Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu được nêu tên khẩn trương báo cáo các nội dung theo yêu cầu về Bộ Tài chính chậm nhất trong ngày 3/11.
Ngày 2/11, Bộ Tài chính cho biết cho đến thời điểm hiện tại Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo của nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.
Cụ thể, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa gửi báo cáo chi phí gồm: CTCP Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, CTCP tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P, CTCP Nhiên liệu Phúc Lâm, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát, CTCP Phúc Lộc Ninh, Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương tại công văn số 6436/BCT-TTTN, Bộ Tài chính đã có văn bản số 10856/BTC-QLG ngày 21/10/2022 gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; Premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên cho đến thời điểm ngày 02/11, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo của các đơn vị trên.
Vì vậy, để kịp thời tổng hợp, rà soát và đánh giá, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên khẩn trương báo cáo các nội dung theo yêu cầu tại công văn số 10856/BTC-QLG về Bộ Tài chính chậm nhất trong ngày 3/11.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và chứng từ kèm theo.
Cũng trong ngày 2/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc phối hợp cung cấp thông tin theo đề nghị tại công văn số 10859/BTC-QLG.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương tại công văn số 6436/BCT-TTTN ngày 18/10/2022 về tiếp tục rà soát và điều chỉnh các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính đã có công văn số 10859/BTC-QLG ngày 21/10/2022 gửi Bộ Công Thương đề nghị phối hợp cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể và đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí. Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính cho biết vẫn chưa nhận được công văn của Bộ Công Thương.
Do đó, để đảm bảo tính kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương phối hợp có công văn gửi Bộ Tài chính trước ngày 5/11 để có đủ cơ sở tổng hợp, đánh giá mức độ biến động, có phương án điều chỉnh theo quy định.
Sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, nhập khẩu giảm 35-40% dẫn đến thiếu hụt nguồn cung
Liên quan đến diễn biến của thị trường xăng dầu trong nước, mới đây, tại buổi báo cáo, giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nguồn cung từ sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu không đạt kế hoạch đề ra là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hụt cung xăng dầu.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Tài chính, nhu cầu xăng, dầu của đất nước ta khoảng 19,2 triệu tấn/1 năm. Về nguồn cung trong nước, Việt Nam hiện có 2 nhà máy sản xuất là Bình Sơn và Nghi Sơn. Trong 9 tháng qua, Lọc dầu Bình Sơn đạt khoảng 70% công suất với 4,4 triệu tấn/6,2 triệu tấn (đạt kế hoạch đề ra). Còn với Nghi Sơn có công suất 6,8 triệu tấn mới chỉ đạt 4,3% sản lượng.
Về nhập khẩu, theo kế hoạch là 6,2 triệu tấn, chiếm 32% nguồn cung và được phân bổ cho 34 đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm mới nhập được 3,97 triệu tấn, tức không đạt kế hoạch. Riêng quý 3 nhập khẩu giảm 40% với mặt hàng xăng, giảm 35% với dầu, chỉ 19/34 đầu mối có nhập. Và đây chính là nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.
Theo Bộ trưởng Tài chính, thời gian qua, để giúp ổn định giá các mặt hàng xăng dầu, Bộ này đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường với tổng mức giảm khoảng 28.000 tỷ đồng, giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%.
Chi phí xăng dầu, premium cũng đã được tăng 2 lần trong năm nay. Định mức chi phí vận chuyển và quản lý của 1 lít xăng RON92 đã vào khoảng gần 2.000 đồng.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã có văn bản ngày 21/10/2022 xin ý kiến các công ty đầu mối, Bộ Công Thương để tiếp tục nâng chi phí định mức, tuy nhiên chưa nhận được nhiều ý kiến phản hồi.
Đồng thời, Bộ này cũng sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95 theo hướng giao toàn bộ công tác quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công Thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức để bảo đảm tăng cường điều hành chủ động nguồn cung, chủ động trong điều chỉnh chi phí định mức, tháo gỡ các khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất cho đời sống và sản xuất kinh doanh.
Hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu, đứt gãy nguồn cung và tạm đóng cửa một số cơ sở kinh doanh xăng dầu tiếp tục tái diễn ở TP.HCM trong những ngày gần đây; còn ở Hà Nội, cục bộ một số nơi cũng xuất hiện tình trạng tương tự.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 29/10, nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu trong nước biến động mạnh là do nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao. Ông Hải cho biết, gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, bán cầm chừng… nguyên nhân chính là do nguồn cung không ổn định.
"Giá biến động lớn, phức tạp, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó khăn, thua lỗ liên tục nên đã phải cắt giảm các chi phí kinh doanh, trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh, cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói tại họp báo trên.