghi nhận mức lãi lớn.
Năm 2019, Bệnh viện Tim Tâm Đức đạt doanh thu 660 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận gộp của bệnh viện tim này đạt 151 tỷ, tương ứng tỷ suất lãi gộp 23%.
Khác với Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, tổng chi phí hoạt động của Bệnh viện Tim Tâm Đức lên tới 67 tỷ đồng trong năm qua. Sau khi hạch toán chi phí và thuế, lãi sau thuế của bệnh viện đạt 77 tỷ, tăng 15% so với năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của bệnh viện này gần 12%.
Chưa giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhưng Bệnh viện Đa khoa Triều An ở TP.HCM cũng công khai kết quả kinh doanh hàng năm ở mức lợi nhuận 11 chữ số.
Năm 2019, doanh thu thuần của bệnh viện Triều An là 547 tỷ, cao hơn 12% so với năm liền trước. Tuy nhiên, do biên lợi nhuận gộp giảm từ 23% xuống 18% trong khi tổng chi phí hoạt động không đổi, lợi nhuận năm 2019 của bệnh viện này giảm 17% còn 49 tỷ đồng.
Bệnh viện tư nhân mới chiếm 5% tổng giường bệnh
Số lượng bệnh viện tư nhân trên toàn quốc tăng từ 102 với 5.800 giường bệnh năm 2010 lên 231 bệnh viện với khoảng 16.000 giường bệnh đến cuối năm 2019, theo số liệu trong báo cáo thường niên của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. Tuy nhiên, các con số này mới tương đương hơn 19% tổng số bệnh viện và 5% tổng giường bệnh trên toàn quốc.
Cộng với trên 35.000 phòng khám tư nhân, khối ngoài công lập đang cung cấp khoảng 43% dịch vụ y tế gồm cả khám chữa bệnh và phòng bệnh ngoại trú; 2,1% tổng số dịch vụ nội trú.
Với dân số hơn 98 triệu người, Việt Nam được dự báo chạm mốc hơn 100 triệu dân trong 10 năm tới. Thêm vào đó, dân số Việt Nam cũng được dự đoán bước vào giai đoạn già hóa kéo dài khoảng 30 năm, bắt đầu từ năm 2020, trước khi chuyển sang giai đoạn dân số già.
Do đó, ban lãnh đạo Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cho rằng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Việt Nam trong tương lai sẽ rất lớn khi dân số tăng và số người trong độ tuổi có nhu cầu lớn về khám chữa bệnh cũng tăng. Đây là cơ sở để kỳ vọng vào sự phát triển của ngành y tế.
Cũng với nhận định nhu cầu tiếp cận các hệ thống y tế tư nhân chất lượng cao của người dân đang tăng nhanh trong bối cảnh tầng lớp trung lưu tại Việt nam tiếp tục tăng trưởng, quỹ đầu tư VOF thuộc VinaCapital vừa qua rót vốn 620 tỷ đồng vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc tại TP. Hà Nội để đổi lấy 30% cổ phần doanh nghiệp này.
Đây là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Ngoài khoản đầu tư nói trên, VinaCapital còn đang đầu tư vào Tập đoàn Y khoa Tâm Trí với các bệnh viện ở khu vực miền Nam và miền Trung; bệnh viện Thái Hòa tại vùng Tây Nam Bộ.
(Theo Zing)