Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong ngày 15-11, có 6 doanh nghiệp (DN) hải sản hội viên VASEP gồm: HAVUCO (Khánh Hòa), BIDIFISCO (Bình Định), HAI NAM (Bình Thuận), AMANDA FOODS (Đồng Nai); EVERWIN INDUSTRIAL (TP HCM); HIGHLAND DRAGON (Bình Dương) phản ánh tới VASEP về việc toàn bộ số container hải sản (chủ yếu là cá ngừ) nhập khẩu đang bị tắc tại cảng từ ngày 3-11.
Nguyên nhân xuất phát từ văn bản của Cục Thú y (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ngày 3-11, đưa các lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt được đóng container tại cảng trung chuyển nước ngoài không có Health Certificate (H/C - giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc an toàn thực phẩm) vào dạng "xem xét" mà không được phép thông quan có điều kiện như trước.
Văn bản này khiến cho các DN phải tốn chi phí lưu container, lưu bãi lên tới hàng trăm triệu đồng, một số nhà máy đã ngưng hoạt động và cho công nhân nghỉ làm. Ngoài ra, khách hàng đòi phạt hợp đồng do giao hàng trễ, ảnh hưởng đến uy tín của DN với khách hàng nước ngoài, thiệt hại về lãi suất ngân hàng, không đạt doanh số...
Các DN đang thiếu nguyên liệu cá ngừ để sản xuất
Tình trạng nguyên liệu hải sản nhập khẩu bị ách tại cảng đã diễn ra gần 3 tuần (từ 26-9 đến 17-10) cũng với lý do các lô hàng không có H/C với số lượng gần 40 container khiến các DN bị thiệt hại gần 600 triệu đồng, chưa kể chất lượng hàng hóa có rủi ro hư hỏng và bị phạt hợp đồng do chậm giao hàng.
Theo VASEP, việc nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ các tàu khai thác (trực tiếp từ tàu hoặc tàu sẽ phân bổ vào các container để vận chuyển tới nơi nhập khẩu không qua bất cứ công đoạn chế biến nào ở nhà xưởng trên đất liền) là một hoạt động bình thường theo thông lệ quốc tế mà Việt Nam cũng tham gia.
Dòng hàng này thường được gọi là "hàng tàu" và DN Việt Nam đã nhập khẩu bình thường hơn 10 năm qua. Do các lô hàng này chỉ chuyển tải trung gian qua cảng của các quốc gia nên Cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia có cảng này không thể cấp giấy H/C cho các lô hàng. Do đó, toàn bộ các lô hàng này không thể có giấy H/C kèm theo để nộp cho Cơ quan thú y khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Gần 40 container này sau đó đã được giải phóng sau cuộc họp gỡ vướng giữa Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), VASEP và một số DN theo hướng cho DN bổ sung bản sao chụp có xác nhận của chủ hàng vận tải.
Thời gian qua, việc quản lý khai thác hải sản bất hợp pháp được Ủy ban châu Âu (EC) và Chính phủ Việt Nam quan tâm, đặc biệt là sau khi hải sản Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng vào tháng 10-2017. Theo Cục Thú y, tất cả các văn bản quy định pháp luật của Việt Nam đều được EC nghiên cứu và kiểm tra thực hiện nghiêm ngặt. Các DN nhập khẩu nguyên liệu hải sản đề nghị được nhập khẩu "hàng tàu" không có H/C nhưng trường hợp này chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Do đó, để gỡ vướng cho DN cần phải sửa đổi quy định pháp luật tại thông tư 26/2016 và thông tư 02/2018 thì mới giải quyết triệt để cho DN.
Do thẩm quyền ban hành thông tư thuộc các bộ nên VASEP đề nghị Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên sắp xếp cho VASEP và các DN thủy sản một cuộc họp để VASEP và các DN có điều kiện trình bày, làm rõ hơn về các vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và đáp ứng các thông lệ quốc tế.
Thiếu nguyên liệu trầm trọng
Theo Công ty TNHH Hải Vương (HAVUCO), công ty xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam, mặc dù cố gắng thu mua cá ngừ ở khắp vùng biển trong nước nhưng sản lượng nguyên liệu không đủ cho sản xuất, xuất khẩu. Do đó, trung bình mỗi tháng, công ty phải nhập 220 container cá ngừ nguyên liệu. Tuy nhiên, công ty đang tính tới việc buộc phải hoãn nhập 280 container cá ngừ, tương đương khoảng 7.000 tấn đã ký hợp đồng cho đơn hàng tháng 12-2018 do lo ngại không thể thông quan.